Theo nghề giáo thì hãy yêu trẻ!
Xét duyệt chung khảo Giải thưởng Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo Kỷ niệm 38 năm ngày Nhà giáo Việt Nam: Nghề giáo - nhọc nhằn và vinh quang |
20 năm giữ lửa “nghề đưa đò”
Từ xưa đến nay, người làm nghề giáo luôn lấy cốt cách làm trọng, lấy sự thành đạt của học trò làm niềm hạnh phúc của bản thân. Có lẽ vì vậy, nên dù cuộc sống có bao nhiêu thăng trầm thì cô giáo Duy Thị Khánh Hường, giáo viên trường Tiểu học Đền Lừ, quận Hoàng Mai, Hà Nội vẫn luôn cảm thấy hạnh phúc.
Cô giáo Duy Thị Khánh Hường - Giáo viên trường Tiểu học Đền Lừ trong một tiết giảng dạy cho học sinh |
Nói về cơ duyên đến với nghề giáo, cô Khánh Hường cho biết: “Con đường vào nghề của tôi được bắt đầu từ mẹ. Mẹ tôi là giáo viên dạy ở trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ. Trong kí ức tuổi thơ của tôi là hình ảnh mẹ đứng trên bục giảng với ánh mắt hiền từ, nụ cười ấm áp”.
Theo lời kể của cô Hường, ban ngày mẹ cô giảng dạy bên những học trò thiểu năng trí tuệ hoặc gia đình có hoàn cảnh khó khăn, bố mẹ không quan tâm dạy dỗ. Tối đến, mẹ lại dạy xóa mù chữ cho các anh chị trong xóm.
Ngày ấy, một mình ôm ba con nhỏ, nhưng dù vất vả khó khăn, “mẹ tôi vẫn ân cần, tận tụy với những học trò nhỏ của mình, cố gắng viết lên một tương lai đầy hy vọng cho các em. Chính từ những tháng ngày đó trong tôi đã bén lên mơ ước được trở thành cô giáo”, cô Hường cho biết.
Cô Khánh Hường kèm học sinh viết từng nét chữ trên bảng đen |
Khi biết được tâm tư, nguyện vọng của con gái, mẹ của cô Hường chỉ nói: “Nếu con không yêu trẻ thì con đừng đi theo con đường này.”
Và quả thật tình yêu trẻ nhỏ chính là lí do và động lực giúp cô Hường có thể gắn bó với nghề suốt bao năm qua.
Tính tới nay, cô giáo Khánh Hường đã có 20 năm đứng trên bục giảng và 16 năm giảng dạy ở ngôi trường Tiểu học Đền Lừ. Cô là người đã dìu dắt nhiều thế hệ học trò đến với những bến bờ tri thức…
Cô luôn nhẹ nhàng, ân cần chỉ dạy với lũ trẻ của mình |
Đổi mới phương pháp giảng dạy
Cách mạng công nghệ 4.0 mở ra nhiều cơ hội phát triển, song đồng thời cũng tạo ra nhiều thách thức mới đối với cả xã hội. Không chỉ mỗi giáo viên mà toàn thể ngành giáo dục phải đối mặt với những khó khăn và thách thức để có thể đáp ứng yêu cầu thực tiễn của thời đại. Bản thân là một giáo viên thế hệ 8X, cô Khánh Hường luôn cầu thị, không ngừng học hỏi, nâng cao trình độ công nghệ thông tin (CNTT) để bắt kịp xu thế và không là người bị lùi lại phía sau…
Cô nói: “Kích thích phát triển kỹ năng và tư duy theo hướng công dân số trong thời đại phát triển không ngừng là vô cùng cần thiết, đặc biệt đối với trẻ nhỏ. Để thích nghi, bên cạnh kiến thức cơ bản, trẻ cần được làm quen và tiếp xúc với công nghệ để theo kịp với công nghệ kỹ thuật thế giới”.
Nhà giáo tâm huyết, sáng tạo Duy Thị Khánh Hường luôn trăn trở làm sao để học sinh được làm quen và tiếp xúc với kiến thức công nghệ, giúp theo kịp với công nghệ kỹ thuật thế giới. |
Vì vậy, các bài giảng điện tử giúp bài dạy được minh họa tường minh cho học sinh dễ nắm bắt kiến thức. Những hình ảnh, video màu sắc rõ ràng, sinh động rất phù hợp với tâm lí lứa tuổi khiến học sinh càng thêm thích thú, hào hứng học tập. Điều này giúp nâng cao được chất lượng dạy và học hiệu quả nên cô Khánh Hường luôn tích cực đưa CNTT vào trong hoạt động giảng dạy của mình.
Cô nói, chương trình giáo dục THPT 2018 với nhiều vấn đề mới mẻ khiến giáo viên khá lúng túng. Trong khi đó, phụ huynh ngày nay lại rất quan tâm tới việc học của con em mình. Họ muốn tham gia vào quá trình dạy học của giáo viên, nhà trường, tham gia vào quá trình phát triển năng lực và phẩm chất của con nhưng không biết bắt đầu từ đâu, không biết phải làm như thế nào? Đây là một thử thách đặt ra đối với rất nhiều thầy cô.
Người giáo viên cần phải vừa giải quyết được mong muốn của phụ huynh vừa đưa các hoạt động giáo dục phù hợp với xu thế chung của giáo dục thế giới. Đó chính là giáo dục dựa trên sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình và nhà trường bởi không một trường học nào có thể dạy trẻ thành công mà không có sự hợp tác từ phía gia đình.
