Cảnh báo ngộ độc do nhiễm độc tố ciguatera trong cá

Ngộ độc ciguatera thường gặp với các loại cá ở rặng san hô như: Cá nhồng, cá hồng, cá tầm, cá cháo, cá cam, cá mú, cá mó, cá vược, cá chình, cá mập (gan cá), cá dọn vệ sinh sọc lam…

Tiến sĩ, Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết, thời gian gần đây, trung tâm tiếp nhận một số bệnh nhân bị ngộ độc do ăn hải sản. Những bệnh nhân này có khi là một người nhập viện riêng lẻ nhưng cũng có khi là một nhóm người sau khi đi du lịch có ăn hải sản hoặc ăn hải sản tại các nhà hàng, mua các loài cá nhập khẩu về ăn.

Mới đây nhất, trung tâm đã tiếp nhận 3 bệnh nhân bị ngộ độc cá chình. Bệnh nhân vào viện trong tình trạng rối loạn cảm giác, cảm thấy bỏng rát, yếu cơ, đau mỏi người, không nôn. Đây là 3 trong số 9 người cùng tham dự bữa tiệc tại nhà chị Đ.T.L (49 tuổi).

Cảnh báo ngộ độc do nhiễm độc tố ciguatera trong cá
Gia đình chủ nhà và khách phải nhập viện sau khi ăn cá chình ở Phúc Thọ (Hà Nội)

Theo đó, trưa 14/7, chị Đ.T.L (ở Phúc Thọ, Hà Nội) đã đặt món cá chình nướng, om chuối đậu để đãi khách. Đến chiều, chị nhận được điện thoại thông báo khách về đến Việt Trì (Phú Thọ) thì có biểu hiện ngộ độc.

Đến tối cùng ngày, 8 người tham gia bữa tiệc phải nhập viện, trường hợp còn lại chỉ có dấu hiệu tê bì thoáng qua nên ở nhà theo dõi. 5 người khách được cấp cứu tại Việt Trì; 3 người (gồm vợ chồng chị L và người thân) được đưa vào cấp cứu ở Bệnh viện Đa khoa huyện Phúc Thọ (Hà Nội) và sau đó chuyển lên Bệnh viện Bạch Mai.

Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên cho biết, trong cá chình có một số loại độc tố, thường gặp là độc tố ciguatera.

Triệu chứng ngộ độc ciguatera thường là tiêu chảy, nôn, buồn nôn, đau bụng, phần lớn từ 2 - 6 giờ sau ăn, hầu như tất cả trong 24 giờ, thường tự khỏi sau 1 - 4 ngày.

Tuy nhiên, nhiều người có triệu chứng loạn nhịp tim, yếu, mệt, tụt huyết áp; Sau vài ngày triệu chứng đường tiêu hóa là tê, ngứa ran ở tứ chi và vùng miệng, viêm ngứa toàn thân, đau cơ, đau khớp, có thể bị liệt; Nặng hơn có người còn lo lắng, trầm cảm, mất trí nhớ.

Tử vong do ngộ độc ciguatera ít gặp, tuy nhiên tử vong có thể xảy ra do suy hô hấp, do liệt cơ hô hấp, co giật hoặc loạn nhịp tim.

Cảnh báo ngộ độc do nhiễm độc tố ciguatera trong cá
Ngộ độc ciguatera thường gặp với các loại cá ở rặng san hô như: Cá nhồng, cá hồng, cá tầm, cá cháo, cá cam, cá mú, cá mó, cá vược, cá chình, cá mập (gan cá), cá dọn vệ sinh sọc lam…

Ngoài cá chình, có tới hàng trăm loài cá khác có chứa độc tố ciguatera. Đó là các loại cá ở rặng san hô như: Cá nhồng, cá hồng, cá tầm, cá cháo, cá cam, cá mú, cá mó, cá vược, cá mập (gan cá), cá dọn vệ sinh sọc lam… Ngày nay, xu hướng nhập khẩu các loại cá làm thực phẩm gia tăng, ngộ độc ciguatera cũng tăng lên.

Nguồn gốc độc tố do vi tảo biển gây ra, các loài tảo này là thức ăn của nhiều loài cá ăn thực vật (cá nhỏ), các loài cá này là thức ăn của các loài cá thịt lớn hơn. Các độc tố ciguatera đi vào chuỗi thức ăn và tích luỹ trong thịt các con cá lớn hơn.

Bác sĩ Nguyên khuyến cáo, ngộ độc ciguatera khó phòng tránh vì vi khuẩn không mùi, không vị, không phá huỷ bởi nhiệt độ đông lạnh, không xác định được bằng mắt thường. Cách duy nhất để phòng bệnh là không nên ăn quá nhiều cá chình và các loại cá sống ở rặng san hô, đặc biệt tránh ăn nội tạng cá.

Sau khi bị ngộ độc mà uống rượu, ăn cá có thể làm tăng hoặc tái phát các triệu chứng. Thực tế, có báo cáo người bệnh uống cà phê, ăn các loại hạt, thậm chí thịt gà, thịt lợn hoặc gắng sức quá mức hay mất nước cũng gây tái phát hoặc tăng triệu chứng.

Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên cho biết ngoài ngộ độc ciguatera cũng có những trường hợp nhập viện cấp cứu do ngộ độc histamin do ăn phải hải sản đông lạnh, không còn tươi. Đáng chú ý, histamine bền vững với nhiệt nên khi nấu chín vẫn gây ngộ độc.

Hải sản tươi sống không gây ngộ độc histamine. Histamine chỉ sản sinh ở hải sản đã chết. Trong hải sản sạch, hàm lượng histamine dưới 1mg/100g thịt, khi hàm lượng trên 50mg/100g thịt hải sản có thể gây ngộ độc.

Khi hải sản chết, trong điều kiện bảo quản không đủ lạnh ngay từ đầu, các vi khuẩn có trên hải sản chuyển hóa thịt hải sản thành histamine. Qua thời gian, lượng histamine tích lũy ngày càng tăng dẫn tới gây ngộ độc cho người ăn phải.

Trên thực tế nhiều loại hải sản như cá ngừ, cá thu, tôm khô, tép khô nếu không được bảo quản đảm bảo cũng gây nên ngộ độc histamine cho người ăn phải.

Vì sao ăn thịt cóc dễ gây ngộ độc? Vì sao ăn thịt cóc dễ gây ngộ độc?

Mới đây, Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ tiếp nhận 2 bệnh nhân bị ngộ độc ...

Tiếp tục có người tử vong do ăn nhầm nấm độc Tiếp tục có người tử vong do ăn nhầm nấm độc

Mới đây, Trung tâm Chống độc - Bệnh viện Bạch Mai đã tiếp nhận 3 bệnh nhân trong cùng một gia đình trong tình trạng ...

Phòng chống ngộ độc hải sản khi đi biển dịp hè Phòng chống ngộ độc hải sản khi đi biển dịp hè

Ngộ độc thực phẩm là một trong những nỗi lo của du khách khi đi du lịch. Để tránh rước họa vào thân, người dân ...

Quang Minh
Phiên bản di động