Thủ tướng yêu cầu báo cáo việc xử lý ngân hàng yếu kém trong tháng 9
Hệ thống ngân hàng đang "chữa bệnh thừa tiền" Kiểm soát tín dụng vào bất động sản đầu cơ, nhu cầu ảo |
Đây là một trong những yêu cầu được Thủ tướng Phạm Minh Chính đưa ra đối với Ngân hàng Nhà nước tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2023.
Trước đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có nhiều lần chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước phải khẩn trương xử lý hiệu quả các ngân hàng yếu kém.
Lãnh đạo Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước phải tích cực, khẩn trương xây dựng phương án cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, nhất là các ngân hàng thương mại yếu kém theo đúng trình tự, thủ tục, không để chậm trễ, bảo đảm công khai, minh bạch, đúng thẩm quyền, đúng quy định, không để xảy ra rủi ro, thất thoát tài sản Nhà nước.
Mới đây trong báo cáo gửi Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, liên quan đến việc xử lý các tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước cho biết đã trình và được cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương chuyển giao bắt buộc đối với 4 ngân hàng được kiểm soát đặc biệt.
Ảnh minh họa. |
Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các bên liên quan thực hiện các nội dung tiếp theo để trình Chính phủ phê duyệt phương án cơ cấu lại các ngân hàng này theo trình tự, thủ tục quy định.
Trong đó, đối với Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), Ngân hàng Nhà nước đang khẩn trương triển khai các trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật về đánh giá tổng thể thực trạng và chủ trương cơ cấu lại tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt để có cơ sở xây dựng phương án cơ cấu lại ngân hàng này, báo cáo cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Theo Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thương mại nhà nước tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong hệ thống các tổ chức tín dụng cũng như tham gia hỗ trợ, xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém.
Trong đó, các ngân hàng thương mại cổ phần về cơ bản tập trung củng cố, chấn chỉnh toàn diện các mặt tài chính, quản trị, xử lý nợ xấu, tăng cường các biện pháp kiểm soát nhằm nâng cao chất lượng tín dụng, hiệu quả kinh doanh và năng lực cạnh tranh, tăng cường tính minh bạch trong hoạt động.
Trong một báo cáo mới đây, các chuyên gia của Ngân hàng Thế giới (World Bank) cho rằng, khi sửa đổi Luật Các tổ chức tín dụng, cơ quan quản lý cần xử lý các ngân hàng yếu kém thông qua pháp luật, chính sách và thủ tục chặt chẽ về xử lý và tạo điều kiện để ngân hàng phục hồi, cũng như cơ chế đảm bảo an toàn tài chính liên quan (bao gồm bảo hiểm tiền gửi và hỗ trợ thanh khoản khẩn cấp).
Các chuyên gia của World Bank cũng đề xuất, các tổ chức tài chính mất khả năng trả nợ cần được quản lý theo cách nhằm duy trì tính liên tục của các hệ thống tài chính quan trọng và đảm bảo ổn định tài chính, đồng thời đảm bảo các cổ đông và chủ nợ lớn phải chịu tổn thất công bằng theo tỷ lệ.
Cải cách còn bao gồm giao cho Ngân hàng Nhà nước thẩm quyền xử lý ngân hàng yếu kém, quy định về bộ tiêu chí rõ ràng để đưa vào xử lý, trang bị cho Ngân hàng Nhà nước thẩm quyền triển khai một loạt các phương án xử lý, đồng thời thiết lập cơ chế chặt chẽ về nguồn vốn dùng để xử lý.