Thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 09/2023/NĐ-CP ngày 13/3/2023 quy định chi tiết thi hành Nghị quyết số 54/2022/QH15 ngày 16/6/2022 của Quốc hội thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam.
Triển khai thí điểm giáo dục STEM theo lộ trình Hà Nội, TP HCM và Hải Phòng sẽ thí điểm xuất hóa đơn điện tử từ máy tính tiền Thí điểm xây dựng mô hình “Làng văn hóa kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc" Hà Nội thí điểm điều chỉnh lại giao thông tại nút giao Mễ Trì - Lê Quang Đạo - Châu Văn Liêm Hà Nội thí điểm thi tuyển chức danh trưởng phòng, phó trưởng phòng và tương đương
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Nghị định này quy định chi tiết thi hành Nghị quyết số 54/2022/QH15 ngày 16/6/2022 của Quốc hội thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam, gồm các nội dung sau: Tiêu chí lựa chọn trại giam thực hiện thí điểm; Tiêu chí lựa chọn tổ chức hợp tác với trại giam để thực hiện hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam.

Bên cạnh đó còn có một số nội dung như: Trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề và thành lập khu lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam; Cách thức, tiêu chí lựa chọn phạm nhân đưa ra lao động, hướng nghiệp, dạy nghề ngoài trại giam; Chế độ, chính sách đối với phạm nhân khi lao động, hướng nghiệp, học nghề ngoài trại giam; Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức có liên quan.

Đối tượng áp dụng gồm: Cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Công an, các trại giam thuộc Bộ Công an được thí điểm; cán bộ, chiến sĩ của Cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Công an và trại giam được thí điểm; Viện Kiểm sát Nhân dân cấp tỉnh nơi có trại giam thực hiện thí điểm; Ủy ban Nhân dân cấp huyện, cấp xã nơi có khu lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam; tổ chức hợp tác với trại giam; Phạm nhân đang chấp hành án phạt tù tại các trại giam thuộc Bộ Công an được thí điểm; Cơ quan, tổ chức khác có liên quan.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Trại giam thực hiện thí điểm phải bảo đảm an ninh, an toàn khi tổ chức thực hiện thí điểm

Theo Nghị định, trại giam thực hiện thí điểm phải đảm bảo các tiêu chí sau: Khó khăn về cơ sở vật chất để tổ chức các ngành nghề lao động, hướng nghiệp, dạy nghề phục vụ công tác tái hòa nhập cộng đồng cho phạm nhân trong phạm vi trại giam; Có nhu cầu về việc làm, khả năng quản lý, bố trí cán bộ, chiến sĩ và số lượng phạm nhân để hợp tác với tổ chức trong nước để tổ chức lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân; Bảo đảm an ninh, an toàn khi tổ chức thực hiện thí điểm.

Căn cứ các tiêu chí này, Bộ Công an ban hành danh sách các trại giam được thực hiện thí điểm.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Tiêu chí lựa chọn tổ chức thực hiện hoạt động lao động, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam

Việc tổ chức hợp tác với trại giam tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam phải đảm bảo các điều kiện sau đây: Không thuộc sở hữu của cá nhân, tổ chức là người nước ngoài; không liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp nước ngoài hay có vốn đầu tư của nước ngoài; Có giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp, ban hành; giấy phép kinh doanh đối với các ngành nghề hợp tác lao động là ngành nghề có điều kiện; Có tài liệu chứng minh quyền sử dụng, sở hữu hợp pháp đối với đất và tài sản gắn liền với đất để tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề.

Địa điểm khu lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam phải đóng trên địa bàn có tình hình an ninh trật tự ổn định; có khoảng cách đến điểm đóng quân gần nhất thuộc trại giam không quá 50 km để thuận tiện cho công tác quản lý, kiểm tra, giám sát và kịp thời xử lý các tình huống đột xuất, bất ngờ có thể xảy ra; có tường, rào bảo vệ xung quanh tách biệt với khu dân cư.