Cô Khánh Hường trực tiếp giảng dạy cho trẻ trê website "Miền gieo hạt" do tự tay mình xây dựng và thiết kế |
"Bản thân tôi đã rất băn khoăn, trăn trở ngay từ khi nhận nhiệm vụ công tác chủ nhiệm lớp 1 năm học 2020 – 2021. Tôi quyết định bắt tay tìm hiểu, thu thập và xây dựng các tài liệu để có thể chia sẻ với mọi người. Công việc này diễn ra liện tục trong các năm học tiếp theo và đến năm 2023 tôi chính thức bắt tay xây dựng trang web “Miền gieo hạt”, cô Hường nói.
Theo đó, website “Miền gieo hạt” là một trang web với lượng tài liệu rất lớn cung cấp tương đối đầy đủ các kiến thức có liên quan đến dạy và học cho học sinh lớp 1 – những trang giấy trắng tinh, những hạt mầm nhỏ lần đầu được cô giáo gieo tri thức để nảy mầm vươn lên.
Cùng với đó, website “Miền gieo hạt” còn đặc biệt có thể hỗ trợ những học sinh vì hoàn cảnh không thể đến trường, phụ huynh cũng có nguồn tài liệu để hỗ trợ con học tập tại nhà…
Trong trang web, cô Khánh Hường xây dựng 6 nội dung, bao gồm: đồng hành cùng con; tài liệu rèn đọc; tài liệu rèn viết; bài tập cuối tuần; học mà chơi – chơi mà học và giáo án.
Website "Miền gieo hạt" được xây dựng gồm 6 nội dung, với website này các bậc phụ huynh có thể tham gi trực tiếp vào quá trình hỗ trợ con trẻ học tập tại nhà… |
Hướng dẫn phát âm: âm v |
Là một giáo viên Tiểu học, không chuyên về CNTT nên trong suốt quá trình xây dựng website, cô Hường đã gặp rất nhiều khó khăn: từ cách lựa chọn nền tảng, cấu trúc, cho đến lựa chọn hình nền đại diện. Mỗi phần, cô đều làm đi làm lại nhiều lần.
Tuy nhiên, cô Hường may mắn nhận được sự động viên, khuyến khích từ Ban Giám hiệu nhà trường, những đóng góp ý kiến, hỗ trợ từ phía các đồng nghiệp. Cùng với đó là quan điểm học làm chứ không nhờ làm nên cô Khánh Hường vẫn luôn tự tìm tòi, tự nghiên cứu và học hỏi.
“Vất vả có! Thất bại có! Buồn nản có! Nhưng sau tất cả tôi vẫn có thể vượt qua và hoàn thành xuất sắc sản phẩm của mình”, cô chia sẻ.
Các hoạt động lên lớp của cô Khánh Hường luôn tạo được sự hứng khởi cho học sinh |
Đến nay, website “Miền gieo hạt” không chỉ được chia sẻ, áp dụng ở tại trường Tiểu học Đền Lừ mà còn được áp dụng ở các trường khác trong quận và 1 số trường ở thành phố Hà Nội.
Hưởng ứng phong trào “Nhà trường cùng chung tay phát triển – Thầy cô cùng sẻ chia trách nhiệm” Ban Giám hiệu nhà trường đã có kế hoạch chia sẻ, giới thiệu trang web của tới 2 trường kết nghĩa là Tiểu học Viêm An và Tiểu học Cao Thành (huyện Ứng Hòa) để trang web ngày càng được lan tỏa rộng hơn.
Cô Khánh Hường cũng bày tỏ niềm hy vọng, trang web “ Miền gieo hạt” sẽ tiếp tục được lan tỏa, nhân rộng góp phần làm tăng hiệu quả chất lượng dạy và học cho học sinh trong các trường.
Những tiết học thú vị hơn bao giờ hết khi trẻ được học tập qua website "Miền gieo hạt" |
Có thể nói, “Miền giao hạt” không chỉ là một nguồn tài nguyên giáo dục mà còn là một cộng đồng trực tuyến, nơi mọi người có thể chia sẻ kinh nghiệm và tạo ra một môi trường học tập tích cực cho học sinh lớp 1. Đối với giáo viên, phụ huynh và học sinh, đây là một công cụ hữu ích để khám phá và phát triển kỹ năng đọc và viết một cách hiệu quả.
Xuất phát từ tình yêu của tôi đối với trẻ nhỏ, với nghề giáo, trong thời gian tới, cô giáo 8X dự kiến tiếp tục đổi mới phương pháp dạy học, kết hợp dạy học với giáo dục thực tiễn, tích cực đưa CNTT vào trong hoạt động dạy học, sáng tạo để nâng cao chất lượng dạy và học, để có thế góp phần giáo dục nên những thế hệ công dân số trong tương lai.
“Mẹ tôi - một người gieo hạt. Và tôi tiếp bước mẹ, tiếp bước bao thế hệ nhà giáo đi trước tiếp tục gieo lên hàng ngàn mầm xanh cho tương lai”, cô Hường kết lời.
Bảng thành tích xuất sắc của cô giáo Duy Thị Khánh Hường: - Đạt SKKN loại B cấp Thành phố các năm: 2015 - 2016, 2016 - 2017. - Đạt SKKN loại C cấp Thành phố các năm: 2006 - 2007, 2010 - 2011, 2017 - 2018 - Đạt SK loại C cấp Quận năm 2021- 2022. - Đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở các năm học: 2012 - 2013, 2013 - 2014, 2014 - 2015, 2015 - 2016, 2017 - 2018, 2021- 2022. - Nhận giấy khen Giáo viên giỏi cấp Quận năm học: 2012 - 2013, 2017 - 2018. - “Nhà giáo Hà Nội tâm huyết sáng tạo” năm 2023. |