Cách nào đưa 15 triệu tỷ đồng tiền gửi ngân hàng vào sản xuất, kinh doanh?

Với số tiền người dân gửi trong ngân hàng hiện đạt khoảng trên 15 triệu tỷ đồng, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu cần có giải pháp để nguồn vốn này phục vụ đắc lực cho sản xuất, kinh doanh...
Hơn 15 triệu tỷ đồng tiền trong dân gửi ngân hàng

Chiều 5/8 vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã làm việc với lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước và lãnh đạo một số bộ, ngành về điều hành chính sách tiền tệ.

Thông tin đáng chú ý được đưa ra là số tiền trong dân gửi trong ngân hàng hiện đạt khoảng trên 15 triệu tỷ đồng, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu cần có giải pháp để nguồn vốn này phục vụ đắc lực cho sản xuất, kinh doanh.

Cùng đó là chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính về việc điều hành tăng trưởng tín dụng khoảng 15% trong năm 2024.

Theo ông Nguyễn Quang Huy - CEO Khoa Tài chính Ngân hàng (Trường Đại học Nguyễn Trãi) cho rằng, để thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng, trong 5 tháng cuối năm cần kết hợp đồng bộ các giải pháp từ cơ quản quản lý Nhà nước, tổ chức tín dụng, doanh nghiệp và người dân.

Cách nào đưa 15 triệu tỷ đồng tiền gửi ngân hàng vào sản xuất, kinh doanh?
Ông Nguyễn Quang Huy - CEO Khoa Tài chính Ngân hàng (Trường Đại học Nguyễn Trãi).

Cụ thể, các nhà băng cần thúc đẩy tăng trưởng tín dụng tiêu dùng, đặc biệt là các khoản vay nhỏ dưới 100 triệu đồng (theo quy định mới không cần có phương án sử dụng vốn vẫn được ngân hàng giải ngân).

Đồng thời, các ngân hàng hỗ trợ người dân được vay mua các sản phẩm bất động sản có giá bán hợp lý, phân khúc bình dân, trung cấp, thanh khoản tốt.

Ông Huy cho rằng, ngân hàng cần ưu tiên giải ngân cho các dự án bất động sản được tháo gỡ vướng mắc pháp lý sau khi các luật liên quan bất động sản có hiệu lực từ ngày 1/8/2024, từ đó giúp luân chuyển dòng vốn, các nhà thầu, nhà cung cấp, sản xuất nguyên liệu đầu vào cũng sẽ có cơ hội phục hồi và sẽ phát sinh nhu cầu vay vốn ngân hàng để tái đầu tư sản xuất kinh doanh.

Các ngân hàng cũng cần tích cực tài trợ vốn cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh có các đơn hàng xuất khẩu, cân nhắc xem xét vừa giải ngân trên cơ sở phương án kinh doanh hiệu quả, và dòng tiền tốt, uy tín, chứ không bị phụ thuộc vào giá trị tài sản bảo đảm.

Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng cũng cần tập trung phát triển tín dụng cho khối doanh nghiệp vừa và nhỏ với trọn gói giải pháp đồng bộ: Kết nối thị trường, đào tạo huấn luyện phương pháp quản trị doanh nghiệp, quản trị dòng tiền, sử dụng vốn an toàn hiệu quả thì sẽ góp phần tăng trưởng dư nợ tín dụng bền vững.

Cùng với đó là việc phát triển thị trường chứng khoán, phổ cập cho toàn dân, làm tốt công tác quản lý, minh bạch thì người dân sẽ chuyển một phần tiền gửi vào kênh đầu tư chứng khoán giúp các doanh nghiệp huy động được vốn và đầu tư vào sản xuất kinh doanh.

Theo ông Huy, về dài hạn cần kiên trì và làm tốt công tác phổ cập đào tạo khởi nghiệp ở các cấp học và thực tế cho toàn dân, nhằm tăng mạnh số lượng doanh nghiệp, như vậy sẽ có lực lượng nòng cốt tham gia sản xuất kinh doanh và sử dụng vốn tín dụng, từ đó nâng cao số lượng và chất lượng tín dụng cho toàn hệ thống.

Hậu Lộc
Phiên bản di động