Thủ phạm gây ngộ độc thực phẩm phổ biến nhất

Phó Giáo sư Nguyễn Anh Tuấn, Chủ nhiệm khoa Phẫu thuật nội soi ống tiêu hóa, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (Hà Nội) cho biết hiện có ba vi khuẩn gây ngộ độc thực phẩm nhất là Salmonella, E.Coli và Bacillus.

Vi khuẩn Salmonella

Vi khuẩn Salmonella là nguyên nhân của hàng loạt vụ ngộ độc thực phẩm quy mô lớn trong những năm qua. Ngộ độc do Salmonella có thể biểu hiện từ nhẹ cho tới rất nghiêm trọng và thậm chí gây tử vong.

Salmonella thường lây lan khi không tuân thủ rửa tay trước khi ăn hoặc rửa tay không đúng cách sau khi đi vệ sinh. Bệnh cũng có thể lây lan qua tiếp xúc với vật nuôi, đặc biệt là loài bò sát và chim mang khuẩn Salmonella.

Người bệnh có nguy cơ nhiễm khuẩn khi tiêu thụ các mặt hàng tươi sống, chưa được nấu hoặc không tiệt trùng đúng cách.

Tác nhân gây ngộ độc thực phẩm Salmonella thường là do: gà hoặc gia cầm khác chưa nấu chín; trứng chưa nấu chín; sữa hoặc nước trái cây không tiệt khuẩn; trái cây, rau quả bị ô nhiễm.

Một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ nhiễm Salmonella bao gồm: Có các thành viên trong gia đình bị ngộ độc thực phẩm Salmonella; Tiếp xúc với loại bò sát hoặc chim mang khuẩn Salmonella; Sống trong các căn hộ tập thể như ký túc xá hoặc các khu công nghiệp, nơi thường xuyên tiếp xúc với nhiều người và tiếp cận với thức ăn chung của nhiều người; Khi đi du lịch đến các nước đang phát triển - nơi vệ sinh kém và vệ sinh không đạt tiêu chuẩn; Người bị suy yếu hệ miễn dịch cũng sẽ dễ bị nhiễm Salmonella hơn những người khác.

Thủ phạm gây ngộ độc thực phẩm phổ biến nhất
Trứng sống có thể chứa vi khuẩn Salmonella. Loại vi khuẩn này được tìm thấy nhiều trên vỏ trứng và cả bên trong trứng

Nhiệt độ phát triển của Salmonella có thể tồn tại từ 4-5 độ C tới 45 độ C. Nhiệt độ phát triển thích hợp nhất là từ 35 đến 37 độ C. Do đó, ở nhiệt độ môi trường ở Việt Nam vi khuẩn này phát triển rất nhanh.

Để phòng nhiễm độc thức ăn do vi khuẩn Salmonella, khi giết mổ súc vật, tuyệt đối không để phân, lông dây vào thịt và các phủ tạng khác. Lòng phải làm kỹ, rửa sạch, không để lẫn với thịt, phải luộc kỹ và ăn ngay, không nên để dành; Không ăn tiết canh, thịt tái...

Thức ăn dự trữ hoặc còn thừa phải được nấu lại trước khi ăn. Người dân cần cảnh giác với những món nguội như thịt đông, patê, giò, chả... vì rất dễ bị nhiễm khuẩn.

Nếu có điều kiện, người dân nên cất giữ thực phẩm trong tủ lạnh; Với thức ăn để dành, sau khi nấu chín, để nguội, nhớ cho vào tủ lạnh ngay, chậm nhất là 4 giờ sau khi nấu xong.

Thức ăn chín đã lấy ra khỏi tủ lạnh thì phải ăn ngay, không để quá 4 giờ. Khi đi ăn ở ngoài (ăn quán, cơm bụi, hàng rong, quà vặt, ăn chè, sinh tố... ở các quán cóc ven đường) cần chú ý không ăn ở những quán quá ẩm thấp, bụi bẩn, bàn ghế, bát đũa không sạch sẽ.

Vi khuẩn E.Coli

Vi khuẩn E. coli thường xuất hiện trong sản phẩm tươi sống, thịt bò, sữa tươi, nước trái cây, phô mai, trái cây và rau sống... Các triệu chứng khi mắc E.Coli thường là buồn nôn và nôn, tiêu chảy ra nước hoặc máu tùy vào loại E.Coli.

Người bệnh có thể khởi phát sau 3-4 ngày ăn phải thực phẩm chứa vi khuẩn và kéo dài triệu chứng từ 5 - 10 ngày.

Thủ phạm gây ngộ độc thực phẩm phổ biến nhất
Ăn rau sống có thể dẫn đến nguy cơ nhiễm độc thực phẩm do vi khuẩn E.Coli và một số vi khuẩn khác

Khuẩn E.Coli lây nhiễm ở mọi lứa tuổi nhưng trẻ nhỏ, người già dễ trở nặng và gặp biến chứng nghiêm trọng như hội chứng tán huyết ure. Hội chứng này khiến các tế bào hồng cầu bị tổn thương gây suy thận.

Vi khuẩn Bacillus

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Phó Chủ tịch Hội truyền nhiễm TP HCM cho biết, vi khuẩn Bacillus cereus là một trong những tác nhân gây ngộ độc thực phẩm hàng đầu, xếp sau Salmonella. Bacillus cereus phổ biến trong môi trường, trong phân, đất nên dễ bị nhiễm vào thực phẩm.

Khuẩn này có khả năng tồn tại ở dạng bào tử và đề kháng với nhiệt cao. Bacillus cereus phát triển tốt nhất trong khoảng từ 4 đến 48 độ C, sinh sôi nhiều trong khoảng 28 đến 35 độ C. Thực phẩm chứa độc tố của vi khuẩn này thường gây 2 dạng ngộ độc.

Dạng thứ nhất, độc tố gây buồn nôn, nôn ói, đau bụng, khởi phát nhanh trong vòng 6 giờ sau khi ăn. Dạng thứ hai xảy ra chậm hơn, từ 6 đến 15 giờ, gây tiêu chảy khi vi khuẩn ở trong đường ruột.

Điều quan trọng, thức ăn chính là môi trường thuận lợi để vi khuẩn tiếp tục sinh sôi, tiết ra độc tố gây độc (nếu thức ăn này đã nhiễm Bacillus cereus trước đó).

Thực phẩm càng bẩn, bảo quản và chế biến không tốt thì càng dễ ngộ độc. Vi khuẩn này cũng có thể gây nhiễm trùng huyết, đe dọa tính mạng (dù hiếm gặp), tùy thuộc vào cơ địa và cách xử trí ban đầu, điều trị cấp cứu.

Ngộ độc cá nóc nguy hiểm như thế nào? Ngộ độc cá nóc nguy hiểm như thế nào?

Mới đây, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kiên Giang đã tiếp nhận, điều trị cho 2 trường hợp nghi bị ngộ độc cá nóc.

Những sai lầm khi ăn ốc dễ gây đau bụng Những sai lầm khi ăn ốc dễ gây đau bụng

Ốc là món ăn ngon nhiều người yêu thích. Ốc thường được chế biến thành những món như luộc, hấp, nướng nhưng nếu không đúng ...

Cảnh báo ngộ độc do nhiễm độc tố ciguatera trong cá Cảnh báo ngộ độc do nhiễm độc tố ciguatera trong cá

Ngộ độc ciguatera thường gặp với các loại cá ở rặng san hô như: Cá nhồng, cá hồng, cá tầm, cá cháo, cá cam, cá ...

Quang Minh
Phiên bản di động