[Thông điệp từ lịch sử] Hồ Quý Ly - nhà cải cách tiên phong
Dẫu là công cuộc cải cách chưa thành công như mong đợi và vương triều của ông đã thất bại trong việc giữ nước, nhưng tinh thần cải cách của ông vẫn là một dấu ấn quan trọng trong dòng lịch sử nước nhà.
Cuộc khủng hoảng và nhu cầu cải cách
Nhà Trần, kể từ đời vua Trần Dụ Tông (1341 - 1357), bắt đầu bước vào cuộc khủng hoảng xã hội ngày càng toàn diện và trầm trọng. Trần Nghệ Tông dẫu cố nỗ lực khắc phục nhưng vẫn không thể đưa vương triều và xã hội thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng. Bộ máy nhà nước rệu rã, cung đình khủng hoảng, vua chơi bời vô độ, quan tham nhũng vô bờ. Dân tình đói khổ, “mất mùa đói kém, dân nhiều kẻ làm trộm cướp, nhất là gia nô các vương hầu”, nhiều nơi nổi lên khởi nghĩa chống lại triều đình. Trong lúc đó, quan hệ với Chiêm Thành căng thẳng, chiến tranh triền miên, càng về sau tần suất càng cao. Ở phía Bắc, nhà Minh ngày càng tăng cường sức ép và chuẩn bị chiến tranh xâm lược.
Thành nhà Hồ. Ảnh: Hoàng Nguyên |
Bản chất sâu xa của cuộc khủng hoảng này là mâu thuẫn nội tại của thể chế chính trị, mô hình nhà nước phong kiến quý tộc nhà Trần đã trở nên lỗi thời. Yêu cầu tư hữu hóa ruộng đất ngày càng cao, nhất là từ địa chủ bình dân và địa chủ quan liêu nhưng triều đình nhà Trần vẫn cố níu kéo chế độ công hữu để bảo vệ quyền lợi của tầng lớp quý tộc. Kinh tế hàng hóa - tiền tệ thời kỳ này đã khá phát triển nhưng bị kìm hãm bởi thiết chế kinh tế lạc hậu. Hệ tư tưởng phong kiến bị khủng hoảng, nhà Trần vẫn cố níu giữ Phật giáo nhưng trong đời sống xã hội, Nho giáo chiếm giữ vai trò ngày càng quan trọng hơn.
Từ cuộc khủng hoảng này đặt ra nhu cầu cần có một cuộc cách mạng/cải cách toàn diện cả về chính trị, kinh tế và xã hội. Tư tưởng cải cách hình thành và Hồ Quý Ly đã trở thành người tiên phong khởi xướng và lãnh đạo công cuộc cải cách này.
Cuộc cải cách chưa thành
Hồ Quý Ly có hai người cô là vợ vua Trần Minh Tông nên sớm vào triều làm quan cho nhà Trần. Với sự sắc sảo, quyền biến, ông nhanh chóng trở thành quan lại cao cấp của triều đình và rất được Trần Nghệ Tông tin dùng. Từ năm 1395, sau khi Trần Nghệ Tông mất, ông làm Nhập nội phụ chính Thái sư bình chương quân quốc trọng sự, Tuyên trung vệ quốc đại vương, đã thâu tóm quyền lực và tiến hành cuộc cải cách.
Để cuộc cải cách, nhất là về chính trị, có thể thực hiện thuận lợi, ông đã lấy ngôi của nhà Trần. Dẫu bị phê phán về cái cách ông chiếm ngôi, nhưng nhìn toàn cục, nhất là nhìn vào đòi hỏi vận động phát triển của đất nước, có thể nói ông đã xuất hiện đúng lúc để nhận sứ mạng giải quyết cuộc khủng hoảng lúc bấy giờ. Tư tưởng và cách thức cải cách của ông là mạnh mẽ, táo bạo, dũng cảm.
