Thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái): Nỗ lực bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể
Hội thi “Lung linh vòng xòe” thị xã Nghĩa Lộ lần thứ Nhất năm 2023
Xòe Thái vốn là đặc trưng của đồng bào Tây Bắc nói chung và Yên Bái nói riêng. Khi “Nghệ thuật Xòe Thái” được UNESCO ghi danh vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, đồng bào Thái và Nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái xác định sẽ cùng nhau giữ gìn và phát huy tinh hoa miền di sản trong đời sống đương đại.
Bên cạnh các hội thi, tại Thị xã Nghĩa Lộ, việc truyền dạy và thực hành Xòe Thái được tổ chức trong tất cả các trường học từ bậc học Mầm non đến Tiểu học, THCS và THPT; trong cộng đồng dân cư tại địa phương thông qua các đội văn nghệ quần chúng, các Hội bảo tồn tri thức bản địa; Hội diễn nghệ thuật truyền thống . Nhờ vậy, Xòe Thái trở thành thương hiệu riêng tại các lễ hội trong năm, đặc biệt là lễ hội văn hóa, du lịch Mường Lò tổ chức hàng năm. Bên cạnh đó, Thị xã Nghĩa Lộ cũng chú trọng tôn vinh và phát huy vai trò của các nghệ nhân trong lĩnh vực thực hành nghệ thuật Xòe Thái để ghi nhận công lao và khuyến khích các nghệ nhân gìn giữ, phát huy giá trị của di sản này.
Những vòng Xòe bất tận ở Yên Bái |
Mới đây, Thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái đã phát động cuộc thi “Lung linh vòng xòe” lần thứ Nhất năm 2023. Theo đó, Hội thi được tổ chức trong 2 ngày 25 và 26/4/2023. Đối tượng tham gia là các nghệ nhân, diễn viên văn nghệ quần chúng, người lao động đang công tác, học tập, sinh sống trên địa bàn thị xã Nghĩa Lộ.
Trình diễn của các đội xòe đạt thành tích cao và trao giải vào ngày 28/4 và 29/4/2023 tại Quảng trường Bông lúa, Khu đô thị Tân An, thị xã Nghĩa Lộ.
Được biết, hiện Thị xã Nghĩa Lộ đang tiếp tục tư liệu hóa di sản Xòe Thái thành các ấn phẩm lưu trữ như sách, đĩa CD,… để làm nguồn tư liệu lâu dài, phục vụ công tác bảo tồn, phát huy giá trị của Xòe Thái.
Mở lớp truyền dạy miễn phí chữ Thái cổ
Trong kho tàng văn hóa của dân tộc Thái, chữ Thái cổ được coi là di sản tinh thần, kết tinh trí tuệ của tổ tiên để lại, chỉ còn lưu giữ trong các sách cổ ghi chép về văn học, lịch sử. Do đó, việc học chữ Thái, tiếng Thái từ lâu ở thị xã Nghĩa Lộ không chỉ người Thái mới học mà giờ đây người dân tộc Kinh, Mường cũng học chữ Thái. Bởi họ đã nhận thấy rõ lợi ích từ việc học chữ Thái và tiếng Thái sẽ mang lại cho bản thân sự hiểu biết về một nền văn hóa Thái phong phú đa dạng. Quan trọng nhất, học chữ Thái để phục vụ cho việc giao tiếp, để tìm hiểu kỹ hơn về tình yêu thương, tính nhân văn cao cả của tiếng Thái thông qua hệ thống nhạc cụ, các bài khắp, bài đồng giao, nét đẹp trong điệu múa Xòe của người Thái.
Những lớp học tiếng Thái cổ góp phần bảo tồn giữ gìn bản sắc dân tộc |
Nhận thấy tầm quan trọng của việc gìn giữ và truyền dạy chữ Thái cho thế hệ sau là rất quan trọng, nhiều năm nay thị xã Nghĩa Lộ đã có nhiều biện pháp đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, đặc biệt là truyền dạy chữ Thái cổ cho đội ngũ lãnh đạo, cán bộ công chức và người dân trên địa bàn.
Người dân Thị xã Nghĩa Lộ tích cực tham gia học tiếng Thái cổ |
Mới đây, Thị xã Nghĩa Lộ tiếp tục tổ chức lớp học miễn phi tiếng Thái cổ tại phường Cầu Thia. Lớp học này có 40 học viên có độ tuổi từ 14 đến 73 tuổi, trong thời gian 3 tháng vào các buổi tối 3,5,7 hàng tuần.
Người dân ở mọi lứa tuổi đều nỗ lực học tiếng Thái cổ, tạo thành phong trào lan rộng toàn thị xã |
Tham gia lớp học các học viên sẽ được truyền đạt các kỹ năng về đọc, viết chữ Thái cổ nhằm góp phần giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc tại địa phương.