Thủ tướng Chính phủ: Áp thuế cao hơn đối với người sử dụng nhiều nhà đất, đầu cơ đất
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nói về cho vay bất động sản và Nghị quyết 42 Khẩn trương thực hiện các biện pháp chống thất thu thuế bất động sản "Kìm giá" thị trường nhà, đất cuối năm |
Tại Hội nghị toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII sáng 21/7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã trình bày chuyên đề về Nghị quyết 18, giới thiệu về "Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao".
Thủ tướng cho rằng, đây là chủ đề khó, phức tạp, nhạy cảm, liên quan tới quá khứ, hiện tại, tương lai, liên quan tới nhiều lĩnh vực khác nhau như kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng, tôn giáo, dân tộc, các vấn đề an ninh phi truyền thống, các vấn đề đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số…, được quốc tế quan tâm.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phổ biến nội dung nghị quyết |
"Chúng ta đều biết rằng đất đai là vấn đề rất phức tạp. Giàu lên cũng vì đất, nghèo đi cũng vì đất, đoàn kết vì đất, mất đoàn kết cũng vì đất, thậm chí sai phạm, tù tội cũng vì đất" - Thủ tướng nói.
Thủ tướng nhấn mạnh: Nếu chính sách đất đai bám sát thực tiễn, đi vào thực tiễn thì hiệu quả rất lớn. Ngược lại nghiên cứu không kỹ, vận dụng không đúng thì sẽ "bùng nhùng", để lại hậu quả lớn.
Vì thế, trong quá trình xây dựng Nghị quyết, các cơ quan liên quan đã đặt hàng 12 cơ sở nghiên cứu trong nước, 3 tổ chức quốc tế, tổ chức 9 tọa đàm, 12 hội thảo, 3 hội nghị ở 3 miền Bắc, Trung, Nam, lấy ý kiến lãnh đạo cấp ủy, chính quyền các cấp, nhiều cuộc làm việc với các đảng đoàn, ban cán sự đảng.
Theo Thủ tướng, tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 19 khóa XI về đất đai, Bộ Chính trị đã chỉ rõ 8 kết quả đạt được nhưng có tới 11 "cái chưa được". Do vậy, sửa đổi chính sách về đất đai cần bám sát thực tiễn, vừa làm vừa đúc rút, tổng kết kinh nghiệm, mở rộng, hoàn thiện dần, không cầu toàn, không nóng vội.
Trong đó, yêu cầu cấp thiết đặt ra là phải tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, kịp thời tháo gỡ những vướng mắc trong công tác quản lý và sử dụng đất đai, bảo đảm hài hoà các lợi ích của Nhà nước, người dân và doanh nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh, sử dụng hiệu quả đất đai, tạo nguồn lực và động lực mới.
Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh, đất đai là một hằng số nhưng người càng ngày càng đông hơn, do đó bài toán đặt ra là quản lý, sử dụng cho hợp lý, hiệu quả nhất.
Thủ tướng cũng chia sẻ, khi đi công tác tại các địa phương, ông đã nhiều lấn nhấn mạnh rằng những vị trí đất đai đẹp nhất phải ưu tiên dành cho sản xuất, kinh doanh, tạo công ăn việc làm, từ đó mới có người đến làm, thì mới có người đến ở, có người mua nhà, như thế thì phát triển bất động sản mới bền vững.
Đi vào giới thiệu nội dung cụ thể của Nghị quyết 18, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ 5 nội dung, nhấn mạnh những điểm mới so với trước đây.
Trong đó, Nghị quyết khẳng định quan điểm xuyên suốt của Đảng về đất đai: Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước là đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý; Nhà nước thống nhất quản lý đất đai theo lãnh thổ quốc gia, cả về diện tích, chất lượng, giá trị kinh tế, văn hoá, xã hội, quốc phòng, an ninh, môi trường; Phân công hợp lý giữa các cơ quan Nhà nước ở Trung ương, đồng thời có sự phân cấp, phân quyền phù hợp, hiệu quả đối với địa phương…
Mặt khác, Nghị quyết 18 cũng khẳng định quyền sử dụng đất là một loại tài sản và hàng hoá đặc biệt nhưng không phải là quyền sở hữu và bổ sung thêm: Bên cạnh quyền sử dụng đất thì tài sản gắn liền với đất được pháp luật bảo hộ…
Về giải pháp, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, để thực hiện các mục tiêu đã đề ra, Nghị quyết số 18-NQ/TW đưa ra 6 nhóm nhiệm vụ giải pháp lớn.
Trong đó, Thủ tướng chỉ rõ nhiều điểm mới như yêu cầu nội dung quy hoạch sử dụng đất phải kết hợp giữa chỉ tiêu các loại đất gắn với không gian (trên không và dưới ngầm), phân vùng sử dụng đất, hệ sinh thái tự nhiên, thể hiện được thông tin đến từng thửa đất.
Toàn cảnh Hội nghị tại điểm cầu Hội trường Diên Hồng, tòa nhà Quốc hội. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc) |
Một điểm mới khác là cho cơ chế góp quyền sử dụng đất đối với tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, điều chỉnh lại đất đai đối với các dự án phát triển, chỉnh trang đô thị và khu dân cư nông thôn (trước đây, đối với các dự án phát triển, chỉnh trang đô thị và khu dân cư nông thôn thì Nhà nước đứng ra thu hồi và chưa có quy định về điều chỉnh lại đất đai đối với các loại dự án này).
Nghị quyết cũng bỏ khung giá đất, đồng thời yêu cầu có cơ chế, phương pháp xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường. Nghị quyết yêu cầu hoàn thiện các quy định bảo đảm công khai, minh bạch như: Công khai giá đất, bắt buộc giao dịch qua các sàn giao dịch, thanh toán qua ngân hàng, không dùng tiền mặt; xử lý nghiêm các vi phạm.
Nghị quyết còn đưa ra chủ trương quy định mức thuế cao hơn đối với người sử dụng nhiều diện tích đất, nhiều nhà ở, đầu cơ đất, chậm sử dụng đất, bỏ đất hoang và có cơ chế điều tiết hợp lý, hiệu quả nguồn thu từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất giữa Trung ương và địa phương…
Ngoài ra, Thủ tướng cũng nhấn mạnh, việc hoàn thiện quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thu hồi đất là nội dung hết sức quan trọng, tác động trực tiếp đến người sử dụng đất khi Nhà nước thu hồi đất. Đây là vấn đề rất lớn đặt ra cần giải quyết trong đổi mới chính sách pháp luật đất đai.
Ngân hàng Nhà nước chưa bao giờ chỉ đạo siết chặt tín dụng bất động sản |
Khẩn trương thực hiện các biện pháp chống thất thu thuế bất động sản |
"Kìm giá" thị trường nhà, đất cuối năm |