Trong tầm nhìn của Hồ Quý Ly, cải cách thể chế chính trị - xã hội và hệ tư tưởng phong kiến là nền tảng cho toàn bộ công cuộc cải cách. Từ đó, ông đã có nhiều chính sách cụ thể như: Phát triển đội ngũ quan lại phong kiến quan liêu thay thế dần tầng lớp quý tộc; đề cao Khổng giáo, từng bước hạn chế Phật giáo, mở nhiều khoa thi để tuyển chọn nhân tài từ bình dân; không ban tặng phong tước cho quý tộc tôn thất. Quan hệ vua - tôi, đạo quân - thần theo chuẩn mực Nho giáo thay thế quan hệ tông tộc cũ theo Phật giáo.Việc điều hành đất nước dựa vào đội ngũ quan lại, không còn trọng dụng tầng lớp quý tộc…
Cũng trong tầm nhìn Hồ Quý Ly, cải cách kinh tế là trọng tâm của cuộc cải cách vì đây là điểm nút của cuộc khủng hoảng. Cải cách quan hệ sở hữu tư liệu sản xuất, chủ yếu là quan hệ ruộng đất bằng chính sách “hạn điền” nhằm hạn chế chiếm hữu lớn về đất đai của quý tộc phong kiến. Chính sách này đã đánh đúng nền tảng kinh tế quyền uy chính trị của tầng lớp quý tộc. Tuy vậy, chính sách này vẫn ở mức nửa vời vì số đất lấy ra lại tiếp tục bị sung công, biến thành công điền, có tác dụng củng cố chính quyền nhà nước chứ không phát triển kinh tế, cải thiện dân sinh được bao nhiêu.
Đồng thời, Hồ Quý Ly thực hiện chính sách “hạn nô”, đánh vào thế và lực của quý tộc phong kiến, không chỉ hạn chế ưu thế về kinh tế mà còn làm suy giảm sức mạnh quân sự của tầng lớp này. Điều này cũng có nghĩa là hạn chế nguy cơ phản công giành lại ngôi vua của quý tộc nhà Trần. Cũng như chính sách “hạn điền”, “hạn nô” cũng là nửa vời vì vẫn là “đưa nô xung công” và “xung vào quân dịch” để củng cố chế độ phong kiến quan liêu của nhà Hồ chứ không phải là giải phóng sức sản xuất, phát triển kinh tế.
Lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam, Hồ Quý Ly đã thực hiện cải cách tiền tệ, phát hành tiền giấy. Năm Bính Tý (1396), “Mùa hạ, tháng 4, bắt đầu phát hành tiền giấy thông bảo hội sao. In xong lệnh cho người đem tiền đến đổi, cứ mỗi quan tiền đồng đổi lấy 1 quan 2 tiền. Thể thức tiền giấy: Giấy 10 đồng vẽ rong, giấy 30 đồng vẽ sóng, giấy 1 tiền vẽ mây, giấy 2 tiền vẽ rùa, giấy 3 tiền vẽ lân, giấy 5 tiền vẽ phượng, giấy 1 quan vẽ rồng. Ai làm giả phải tội chết, tịch thu điền sản vào nhà nước. Cấm hẳn tiền đồng, không được chứa và tiêu riêng... Ai phạm cấm thì cũng phải tội như trên” (Đại Việt sử ký toàn thư). Tuy nhiên, chính sách này đã không phát huy được tác dụng vì thực ra nhu cầu của nền kinh tế lúc này chưa đặt ra, việc sử dụng cũng gây bất tiện và bất bình cho người dân. Vả lại nạn in tiền giả đã thúc đẩy thêm quá trình lạm phát.
Có ý kiến cho rằng, Hồ Quý Ly in tiền giấy nhằm thu tiền đồng phục vụ việc đúc khí giới cho quân đội. Hồ Quy Ly ban hành “Thuế pháp” theo hướng “Khoan thư sức dân”, tức là giảm thuế đối với người có ít ruộng đất canh tác, trồng trọt. Tuy còn những bất cập, chưa có hiệu quả cao nhưng đã góp phần kích thích kinh tế nông nghiệp phát triển hơn so với trước.
