Thống đốc: Chính sách tiền tệ luôn có độ trễ, cần thời gian để thẩm thấu việc hạ lãi suất

Theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, để hạ lãi suất, Ngân hàn Nhà nước đã phải chèo lái và phối hợp đồng bộ các công cụ chính sách để có thể làm sao ổn định không những thị trường tiền tệ mà còn thị trường ngoại hối và đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng...
Ngân hàng Nhà nước lần thứ 4 giảm lãi suất điều hành Chính phủ yêu cầu giảm lãi suất điều hành ngay trong tháng 6/2023

Phát biểu tại buổi làm việc giữa Thường trực Chính phủ với Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa diễn ra chiều tối 6/7, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, Ngân hàng Nhà nước rất quan tâm đối với việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp nhỏ và vừa nói riêng.

Theo Thống đốc, từ khi dịch COVID-19 xảy ra, hệ thống ngân hàng dành nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp. Đơn cử, riêng chính sách giảm lãi, miễn lãi, giảm phí trong giai đoạn vừa ngân hàng chia sẻ với doanh nghiệp tổng cộng 60 nghìn tỷ đồng.

"Đây là số tiền rất lớn từ nguồn lực của các ngân hàng cho thấy hệ thống ngân hàng đồng hành cùng các doanh nghiệp trong đó có doanh nghiệp nhỏ và vừa", Thống đốc chia sẻ.

Đối với chính sách lãi suất, trong 6 tháng đầu năm trên thế giới các nước đang thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt, lãi suất tiếp tục tăng, nhưng riêng Ngân hàng Nhà nước đã giảm 4 lần lãi suất điều hành.

“Để hạ lãi suất Ngân hàng Nhà nước phải chèo lái và phối hợp đồng bộ các công cụ chính sách để có thể làm sao ổn định không những thị trường tiền tệ mà còn thị trường ngoại hối và đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng”, Thống đốc chia sẻ.

Thống đốc: Chính sách tiền tệ luôn có độ trễ, cần thời gian để thẩm thấu việc hạ lãi suất
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng.

Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết thêm, trong 6 tháng đầu năm các ngân hàng đã giảm 1%/năm mặt bằng lãi suất cho vay so với cuối năm 2022. Cũng có ý kiến cho rằng, lãi suất chưa giảm được như kỳ vọng nhưng theo Thống đốc, chính sách tiền tệ luôn có độ trễ, cần có thời gian để thẩm thấu chính sách hạ lãi suất.

Đối với vấn đề tiếp cận vốn của doanh nghiệp nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa luôn được Ngân hàng Nhà nước quan tâm thông qua triển khai đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn.

Theo đó, Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các tổ chức tín dụng tăng cường năng lực thu thập, khai thác thông tin về đánh giá tín nhiệm khách hàng để nâng cao hiệu quả thẩm định, qua đó tăng cường khả năng cho vay không có bảo đảm bằng tài sản.

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, theo quy định cho vay, để vay vốn, doanh nghiệp phải có phương án sản xuất kinh doanh khả thi và chứng minh được khả năng trả nợ, sử dụng vốn đúng mục đích. Các doanh nghiệp cung cấp tài liệu để chứng minh là tình hình tài chính có khả năng trả nợ bởi tiền ngân hàng cho vay là của người dân nên phải đảm bảo khả năng thu hồi vốn…

Đây là những tiêu chí chung được quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010. Còn mỗi một khoản vay với mục đích khác nhau hồ sơ chứng minh khác nhau như cho doanh nghiệp vay phục vụ lĩnh vực xuất khẩu hồ sơ khác cho vay bất động sản…

"Chủ trương của Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết giảm thủ tục vay vốn, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận vốn nhưng vẫn phải đảm bảo theo quy định. Vì điều kiện cho vay áp dụng theo Luật Các tổ chức tín dụng nếu muốn thay đổi thì phải sửa luật", Thống đốc chia sẻ.

Theo Thống đốc, những khó khăn của doanh nghiệp trong vấn đề tiếp cận vốn hiện nay do nhiều nguyên nhân cả chủ quan lẫn khách quan. Có những nguyên nhân phải được giải quyết từ các cơ quan khác. Do vậy, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước kiến nghị sớm tổ chức Hội nghị đánh giá tổng thể triển khai Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa để có hướng giải quyết được các vấn đề.

“Ngân hàng Nhà nước rất tha thiết có các cuộc họp với các bộ ngành khác để đánh giá, nhận diện thực sự vấn đề khó khăn ở đâu để cùng triển khai tháo gỡ. Tất cả các ngành phải cùng vào cuộc chứ không riêng ngành nào, chính sách nào có thể giải quyết được hết tất cả các vấn đề”, Thống đốc bày tỏ.

Để tăng khả năng tiếp cận vốn cho doanh nghiệp, Thống đốc cho rằng, bản thân doanh nghiệp nhỏ và vừa cần khắc phục những hạn chế của mình đang gây cản trở trong việc ngân hàng đưa ra quyết định cho vay như giải pháp cải thiện khả năng quản trị tài chính…

Mặt khác, bên cạnh sự hỗ trợ, chỉ đạo quyết liệt từ Chính phủ, các bộ, ngành hỗ trợ doanh nghiệp như Bộ Công thương đẩy mạnh xúc tiến thương mại, về phía các doanh nghiệp phải quan tâm hơn đến chất lượng hàng hoá dịch vụ, chỉ dẫn địa lý, vệ sinh an toàn… Có như vậy mới khuyến khích khách hàng mua hàng, doanh nghiệp tháo gỡ đầu ra sản phẩm...

Hậu Lộc
Phiên bản di động