Ngộ độc cá nóc nguy hiểm như thế nào?

Mới đây, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kiên Giang đã tiếp nhận, điều trị cho 2 trường hợp nghi bị ngộ độc cá nóc.

Bác sĩ Huỳnh Trọng Tâm, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kiên Giang cho biết, cả hai nạn nhân nhập viện trong tình trạng co giật, tê lưỡi, tê tay chân, đau đầu, người mệt mỏi.

Qua khám, khai thác, tìm hiểu các triệu chứng trên của nạn nhân, bác sĩ chẩn đoán bị ngộ độc cá nóc.

Nhờ cấp cứu kịp thời, sức khỏe của hai ngư dân đã tạm ổn định, tiếp xúc tốt. Tuy nhiên, các bác sĩ tiếp tục theo dõi điều trị cho hai ngư dân này.

Trước đó, khoảng 17 giờ ngày 19/8, hai ngư dân nói trên và ông N.X.H (quê ở Hà Tĩnh) đánh lưới mực cách quần đảo Nam Du khoảng 50km và bắt được con cá nóc to nên làm thịt ăn.

Con cá này có trứng, các ngư dân nấu canh chua và khi ăn có uống ít rượu. Đến rạng sáng 20/8, ông N.X.H bị co giật và tử vong trước khi đưa vào bệnh viện cấp cứu.

Ngộ độc cá nóc nguy hiểm như thế nào?
Mặc dù các cơ quan chức năng luôn cảnh báo người dân không nên sử dụng cá nóc khi không nắm rõ cách chế biến loại cá độc hại này, song trên thực tế ngộ độc cá nóc vẫn diễn ra hàng năm

Mặc dù nhiều năm qua, các cơ quan chức năng thường xuyên cảnh báo người dân không nên ăn khi không nắm rõ cách chế biến loại cá có độc này nhưng không ít người vẫn sử dụng cá nóc làm thức ăn dẫn tới bị ngộ độc, tử vong.

Tổng Cục Thủy sản ở Việt Nam gọi cá nóc bằng nhiều tên khác nhau như cá cóc, cá đùi gà, cá bóng biển.

Tại nước ta, cá nóc còn có 70 loại khác nhau, hầu hết ở nước mặn, tập trung nhiều ở miền Trung, khoảng 40 loài có khả năng gây độc tố. Độc cá nóc còn được đánh giá thức 2 về mức độ, sau loài ếch độc phi tiêu vàng.

Theo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), độc tố có trong cá nóc là Tetrodotoxin (TTX), tập trung nhiều ở gan, thận, tụy, cơ quan sinh sản, mắt, mang, da, máu của cá. Độc tố này tăng mạnh vào mùa cá sinh sản (từ tháng 2 đến 7 hằng năm).

Thịt cá nóc không có độc tố nhưng khi đánh bắt, chế biến hoặc cá ươn, bị dập nát, độc tố ngấm vào thịt sẽ gây độc khi dùng. Mức độ độc tính của cá nóc tetrodotoxin có thể mạnh gấp 1.000 lần xyanua.

Độc tố cá nóc rất độc, với người chỉ cần ăn 10 gam thịt cá nóc có độc tố là bị ngộ độc. Chỉ từ 1-2mg độc tố có thể gây chết người.

Ngộ độc cá nóc nguy hiểm như thế nào?
Cục An toàn thực phẩm cũng khuyến cáo người dân không ăn cá nóc khô, tươi; Không chế biến, bán, sử dụng các sản phẩm từ cá nóc như chả, bột cá nóc

Độc tố này cũng có tính bền vững cao. Nếu đun sôi ở 100 độ C trong sáu giờ độc tố mới giảm một nửa, đun sôi ở 200 độ C trong 10 phút độc tố mới bị phá hủy hoàn toàn.

Như vậy, nếu chỉ đun nấu thông thường, ngộ độc cá nóc vẫn có thể xảy ra do độc tố chưa bị phá hủ hết. Ngay cả khi phơi khô, chế biến thông thường độc tố chưa bị phá hủy nên vẫn gây ngộ độc.

Sau khi ăn cá nóc có TTX, chất độc này hấp thụ nhanh qua đường ruột, dạ dày trong 5 - 15 phút. Đỉnh cao TTX trong máu là 20 phút và thải tiết qua nước tiểu sau 30 phút tới 3 - 4 giờ.

Người ăn phải cá nóc có độc tố TTX, sau 5 phút đến 3 - 4 giờ mới xuất hiện cảm giác ngứa ở miệng; Môi, lưỡi tê, khó chịu.

Tiếp theo, người ăn phải thấy mệt mỏi, chóng mặt, choáng váng, cảm giác như nghẹt thắt lồng ngực, vã mồ hôi, tiết nước dãi, sùi bọt mép, nói khó, nuốt khó, mặt ủng đỏ, đau bụng, buồn nôn, nôn, run giật, cứng hàm, cứng lưỡi, chi dưới yếu, đồng tử co, liệt vận động nhãn cầu.

Trường hợp nặng xuất hiện liệt toàn thân, người mềm ra, chân tay mất khả năng vận động, da tím tái, nhiệt độ và huyết áp giảm, khó thở, cuối cùng liệt cơ hô hấp, truỵ tim mạch và tử vong; Tỷ lệ tử vong rất cao (60%) nếu cấp cứu chậm. Nguyên nhân tử vong do ngộ độc cá nóc là: Liệt cơ hô hấp và hạ huyết áp.

Hiện nay chưa có thuốc giải độc cá nóc, các biện pháp điều trị chỉ mang tính chất hỗ trợ loại bỏ độc tố ra khỏi cơ thể nên nguy cơ tử vong do nhiễm độc nặng vẫn có thể thể xảy ra.

Để phòng tránh bị ngộ độc cá nóc, các chuyên gia khuyến cáo người dân cần lưu ý những vấn đề như không nên ăn cá nóc. Kiểm tra kỹ xem cá nóc có bị lẫn vào cá thường hay không khi đánh bắt hoặc phơi cá khô.

Người dân không nên làm các sản phẩm từ cá nóc đem bán. Nâng cao mức hiểu biết của người dân về loài cá nguy hiểm này bằng cách tuyên truyền qua nhiều kênh khác nhau. Khi ăn phải cá nóc, nếu xuất hiện các dấu hiệu ngộ độc cần đưa nạn nhân đến ngay cơ sở y tế để được xử trí kịp thời.

Những sai lầm khi ăn ốc dễ gây đau bụng Những sai lầm khi ăn ốc dễ gây đau bụng

Ốc là món ăn ngon nhiều người yêu thích. Ốc thường được chế biến thành những món như luộc, hấp, nướng nhưng nếu không đúng ...

Cảnh báo ngộ độc do nhiễm độc tố ciguatera trong cá Cảnh báo ngộ độc do nhiễm độc tố ciguatera trong cá

Ngộ độc ciguatera thường gặp với các loại cá ở rặng san hô như: Cá nhồng, cá hồng, cá tầm, cá cháo, cá cam, cá ...

Vì sao ăn thịt cóc dễ gây ngộ độc? Vì sao ăn thịt cóc dễ gây ngộ độc?

Mới đây, Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ tiếp nhận 2 bệnh nhân bị ngộ độc ...

Quang Minh
Phiên bản di động