Về văn hóa, giáo dục, Hồ Quý Ly khuyến khích sử dụng chữ Nôm; phát huy tác dụng của Nho giáo; đề cao lối học thực dụng, cải tiến thi cử và ban hành chính sách khuyến học.
Trước nguy cơ xâm lược của nhà Minh và gây hấn của Chiêm Thành, Hồ Quý Ly chú trọng cải cách quân sự để tăng cường khả năng phòng thủ của quốc gia. Năm 1401, lập sổ hộ tịch nhằm “điểm binh càng nhiều”; bổ sung quân nô vào quân điện tiền với mục tiêu có đội quân 1 triệu người. Năm 1402, xét duyệt quân ngũ, chọn tráng đinh, cho người nghèo sung vào quân trợ dịch sau đổi làm quân bồi vệ. Năm 1403, đem người chưa có ruộng mà có của đến Thăng Hoa, biên chế thành quân ngũ. Năm 1405 chấn chỉnh lại tổ chức quân đội, chia thành các vệ, đội, doanh… một cách quy củ.
Ngoài ra, chú trọng việc cải tiến vũ khí, trang bị; mở xưởng đúc vũ khí, chế tạo súng thần cơ, đóng thuyền chiến đinh sắt; bổ sung voi chiến; xây dựng các hệ thống phòng thủ, nhất là các thành lũy. Đáng kể nhất là thành Tây Đô (Thanh Hóa), Đa Bang (Sơn Tây) và hệ thống các công trình phòng thủ quy mô lớn, gồm các bãi cọc, xích sắt, các đồn binh kéo dài từ núi Tản Viên, ven theo sông Đà, sông Hồng, sông Luộc đến cửa sông Thái Bình.
Nhìn chung, tư tưởng và chính sách cải cách với nhiều điểm tiến bộ, thậm chí vượt trước thời đại của Hồ Quý Ly không chỉ là một giải pháp tình thế để giải quyết cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội, đáp ứng nhu cầu phòng thủ quốc gia lúc bấy giờ mà còn mở đầu cho việc xây dựng một nhà nước trung ương tập quyền thay thế cho nhà nước phong kiến quý tộc lấy Phật giáo làm quốc giáo đã lỗi thời.
Tuy nhiên, hệ thống chính sách, các giải pháp cải cách còn có nhiều điểm chưa hợp lý, còn bất cập. Cuộc cải cách này chưa đủ sức để hóa giải cuộc khủng hoảng, chưa giải quyết được những mâu thuẫn xã hội, mà còn làm rạn nứt thêm mối đoàn kết toàn dân, nhất là mối liên hệ giữa vương triều với nhân dân. Nhà Hồ nhanh chóng bị thất thủ trước cuộc xâm lược của nhà Minh một phần là do mất lòng dân.
Cải cách, đổi mới là một đòi hỏi thường xuyên để phát triển. Nhưng cải cách đổi mới như thế nào để đạt hiệu quả tốt nhất vẫn luôn luôn là một bài toán khó!
Nhìn chung, tư tưởng và chính sách cải cách với nhiều điểm tiến bộ, thậm chí vượt trước thời đại của Hồ Quý Ly không chỉ là một giải pháp tình thế để giải quyết cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội, đáp ứng nhu cầu phòng thủ quốc gia lúc bấy giờ mà còn mở đầu cho việc xây dựng một nhà nước trung ương tập quyền thay thế cho nhà nước phong kiến quý tộc lấy Phật giáo làm quốc giáo đã lỗi thời. Tuy nhiên, hệ thống chính sách, các giải pháp cải cách còn có nhiều điểm chưa hợp lý. |