|
Chỉ cách Thủ đô Hà Nội hơn 34km, tại Hưng Yên, mỗi dịp Trung thu, người ta sẽ nhớ ngay đến làng Ông Hảo (nằm ở xã Liêu Xá, huyện Yên Mỹ). Đây là làng nghề làm đồ chơi Trung thu truyền thống nổi tiếng khắp nước ta. Đến nay, làng nghề này đã tồn tại hơn 60 năm, cứ mỗi năm vào dịp Tết Trung thu, cả làng lại tất bật sản xuất những món đồ chơi truyền thống gắn liền với trẻ em ngày xưa. |
|
Theo tìm hiểu của phóng viên, ngày xưa tại làng có Hợp tác xã (HTX) chuyên làm trống, sau đó xã hội phát triển thì HTX bị xóa bỏ và những hộ tư nhân hình thành. Nhưng lâu dần có nhiều hộ tư nhân không trụ được nên đã bỏ nghề. Hiện tại, nếu tính cả làng thì chỉ còn khoảng 7 đến 8 hộ gia đình còn bám trụ với nghề chế tạo đồ chơi dân gian này. |
|
Trong khoảng sân rộng khoảng 40m2, phóng viên Báo Tuổi trẻ Thủ đô gặp vợ chồng ông Vũ Huy Đông đang tỉ mỉ, cẩn thận hoàn thiện hàng trăm chiếc mặt nạ giấy bồi để kịp giao hàng cho các đại lý. |
|
Theo chia sẻ, cả hai ông bà đã có gần 40 năm gắn bó với món nghề truyền thống của làng, sở dĩ có điều đó vì hơn tất cả, đó là tình yêu dành cho nghề truyền thống tại nơi gia đình ông sinh sống qua bao thế hệ. |
|
Ông Đông bày tỏ: "Để tạo ra một chiếc mặt nạ giấy bồi không quá khó nhưng đòi hỏi người làm phải có sự khéo léo, tỉ mỉ, nhất là trong khi vẽ lên mặt nạ. Những chiếc mặt nạ sau khi hoàn thành phải toát lên được thần thái, thể hiện được cái hồn của nhân vật. Để cho sản phẩm ấn tượng hơn, người thợ sẽ sử dụng những màu sắc tươi sáng điểm thêm vào các chi tiết như râu, mắt... để tạo sự sinh động, gần gũi với người dùng". |
|
Quy trình để chế tạo ra sản phẩm đồ chơi Trung thu gồm 3 bước: Bước đầu tiên là bồi thô; bước thứ hai là bồi trắng, sau đó phơi khô rồi đưa vào quy trình sơn; còn bước thứ 3 là khâu vẽ. Trong ảnh là những chiếc phôi được làm sẵn, những người thợ sau đó sẽ chế tạo lại thành những sản phẩm đồ chơi Trung thu ứng ý để phục vụ người dân. |
|
Trong các công đoạn, tô màu là bước quan trọng nhất bởi nó sẽ quyết định phần "hồn" của sản phẩm. Với các công đoạn bồi khô, ông Đông sẽ thuê thợ từ các gia đình, còn công đoạn sơn vẽ hoàn thiện sẽ do chính tay vợ chồng ông làm nên. Lý do là bởi vẽ mặt là khó nhất, tay nghề phải vững mới làm được. |
|
"Cũng phải có khiếu thẩm mỹ nữa, không thì cái mặt nạ làm ra nó không có hồn, nhìn cứ trơ trơ. Vẽ lân thì khó hơn, vì nhiều chi tiết cầu kỳ, nhưng giá thành lại cao hơn. Như tôi một ngày gắng lắm cũng chỉ làm được đôi chục cái. Chúng tôi làm thong thả từ hai ba tháng trước", ông Đông tiết lộ. |
|
Những hộp sáp màu tạo nên "linh hồn" cho chiếc mặt nạ |
|
Theo quan sát của phóng viên, để màu sắc tươi sáng không bị lấm lem, ông Đông để lớp màu này khô thì mới được tô lớp màu mới, mặt nạ nhiều màu thì phải tô nhiều lần. Tuy mất nhiều thời gian nhưng phơi nắng, nước sơn được phết đều tay kia sẽ khô lại, và nổi bật lên sắc màu óng ánh và rực rỡ. Vẽ xong, mặt nạ sẽ được sơn một lớp phủ bóng để giữ màu... |
Tôi ngỏ ý hỏi, chiếc mặt nạ có an toàn với trẻ nhỏ không, ông Đông cười và nói: "Mặt nạ giấy bồi làm thủ công bằng giấy đắp lên khuôn có sẵn, được phủ lớp keo kết dính tạo độ cứng là bột củ sắn nấu lên, vừa bền chắc mà không gây độc hại. Hồi xưa mặt nạ không có nhiều mẫu đâu, chỉ có ông Tễu nhưng sau này để đáp ứng nhu cầu theo từng giai đoạn, dần dần gia đình đã sáng tạo thêm các mẫu khác với nhiều hình dáng bắt mắt".