Tổ chức có khả năng thực hiện hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho một tổ, đội phạm nhân trở lên; bảo đảm các điều kiện để phục vụ công tác quản lý giam giữ, giáo dục phạm nhân, chăm sóc y tế, văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao cho phạm nhân; có ngành nghề được pháp luật cho phép sản xuất, kinh doanh và không thuộc danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm từ mức độ V trở lên theo quy định tại Thông tư số 11/2020/TT-BLĐTBXH ngày 12/11/2020 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc ban hành Danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Trường hợp thuộc danh mục các ngành nghề còn lại trong điều kiện cho phép, tổ chức phải cam kết vận hành an toàn cho phạm nhân.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Cách thức, tiêu chí lựa chọn phạm nhân đưa ra lao động, dạy nghề ngoài trại giam

Nghị định quy định cách thức lựa chọn phạm nhân như sau: Trại giam phổ biến điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định để phạm nhân đối chiếu và tự nguyện viết đơn đề nghị được tham gia lao động, học nghề ngoài trại giam. Giám thị trại giam chỉ đạo các đội nghiệp vụ phối hợp, lựa chọn phạm nhân theo quy định.

Phạm nhân không thuộc trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm m khoản 4 Điều 1 Nghị quyết số 54/2022/QH15 được đưa ra các khu lao động, hướng nghiệp, dạy nghề ngoài trại giam phải bảo đảm các điều kiện sau đây: Có nơi cư trú rõ ràng; Chấp hành nghiêm nội quy cơ sở giam giữ phạm nhân, có ý thức cải tạo tiến bộ.

Đối với phạm nhân có mức án trên 15 năm, chung thân phải thuộc trường hợp phạm tội lần đầu, đã được giảm thời hạn chấp hành án phạt tù và thời gian chấp hành án còn lại từ 7 năm trở xuống, có ít nhất 12 tháng liền kề thời điểm xét duyệt được xếp loại "Khá" hoặc "Tốt".

Đối với phạm nhân có mức án từ 15 năm trở xuống phải thuộc trường hợp phạm tội lần đầu và bảo đảm các điều kiện: Phạm nhân có mức án từ trên 7 năm đến 15 năm phải chấp hành được 1/3 mức án, thời gian chấp hành án còn lại từ 7 năm trở xuống, đã được giảm thời hạn chấp hành án phạt tù, có ít nhất 9 tháng liền kề thời điểm xét duyệt được xếp loại "Khá" hoặc "Tốt"; phạm nhân có mức án từ trên 3 năm đến 7 năm có ít nhất 6 tháng liền kề thời điểm xét duyệt được xếp loại "Khá" hoặc "Tốt"; phạm nhân có mức án từ 3 năm trở xuống có ít nhất 3 tháng liền kề thời điểm xét duyệt được xếp loại "Khá" hoặc "Tốt".

Đối với số phạm nhân có tiền sử nghiện ma túy phải xem xét thận trọng, chặt chẽ, chỉ lựa chọn số phạm nhân không còn biểu hiện lệ thuộc ma túy để đưa ra khu lao động, hướng nghiệp, dạy nghề ngoài trại giam.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Phạm nhân lao động, hướng nghiệp, học nghề ngoài trại giam được trả công theo quy định

Về chế độ, chính sách đối với phạm nhân khi lao động, hướng nghiệp, học nghề ngoài trại giam, Nghị định nêu rõ: Phạm nhân lao động, hướng nghiệp, học nghề ngoài trại giam được đảm bảo quyền lợi, nghĩa vụ và được trả công theo quy định của Luật Thi hành án hình sự và các văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành.

Ít nhất một tháng trước ngày phạm nhân chấp hành xong án phạt tù hoặc trước khi thi hành quyết định đặc xá, quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện, phạm nhân được đưa trở lại trại giam để phục vụ công tác chuẩn bị tái hòa nhập cộng đồng theo quy định.

Trường hợp phạm nhân có hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm Nội quy cơ sở giam giữ phạm nhân, vi phạm nội quy về đảm bảo an toàn vệ sinh lao động, phòng ngừa dịch bệnh, phòng chống cháy, nổ đến mức phải xử lý kỷ luật thì đưa về trại giam để xử lý theo quy định.

Nghị định 09/2023/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 13/3/2023 đến khi Nghị quyết số 54/2022/QH15 hết hiệu lực thi hành.

Nhật Trường
tuoitrethudo.com.vn
Phiên bản di động