Cộng đồng chia sẻ ký ức sẽ phát huy tốt nhất giá trị của di sản

Các thông tin, tài liệu về di sản hiện còn nhiều trong cộng đồng. Nếu được khai thác hiệu quả từ các cá nhân, tổ chức sẽ góp phần phát huy tốt nhất giá trị của di sản.
Thêm 14 di sản được ghi danh vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Bài 3: Hiểu bản sắc riêng của lễ hội để lan tỏa văn hóa Việt ra thế giới Bài 2: Một mùa lễ hội đang dần được "gạn đục, khơi trong” Bài 1: Di sản văn hóa - Nguồn lực để phát triển du lịch

Nhận định trên được các chuyên gia đưa ra tại Tọa đàm “Chia sẻ ký ức – Phát huy di sản” do Trung tâm Lưu trữ quốc gia I tổ chức.

Tại tọa đàm, bà Trần Thị Mai Hương, Giám đốc Trung tâm Lưu trữ quốc gia I chia sẻ, việc phát huy giá trị tài liệu là một trong các nhiệm vụ quan trọng của Trung tâm Lưu trữ quốc gia I. Chính vì vậy, trong nhiều năm qua, bằng nhiều hình thức khác nhau, Trung tâm đã đưa di sản tài liệu lưu trữ đến với đông đảo công chúng trong và ngoài nước để lan toả giá trị đến với đời sống xã hội.

Trung tâm cũng đã chủ động chia sẻ thông tin tài liệu lưu trữ thông qua các bài viết, các ấn phẩm, các cuộc triển lãm. Đồng thời, Trung tâm cũng nhận được sự hưởng ứng đóng góp tư liệu của nhiều cá nhân để các hoạt động phát huy giá trị di sản ngày càng hiệu quả.

Hiện nay, bên cạnh khối tài liệu lưu trữ được bảo quản tại các Lưu trữ quốc gia còn rất nhiều tài liệu, tư liệu đang nằm rải rác trong các bộ sưu tập của các cá nhân, tổ chức cũng như trong các câu chuyện kể của các nhân chứng lịch sử. Các tài liệu, tư liệu này có mối quan hệ chặt chẽ và bổ sung cho nhau giúp phác hoạ được bức tranh về đời sống xã hội một cách toàn diện nhất trong lịch sử.

Cộng đồng chia sẻ ký ức sẽ phát huy tốt nhất giá trị của di sản

Tại tọa đàm, PGS.TS Nguyễn Văn Huy, nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học bày tỏ quan điểm về việc kêu gọi cộng đồng đóng góp tư liệu cho các cuộc triển lãm.

Ông cho rằng, các tài liệu về di sản hiện còn nằm trong cộng đồng nhiều. Bởi vậy, người làm công tác bảo tàng phải vận động cộng đồng chia sẻ tư liệu, ký ức. Tuy vậy, phía người nhận là các bảo tàng cần phải biết tôn trọng và lắng nghe những câu chuyện của người mang đến, đồng thời trong quá trình chia sẻ với cộng đồng, cần phải giữ được chữ Tín.

Nhấn mạnh sự đa dạng của tư liệu và cách chia sẻ, ông Đặng Thanh Tùng, Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước (Bộ Nội vụ) cho rằng, nếu trước đây, trong Luật Lưu trữ, tài liệu lưu trữ là vật mang đi như giấy, mộc bản, thì bây giờ tài liệu chính là thông tin. Với thời đại công nghệ, việc chia sẻ thông tin cũng dễ hơn.

“Những điều quan trọng nhất là, thông tin chỉ có giá trị khi chia sẻ và được giữ bởi tất cả mọi người”, ông Tùng nói.

Tại tọa đàm, ngoài ý kiến của các chuyên gia, còn có sự tham dự của những cá nhân đam mê di sản.

Chị Nguyễn Thị Búp (Cầu Giấy – Hà Nội), hiện đang làm công việc phục dựng lụa cổ cũng cho rằng, việc chia sẻ tư liệu quý giá cho các bảo tàng hoặc các cơ quan lưu trữ sẽ giúp di sản đến được với cộng đồng một cách tốt nhất, bền vững nhất.

“Tôi nghĩ, cần phải nâng cao nhận thức của cộng đồng, phát động các phong trào hiến tặng, chia sẻ tài liệu nói chung, từ đó để mọi người hiểu, việc chia sẻ sẽ góp phần gìn giữ, phát huy di sản, là tiền đề cho việc giáo dục tình yêu quê hương, đất nước”, chị nói.

Bảo Phương
Phiên bản di động