Thực hư câu chuyện khách hàng bị giữ tiền gửi tiết kiệm tại ngân hàng

Gửi tiết kiệm 50 tỷ đồng vào Ngân hàng Quốc Dân (NCB), một thời gian sau, đến rút tiền thì vợ chồng ông Đặng Nghĩa Toàn mới ngỡ ngàng khi tài khoản đã bị ngân hàng phong tỏa với lý do các sổ tiết kiệm đã được mang đi cầm cố...
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các nhà băng đẩy mạnh xử lý nợ xấu Ngân hàng Á Châu muốn thoái sạch vốn tại Kem Thuỷ Tạ Lùm xùm tranh chấp cổ phần tại Ngân hàng Nam Á

Trong đơn thư gửi Tuổi trẻ và Pháp luật, ông Đặng Nghĩa Toàn (trú tại quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết, từ ngày 24/1/2018 đến ngày 13/8/2018, ông cùng vợ là bà Tạ Thị Thu Trang đến Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB) - Phòng giao dịch Láng Thượng và Phòng giao dịch Cầu Giấy để mở tài khoản và gửi vào ngân hàng tổng số tiền 50 tỷ đồng. Sau đó, ông Toàn chuyển sang hình thức gửi sổ tiết kiệm và được NCB cấp 4 sổ tiết kiệm có kỳ hạn.

Theo ông Toàn, trong quá trình giao dịch, gửi tiền tiết kiệm vào ngân hàng, ông đều tuân thủ theo các quy định về tiền gửi, thực hiện giao dịch trực tiếp với cán bộ ngân hàng. "Toàn bộ số tiền tôi gửi vào ngân hàng đều là bằng tiền mặt, có giấy tờ nộp tiền và đầy đủ chữ ký của các cán bộ có thẩm quyền, được đóng dấu của ngân hàng. Không những thế, những biến động tiền gửi còn được ngân hàng gửi tin nhắn vào số điện thoại của tôi", ông Toàn cho biết.

Tuy nhiên, sau đó, do sơ ý nên các sổ tiết kiệm bị thất lạc, đến ngày 11/12/2018, vợ chồng ông Toàn đến Ngân hàng Quốc Dân - Phòng giao dịch Cầu Giấy (địa chỉ 158 Nguyễn Khánh Toàn, Cầu Giấy, Hà Nội) để rút tiền, làm lại sổ thì được phía ngân hàng thông báo 4 sổ tiết kiệm của vợ chồng ông đang bị phong tỏa vì đã cầm cố để bảo lãnh cho Công ty TNHH Cơ điện và Xây dựng Jeongho Landmark vay vốn nên không được phía ngân hàng chấp nhận.

khach hang to ngan hang quoc dan chiem giu 50 ty dong tiet kiem trai phap luat
Ngân hàng Quốc Dân - Phòng giao dịch Cầu Giấy.

Cũng theo ông Toàn, mặc dù vợ chồng ông đã nhiều lần khẳng định không ký hợp đồng, giấy tờ nào tại ngân hàng để cho bảo lãnh cho Công ty TNHH Cơ điện và Xây dựng Jeongho Landmark vay vốn, đồng thời cũng cho biết là không liên quan gì đến công ty trên nhưng cũng không được phía ngân hàng chấp nhận.

"Vợ chồng chúng tôi chưa ký hợp đồng, giấy tờ nào tại ngân hàng để cho bảo lãnh cho Công ty Jeongho Landmark vay vốn và đã cung cấp giấy chứng nhận đăng ký kết hôn để chứng minh hồ sơ tại ngân hàng là giả mạo", đơn thư ông Toàn nêu.

Để sáng tỏ sự việc, phóng viên Tuổi trẻ và Pháp luật đã liên hệ làm việc với đại diện Ngân hàng Quốc Dân. Đại diện nhà băng này cho biết ngay sau khi nhận được thông tin đã tổ chức nhiều đợt làm việc với khách hàng để làm rõ vụ việc, đảm bảo giải quyết theo đúng pháp luật và quyền lợi chính đáng của người gửi tiết kiệm.

Bên cạnh đó, vào tháng 1/2019, Ngân hàng Quốc Dân cũng đã gửi công văn tới cơ quan An ninh điều tra – Công an TP Hà Nội để làm rõ một số vấn đề có dấu hiệu hình sự và sẽ thông báo rộng rãi cho báo chí ngay khi có kết luận chính thức từ cơ quan có thẩm quyền.

Trong một diễn biến tương tự, ông Đặng Nghĩa Toàn cũng đang ''dở khóc dở cười'' tại Ngân hàng TMCP Việt Á (VietABank) vì tiền và sổ tiết kiệm trị giá 20 tỷ đồng cũng đang bị phía ngân hàng phong tỏa cùng lý do đã mang đi cầm cố. Điều đáng nói, mọi rắc rối liên quan cũng giống hệt bên Ngân hàng Quốc Dân.

Trước đó, Cơ quan An ninh điều tra - Công an TP Hà Nội đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự “Nguyễn Thị Hà Thành và đồng phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản, xảy ra tại Hà Nội”. Vụ án xuất phát từ đơn tố giác của Ngân hàng TMCP Việt Á và ông Đặng Nghĩa Toàn về việc Nguyễn Thị Hà Thành và các đối tượng liên quan đã có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua việc giả mạo hồ sơ vay vốn thế chấp bằng sổ tiết kiệm tại các ngân hàng. Đối tượng Nguyễn Thị Hà Thành và một người khác sau đó cũng đã bị khởi tố để điều tra về hành vi lừa đảo tại Ngân hàng TMCP Việt Á.

Doãn Hưng - Hậu Lộc
Phiên bản di động