Thủ tướng: Hội nhập quốc tế tạo động lực phát triển mạnh mẽ, đạt nhiều thành tựu to lớn

Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, hội nhập quốc tế đã góp phần quan trọng trong các thành tựu to lớn về phát triển kinh tế - xã hội của nước ta trong 5 năm qua, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định chính trị - xã hội…
Thủ tướng chỉ đạo làm rõ 2000m2 đất dự án bị bỏ hoang ở Hà Nội Phó Thủ tướng: Xử lý nghiêm vi phạm tại vụ cháy làm 8 người chết

Sáng 23/4, tại Văn phòng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia về hội nhập quốc tế tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc với chủ đề “Tăng cường hội nhập quốc tế chủ động, sáng tạo, hiệu quả vì phát triển nhanh và bền vững”. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia về Hội nhập quốc tế chủ trì Hội nghị.

Cùng dự hội nghị tại đầu cầu Văn phòng Chính phủ có Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, các Phó Thủ tướng: Phạm Bình Minh, Vương Đình Huệ, Vũ Đức Đam; các ban, bộ ngành, 63 địa phương tại các đầu cầu, các tổ chức quốc tế.

Tại điểm cầu Hà Nội có các đồng chí: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, đây là hội nghị đặc biệt quan trọng trong bối cảnh quốc tế, trong nước đang có nhiều biến động. Đặc biệt tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường, đòi hỏi chúng ta phải nghiên cứu kỹ, trao đổi, thảo luận thẳng thắn, cụ thể để tìm ra những hướng đi, phương pháp, cách làm mới hiệu quả hơn, đáp ứng những yêu cầu, nhiệm vụ trước mắt cũng như trong trung và dài hạn.

thu tuong hoi nhap quoc te tao dong luc phat trien manh me dat nhieu thanh tuu to lon
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Hà Nội

Từ giai đoạn ban đầu hội nhập kinh tế quốc tế, Chính phủ đã cụ thể hóa chủ trương hội nhập bằng nhiều nghị quyết, chỉ thị, quyết định và các văn bản có liên quan, đồng thời chỉ đạo quyết liệt, tổ chức triển khai mạnh mẽ, hiệu quả công tác hội nhập quốc tế, tạo môi trường, điều kiện thuận lợi nhất cho phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia.

Theo Thủ tướng, hội nhập quốc tế đã góp phần quan trọng trong các thành tựu to lớn về phát triển kinh tế - xã hội của nước ta trong 5 năm qua, trong đó thành tựu lớn nhất là chúng ta đã giữ vững môi trường hòa bình, ổn định chính trị - xã hội, đồng thời chủ động hội nhập quốc tế, thu hút thêm nguồn lực bên ngoài cùng với nội lực trong nước tạo nên động lực phát triển quốc gia mạnh mẽ, đạt nhiều thành tựu to lớn. Việt Nam đã ký kết, kết thúc đàm phán nhiều Hiệp định Thương mại tự do (FTA) với Hàn Quốc, Liên minh kinh tế Á-Âu, CPTPP, EVFTA... mở ra không gian hợp tác rộng lớn cho nền kinh tế đang lớn mạnh trong thời gian tới.

Việc mở rộng quan hệ, nâng cấp quan hệ đối tác với nhiều quốc gia và tổ chức thành công các sự kiện tầm khu vực, toàn cầu như APEC 2017, WEF-ASEAN 2018, Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ - Triều Tiên lần hai (tháng 2-2019)… là những minh chứng cho đường lối Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy của cộng đồng quốc tế, nâng cao vị thế quốc gia, thể hiện vai trò chủ động, tích cực của Việt Nam. Tuy nhiên, tại hội nghị, Thủ tướng đề nghị nhận thức rõ những vấn đề còn tồn tại, hạn chế cần khắc phục để “tăng cường hội nhập quốc tế chủ động, sáng tạo, hiệu quả vì phát triển nhanh và bền vững”.

Hội nghị được tổ chức đúng vào dịp kỷ niệm 5 năm thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia về hội nhập quốc tế và 5 năm thực hiện Nghị quyết số 22-NQ/TƯ của Bộ Chính trị. Thủ tướng yêu cầu các đại biểu đánh giá việc triển khai các nghị quyết của Đảng về hội nhập quốc tế trong 5 năm qua, khẳng định tính đúng đắn của chủ trương hội nhập, tự tin, tiếp tục hội nhập quốc tế, bao gồm đánh giá kết quả thực hiện 5 mục tiêu của Nghị quyết số 22-NQ/TƯ; phân tích, dự báo tình hình quốc tế, trong nước, nhất là cơ hội, thuận lợi và khó khăn, thách thức từ nay đến năm 2020 và trong 5 năm, 10 năm tới, trong đó đặc biệt chú ý tới sự tiến bộ nhanh chóng của cách mạng công nghiệp 4.0.

Hội nghị cần xác định rõ tầm nhìn, mục tiêu, định hướng chiến lược đối với công cuộc hội nhập, từ đó đề ra những nhiệm vụ, giải pháp, kế hoạch, chương trình hành động đối với từng lĩnh vực, đặc biệt là về các nội hàm cơ chế, chính sách, giải pháp cụ thể thúc đẩy hội nhập quốc tế chủ động, hiệu quả, bền vững, góp phần thực hiện nhiệm vụ, kế hoạch 5 năm 2016-2020 và chuẩn bị xây dựng chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030...

Thủ tướng cũng đề nghị các đại biểu kiểm điểm hoạt động của Ban Chỉ đạo quốc gia, các Ban chỉ đạo liên ngành; đặc biệt lưu ý những hạn chế, tồn tại để tập trung khắc phục, kiện toàn cơ cấu của Ban Chỉ đạo quốc gia và các Ban Chỉ đạo liên ngành để triển khai nhiệm vụ tốt hơn trong thời gian tới

ANH ĐỨC
Tuổi trẻ Thủ đô
Phiên bản di động