Thống đốc: Mặt bằng lãi suất cho vay sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới
Chính phủ yêu cầu khẩn trương xử lý ngân hàng yếu kém, giảm lãi suất cho vay 1,5 - 2% Thống đốc: Chính sách tiền tệ luôn có độ trễ, cần thời gian để thẩm thấu việc hạ lãi suất |
Sáng 15/7, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức Hội nghị sơ kết hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023.
Phát biểu tại hội nghị, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng chia sẻ, trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức cả trong và ngoài nước, trong nửa đầu năm 2023, Ngân hàng Nhà nước đã chủ động, kịp thời điều chỉnh chính sách, ban hành và triển khai đồng bộ, tối ưu các công cụ và giải pháp để kiểm soát lạm phát ở mức thấp, giảm mặt bằng lãi suất và tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng, góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế và đảm bảo sự phát triển an toàn của hệ thống các tổ chức tín dụng.
Ngoài ra, việc tái cơ cấu các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu nhất là các ngân hàng yếu kém tiếp tục được triển khai quyết liệt. Việc thúc đẩy dịch vụ số đa dạng hoá các sản phẩm, dịch vụ cung ứng cho doanh nghiệp, người dân cũng được chú trọng.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng phát biểu tại hội nghị. |
Về điều hành lãi suất, 6 tháng đầu năm 2023, Ngân hàng Nhà nước đã liên tục giảm 4 lần các mức lãi suất với mức giảm từ 0,5 - 2,0%/năm tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng tiếp cận nguồn vốn từ Ngân hàng Nhà nước với chi phí thấp hơn, qua đó có điều kiện giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ khách hàng tháo gỡ khó khăn, phục hồi sản xuất kinh doanh và tiếp tục định hướng giảm mặt bằng lãi suất thị trường.
Tính đến cuối tháng 6/2023, lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân của các giao dịch phát sinh mới bằng VND của các ngân hàng thương mại giảm khoảng 1,0%/năm so với cuối năm 2022. Với tác động của độ trễ chính sách, dự kiến mặt bằng lãi suất cho vay đối với nền kinh tế sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới.
Về điều hành tín dụng, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2023, ngành ngân hàng đã tiếp tục điều hành các giải pháp tín dụng phù hợp, đảm bảo cung ứng vốn cho nền kinh tế nhưng không chủ quan với rủi ro lạm phát.
Ngay từ đầu năm, Ngân hàng Nhà nước đã định hướng tăng trưởng tín dụng cả năm 2023 khoảng 14 - 15% (cao hơn tăng trưởng các năm trước), có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế, đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng cho nền kinh tế nhằm góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Ngày 10/7, Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh tăng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2023 cho các tổ chức tín dụng với mức giao toàn hệ thống khoảng 14%.
Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú. |
Phó Thống đốc cho biết, tính đến ngày 30/6, tín dụng nền kinh tế đạt trên 12,49 triệu tỷ đồng, tăng 4,73% so với cuối năm 2022. Trong số đó, cơ cấu tín dụng tiếp tục tập trung vốn cho lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, đóng góp tích cực vào tăng trưởng GDP cả nước.
Đối với lĩnh vực bất động sản, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng tập trung nguồn vốn vào các dự án đủ điều kiện pháp lý, có khả năng tiêu thụ sản phẩm, có khả năng trả nợ vay đầy đủ và đúng hạn, đáp ứng nhu cầu thực của người dân, nhất là các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở phù hợp với thu nhập của người dân và các loại hình bất động sản phục vụ mục đích sản xuất, kinh doanh, an sinh xã hội có hiệu quả cao, có khả năng trả nợ và phát triển.
Đồng thời, ngành ngân hàng cũng đã kiểm soát chặt chẽ việc cấp tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản có tỷ lệ rủi ro cao, thực hiện tốt định giá tài sản bảo đảm nhất là tại các địa bàn có hiện tượng sốt đất, thổi giá bất động sản trong thời gian qua.
Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại triển khai chương trình cho vay 120.000 tỷ đồng đối với chủ đầu tư, người mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ từ tháng 4/2023, thực hiện bằng nguồn lực của các ngân hàng thương mại với lãi suất cho vay thấp hơn từ 1,5 - 2% lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng trên thị trường.
Tuy nhiên, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cũng thừa nhận hoạt động ngân hàng vẫn còn tồn tại những khó khăn do nguyên nhân cả chủ quan lẫn khách quan như nợ xấu gia tăng, tăng trưởng tín dụng thấp.
Những khó khăn trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản chưa được giải quyết căn cơ khiến cho nguồn vốn phục vụ tăng trưởng tập trung vào tín dụng ngân hàng, tỷ lệ tín dụng/GDP tăng cao tiềm ẩn rủi ro tài chính tiền tệ.
Trong 6 tháng cuối năm 2023, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết bám sát diễn biến kinh tế vĩ mô, thị trường tài chính, tiền tệ trong nước và quốc tế để tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng chắc chắn, chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, phối hợp hài hòa, hợp lý, chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác.
Ông Đào Minh Tú nhấn mạnh, thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ điều hành tăng trưởng khối lượng và cơ cấu tín dụng hợp lý, đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng cho nền kinh tế nhằm góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng tăng trưởng tín dụng trong cả năm với tốc độ hợp lý; hướng nguồn vốn tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng của nền kinh tế theo chủ trương của Chính phủ; kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng...