Thời trang NEM 'chưa' cung cấp thông tin về nguồn gốc nguyên liệu nhập khẩu

Đại diện hãng NEM cho biết, các sản phẩm thời trang của công ty đều sản xuất trong nước, có các nhà cung cấp nguyên liệu. Tuy nhiên nguồn gốc, xuất xứ từ đâu thì vẫn trong vòng "bí mật".
Vụ tráo nhãn mác thương hiệu thời trang NEM, IFU: "Góc khuất" dần hé lộ Vụ tráo nhãn mác thương hiệu thời trang NEM, IFU: Sẽ chuyển hồ sơ sang công an 'Nóng' chuyện cắt mác Trung Quốc sản phẩm thời trang NEM, IFU, SEVEN.AM

Liên quan đến vụ việc cơ sở may mặc tại 503 Bát Khối, phường Thạch Bàn, quận Long Biên (Hà Nội) cắt mác Trung Quốc rồi gắn nhãn thương hiệu NEM (có cả thương hiệu IFU), phóng viên Báo Tuổi trẻ Thủ đô đã có buổi làm việc với bà Nguyễn Ngọc Trang - Phụ trách Hành chính nhân sự của Công ty CP Thời trang NEM.

Theo đó, bà Trang phủ nhận cơ sở may mặc bị lực lượng chức năng phát hiện cắt mác Trung Quốc là của NEM.

"Bên em không biết xưởng đó, chắc chắn không phải xưởng sản xuất của NEM'', bà Trang nói.

Trong khi đó, trả lời câu hỏi của phóng viên về quá trình sản xuất sản phẩm của NEM, bà Trang cho biết, công ty bắt đầu công đoạn thiết kế rồi mua nguyên liệu để sản xuất trực tiếp trong nước từ nhiều nhà cung cấp.

Khi phóng viên đặt vấn đề về việc mua nguyên liệu trong nước hay nhập khẩu thì vị này chưa trả lời được do "Phụ trách hành chính nhân sự nên không nắm được, bên thu mua, sản xuất cũng như bộ phận kế toán sẽ nắm rõ hơn''.

thoi trang nem chua cung cap thong tin ve nguon goc nguyen lieu nhap khau
Trụ sở thời trang NEM tại Nguyễn Văn Cừ, Long Biên, Hà Nội.

Cũng theo bà Trang, các xưởng sản xuất của NEM thường nằm trong các khu công nghiệp (KCN) lớn. Hiện tại có một số xưởng sản xuất như ở KCN VISIP ở Bắc Ninh; KCN Đài Tư ở Hà Nội; KCN Phú Thái ở Hải Dương và KCN Đình Vũ ở Hải Phòng.

Đại diện hãng NEM cũng thừa nhận công ty có gia công các sản phẩm thời trang. Theo lý giải của vị này thì vào mua cao điểm, số lượng công nhân không đáp ứng được nên công ty cũng ký hợp đồng với các nhà gia công để hoàn thiện.

"Công ty cung cấp sản phẩm mới làm dưỡng cho đơn vị gia công để họ may, ráp hoàn thiện sản phẩm. Khi nhận sản phẩm chúng tôi sẽ kiểm tra chất lượng rồi mới đóng gói đưa ra thị trường'', bà Trang nói.

Cũng tại buổi làm việc, phóng viên Báo Tuổi trẻ Thủ đô đã đề nghị được tiếp cận danh sách các nhà cung cấp nguyên liệu cho NEM thì bà Trang hứa sẽ gửi lại thông tin sau.

thoi trang nem chua cung cap thong tin ve nguon goc nguyen lieu nhap khau
Một sản phẩm được gắn mác NEM.

Ngày 14/11, phóng viên liên hệ lại với bà Trang đề nghị thông tin danh sách các nhà cung cấp nguyên liệu thì vị này nói: "Cái đó chị cũng đã trao đổi với bộ phận thu mua và kế toán thì các bạn nói là hợp đồng mua bán giữa công ty và các nhà cung cấp nguyên liệu có những điều khoản về bảo mật thông tin nên cũng phải chờ xin ý kiến, chưa cung cấp được''.

Cũng theo bà Trang, hiện tại công ty cũng đang phối hợp với Quản lý thị trường, Công an kinh tế để làm rõ thông tin cơ sở may mặc tại 503 Bát Khối, phường Thạch Bàn, quận Long Biên cắt mác Trung Quốc rồi gắn nhãn thương hiệu NEM.

Trước đó, ngày 4/11, Đội Quản lý thị trường số 17 (Cục Quản lý thị trường Hà Nội) đã kiểm tra cơ sở may mặc tại 503 Bát Khối, phường Thạch Bàn, quận Long Biên. Tại thời điểm kiểm tra, công nhân may của cơ sở này đang thực hiện việc cắt tem nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài và đính thay bằng nhãn NEM và IFU trên các sản phẩm quần áo.

Cụ thể, gồm 66 bao quần áo các loại có chữ nước ngoài, 2.130 sản phẩm quần áo đã gắn nhãn IFU, 16 bao quần áo gắn nhãn NEM, 6 bao túi xách và 4 bao quần áo đã cắt nhãn gốc. Ước tổng khối lượng hàng hóa khoảng 4 tấn, tổng trị giá hàng hóa khoảng 2 tỷ đồng.

Qua kiểm tra, toàn bộ hàng hóa trên do nước ngoài sản xuất, chưa xuất trình được hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc. Sau đó, Đoàn kiểm tra đã tiến hành tạm giữ toàn bộ số hàng hóa trên và tang vật là 4 máy khâu và 49 kg tem nhãn các loại để điều tra xác minh và xử lý theo quy định của pháp luật.

Chiều 13/11, tức sau gần 10 ngày sự việc xảy ra, trao đổi với phóng viên Báo Tuổi trẻ Thủ đô, ông Chu Xuân Kiên - Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết vẫn đang trong quá trình xác minh, làm rõ. Bên cạnh đó, Cục cũng đã mời đại diện hãng thời trang NEM và IFU lên làm việc.

thoi trang nem chua cung cap thong tin ve nguon goc nguyen lieu nhap khau
Nguyên liệu sản xuất các sản phẩm thời trang của NEM có nguồn gốc, xuất xứ từ đâu?

Theo tìm hiểu của phóng viên, NEM là thương hiệu thời trang có tiếng tại Việt Nam, có mặt trên thị trường đã gần 20 năm nay. Hãng thời trang NEM gắn liền với tên tuổi ông Trương Việt Bình và Công ty Cổ phần Thời trang NEM (NEM Fashion).

Được biết, Công ty CP Thời trang NEM có địa chỉ trụ sở chính tại Lô đất số C1, 1, Khu Công nghiệp Đài Tư, phường Sài Đồng, quận Long Biên, Hà Nội. Công ty được ông Trương Việt Bình (Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc, người đại diện theo pháp luật) tạo dựng từ năm 2007, ngành nghề kinh doanh bán buôn thiết bị và linh kiện điện tử, viễn thông; sản xuất giày dép; sản xuất vali, túi xách; sản xuất, buôn bán hàng may mặc và các nguyên phụ liệu ngành may mặc.

Tuy nhiên, vào tháng 5/2019, Công ty CP Thời trang NEM đã đổi tên thành Công ty CP sản xuất và thương mại Delani, ngành nghề chính vẫn là sản xuất hàng may mặc và các nguyên phụ liệu ngành may mặc. Tuy nhiên, người đại diện theo pháp luật và Tổng giám đốc công ty đã được thay đổi là ông Nguyễn Tôn Thắng.

Theo thông tin trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, Công ty Cổ phần Thời trang NEM hiện tại chỉ còn chi nhánh tại địa chỉ số 51 Phan Bội Châu, phường Cửa Nam, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Cuối năm 2017, Công ty thời trang Stripe International (Nhật Bản) bất ngờ thông báo chính thức mua lại thương hiệu thời trang NEM của Việt Nam.

Hiện, trên trang web chính thức của thương hiệu NEM là nemshop.vn nêu rõ: Công ty TNHH Dịch vụ và Thương mại An Thành hoạt động kinh doanh hệ thống bán lẻ thời trang NEM dưới sự điều hành của Tập đoàn Stripe Nhật Bản.

Được biết, Công ty TNHH Dịch vụ và Thương mại An Thành có địa chỉ tại tầng 10, tòa nhà NEM, số 545 Nguyễn Văn Cừ, Long Biên, Hà Nội. Hiện tại, ông Trương Việt Bình là Tổng giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật của công ty. Ngành nghề chính của công ty này là bán lẻ hàng may mặc, giày dép, hàng da và giả da trong các cửa hàng chuyên doanh; sản xuất hàng may sẵn; sản xuất các loại hàng dệt khác chưa được phân vào đâu...

Theo nguồn tin cung cấp cho phóng viên, hãng thời trang IFU do bà Đoàn Kim Anh quản lý (vợ ông Trương Việt Bình), đây cũng được cho là ''con đẻ'' của thương hiệu NEM. Tuy nhiên, đại diện hãng thời trang NEM đã phủ nhận mối liên hệ với thương hiệu IFU.

Sáng 15/11, sau khi nhận được tin báo của nhóm phóng viên Báo Tuổi trẻ Thủ đô, Đội Quản lý thị trường số 6 (Cục Quản lý thị trường tỉnh Thái Bình) đã cử trinh sát kiểm tra dấu hiệu vi phạm về hàng hóa của cửa hàng IFU tại 137 Trần Hưng Đạo, TP Thái Bình, tỉnh Thái Bình.

Ngay sau khi xác định dấu hiệu vi phạm, lực lượng Quản lý thị trường đã ập vào kiểm tra cửa hàng. Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng ghi nhận rất nhiều sản phẩm quần áo được may mác và gắn thẻ bài thương hiệu IFU nhưng không ghi rõ nguồn gốc, xuất xứ, đơn vị sản xuất.

"Qua kiểm tra ban đầu, các sản phẩm thời trang của cửa hàng có dấu hiệu sai nhãn mác, có nghi ngờ về nguồn gốc xuất xứ vì chưa xuất trình được giấy tờ chứng minh. Theo quy định chung của pháp luật, những người có thẩm quyền của Cục sẽ căn cứ vào mức độ vi phạm, trị giá hàng hóa để xử lý. Trước mắt sẽ tạm giữ những sản phẩm chưa rõ nguồn gốc, xuất xứ đề nghị chủ cửa hàng phối hợp làm rõ", ông Nguyễn Thanh Hải - đại diện Đội Quản lý thị trường số 6 cho biết.

Hiện tại, Đội Quản lý thị trường số 6 của Cục Quản lý thị trường tỉnh Thái Bình đã tạm giữ 414 sản phẩm thời trang, tương đương trị giá hơn 297 triệu đồng có dấu hiệu vi phạm nhãn mác, xuất xứ để xác minh, làm rõ.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin.

Nhóm PV
Phiên bản di động