|
Từ những nguyên liệu đơn giản mà gần gũi như tre, nứa, bìa các tông hay thậm chí là giấy phế liệu, vợ chồng ông Đông "hô biến" thành những sản phẩm mặt nạ với muôn màu muôn vẻ hình dạng như ông Địa, thằng Bờm, các linh thú khác nhau... |
|
Tất cả những chiếc mặt nạ ở đây đều đã được khách sỉ đặt hàng từ trước và đang chờ hoàn thiện để xe đến lấy đi |
Những năm gần đây, nhiều mặt hàng đồ chơi điện tử có xuất xứ từ Trung Quốc xâm chiếm thị trường Việt, những món đồ chơi này thu hút sự quan tâm của các bạn nhỏ Việt Nam và khiến nghề làm đồ chơi truyền thống nói chung và làm đồ chơi Trung thu nói riêng đứng trước nguy cơ bi mai một, quên lãng.
Tuy nhiên, ngoài cơ chế chính sách về việc bảo tồn, gìn giữ các làng nghề thủ công truyền thống của Nhà nước, các làng nghề cũng đang mạnh dạn đầu tư để cạnh tranh với đồ chơi công nghệ.
Những sản phẩm đồ chơi dân gian này được làm hầu hết bằng thủ công nên đảm bảo về chất lượng, an toàn khi nguyên liệu tạo ra hoàn toàn tận dụng từ nguyên liệu sẵn có, cùng sự quyết tâm giữ gìn làng nghề của những nghệ nhân, do vậy, những món đồ chơi dân gian nhiều cơ hội cạnh tranh với những món đồ công nghệ hiện nay.
|
Những chiếc mặt nạ độc đáo này được gia đình ông Đông sản xuất quanh năm, nhiều nhất vẫn là dịp Tết Trung thu, mỗi chiếc bán tại xưởng có giá dao động từ 18.000 - 45.000 đồng/chiếc tùy loại. |
Để phát huy, gìn giữ lan tỏa nghề thủ công truyền thống của gia đình, ông Đông và các thành viên còn tổ chức các tour đón tiếp khách du lịch, tổ chức các buổi trải nghiệm cho các em nhỏ tại các trường về để trải nghiệm tại cơ sở.
Khách du lịch khi tới làng nghề làm đồ chơi Trung thu Yên Mỹ, Hưng Yên này sẽ được tìm hiểu về quy trình tạo nên một sản phẩm đồ chơi truyền thống, nghe những câu chuyện về niềm đam mê, sự yêu nghề của các nghệ nhân.
|
Bên cạnh đó, du khách còn có thể tham gia vào việc vẽ, sáng tạo nên những chiếc mặt nạ giấy bồi của riêng mình hoặc học cách căng da trống, sơn màu cho thân trống... vừa thú vị vừa có sản phẩm đẹp mang về làm quà sau chuyến đi. |
Đặc biệt, trong những năm trở lại đây, nhiều gia đình có xu hướng lựa chọn những sản phẩm đồ chơi trung thu truyền thống thân thiện như mặt nạ giấy bồi, trống, đèn ông sao… cho trẻ nhỏ. Đây là nguồn động lực to lớn để những nghệ nhân làng nghề làm đồ chơi ông Hảo như ông Đông có thêm quyết tâm để tiếp tục giữ lửa nghề, phát huy nét đẹp văn hóa dân tộc.
Với những người nghệ nhân lưu giữ nghề, những món đồ chơi trung thu truyền thống không chỉ đơn thuần để giải trí mà chúng còn là công cụ giáo dục, dung dưỡng những thế hệ trẻ, như một lời nhắn nhủ, lời chúc thầm lặng và sâu sắc của cha ông ta với thế hệ trẻ về tinh thần hiếu học và sự nỗ lực, bền bỉ cố gắng.