Thủ tướng chỉ đạo xử lý phản ánh về tình trạng BOT hụt thu
Dân vây trạm thu phí cao tốc Hòa Lạc-Hòa Bình, Bộ GTVT ra công điện khẩn Bộ GTVT nói gì về đổi 'trạm thu phí' sang 'trạm thu tiền' ? |
26/57 dự án BOT giao thông đang gặp hiện tượng hụt thu so với phương án tài chính |
Vừa qua, báo chí có đăng tải một số bài viết liên quan đến việc hụt thu tại các dự án BOT giao thông. Theo số liệu từ Tổng cục đường bộ, hiện Việt Nam đang có 57 dự án BOT giao thông. Trong đó 26 trạm BOT không đảm bảo doanh thu theo phương án tài chính.
Trong số những dự án giảm doanh thu lớn có dự án BOT mở rộng QL1 đoạn Hà Nội - Bắc Giang, doanh thu năm 2018 đạt trên 460 tỷ đồng, chỉ đạt 87%. Tiếp đó là dự án BOT hầm đường bộ Phú Gia - Phước Tượng đạt doanh thu trên 260 tỷ đồng, đạt 90%. Dự án hầm Đèo Cả doanh thu hơn 450 tỷ đồng, đạt 95%...
Tổng cục Đường bộ còn cho biết hiện có một số dự án lượng phương tiện qua lại trên tuyến vẫn tăng đều đặn, nhưng doanh thu vẫn sụt giảm. Lí do là tỉ lệ sử dụng vé tháng/quý cao bất thường so với phương án tài chính hoặc do phải giảm giá vé dịch vụ sử dụng đường bộ và miễn giảm phí cho khu vực lân cận trạm thu phí như: cao tốc Hà Nội-Hải Phòng, BOT QL1 qua Quảng Nam, BOT Nam Cầu Giẽ...
Báo cáo của Tổng cục đường bộ nhận định, tình trạng hụt thu BOT giao thông có thể dẫn đến nợ xấu gia tăng cho các ngân hàng tài trợ vốn cho các dự án này.
Các dự án BOT bị hụt thu có dấu hiệu lan rộng là vấn đề đáng quan ngại trong hoạt động thu hút vốn đầu tư trong lĩnh vực hạ tầng giao thông. Các cơ quan quản lý nhà nước cần rà soát, đánh giá các cơ chế xử lý các rủi ro có thể phát sinh trong quá trình thực hiện hợp đồng BOT.
Về vấn đề trên, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu, xử lý kịp thời, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.