Tháo gỡ vướng mắc để vận hành nhà văn hóa hiệu quả
Dự kiến khánh thành Nhà văn hoá kiểu mẫu tổ dân phố Tam Quang vào 2/9 Khánh thành Nhà văn hóa tặng đồng bào Lô Lô Hà Nội nâng cao hiệu quả hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao |
Nhiều bất cập trong vận hành, quản lý nhà văn hóa
Sáng 28/7, HĐND quận Nam Từ Liêm đã tổ chức buổi tiếp xúc cử tri chuyên đề về quản lý, khai thác trung tâm văn hóa thể thao phường, điểm sinh hoạt văn hóa động đồng các tổ dân phố (TDP) trên địa bàn.
Theo báo cáo của UBND quận Nam Từ Liêm, trên địa bàn quận hiện có 8 trung tâm văn hóa phường, trong đó đã được bàn giao và đang sử dụng 7 công trình ở các phường Phú Đô, Trung Văn, Tây Mỗ, Phương Canh, Mỹ Đình 1, Mỹ Đình 2, Cầu Diễn. Hiện, hai phường Xuân Phương và Mễ Trì chưa được đầu tư xây dựng do vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng.
Ngoài ra, quận cũng có 72 nhà văn hóa của 85 TDP; 30 điểm sinh hoạt cộng đồng của 30 TDP. Hiện tại, quận còn 24 TDP chưa có nhà văn hóa, nhiều khu dân cư phải sinh hoạt ghép với TDP lân cận.
Lãnh đạo HĐND quận Nam Từ Liêm chủ trì buổi tiếp xúc cử tri |
Ông Nguyễn Tiến Thành, Phó Chủ tịch HĐND quận Nam Từ Liêm cho hay, bằng nhiều hình thức, thông qua các thiết chế văn hóa, quận đã tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, nhất là quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống văn hóa, thể thao cơ sở của Chính phủ; Quy hoạch phát triển văn hóa thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; Chương trình số 4 của Quận ủy; Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng Nông thôn mới, đô thị văn minh”... từ đó góp phần nâng cao đời sống tinh thần của người dân trên địa bàn.
Theo báo cáo của quận, sau khi có hướng dẫn của Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, 7/7 phường có Trung tâm Văn hóa - Thể thao đã ban hành quyết định thành lập Ban Chủ nhiệm do công chức văn hóa - xã hội làm Chủ nhiệm; 10/10 phường có Ban Chủ nhiệm Nhà văn hóa TDP do Trưởng ban Công tác Mặt trận TDP làm Chủ nhiệm. Tuy vậy, đa số họ chưa có trình độ chuyên môn nghiệp vụ về văn hóa, thể thao; Chế độ bồi dưỡng, thù lao cho người quản lý cũng không có, dẫn đến nhà văn hóa hoạt động theo phương châm tự quản, tự trang trải kinh phí…
Cần quan tâm đến mô hình nhà văn hóa ở khu chung cư
Tại buổi làm việc, rất nhiều ý kiến của cử tri về vấn đề làm sao vận hành, quản lý nhà văn hóa hiệu quả đã được nêu ra. Ông Nguyễn Đức Tuấn ở TDP 6, phường Tây Mỗ cho biết: TDP 6 có 3 tòa nhà chung cư CT1, CT2, CT3 nhưng hiện không có nhà văn hóa mà phải sinh hoạt “nhờ” tại phòng sinh hoạt cộng đồng của tòa CT1. Đây là “tài sản riêng" của cư dân CT1 nên họ yêu cầu TDP phải đóng góp cơ sở vật chất để cùng sử dụng.
Theo ông Tuấn, trong khi có nơi nhà văn hóa được xây dựng nhiều tỷ đồng, được hỗ trợ trang thiết bị thì TDP ở chung cư lại rất thiệt thòi.
“Tôi đề nghị HĐND quận có cơ chế hỗ trợ kinh phí mua sắm loa đài, bàn ghế cho những TDP ở khu chung cư; Có cơ chế hỗ trợ hàng năm bằng hiện vật hoặc bằng tiền cho mô hình nhà văn hóa ở khu chung cư”, ông Tuấn nói.
Ông Nguyễn Đức Tuấn ở TDP 6, phường Tây Mỗ |
Bày tỏ những bất cập trong quản lý nhà văn hóa, ông Hà Văn Tuấn, Bí thư chi bộ TDP Giao Quang, phường Đại Mỗ cho biết, TDP Giao Quang có 340 hộ với 1.300 nhân khẩu, được chia thành 3 khu dân cư. Nhà văn hóa ở đây trung bình tổ chức 80 sự kiện mỗi năm bao gồm tổ chức hội nghị, các hoạt động đoàn thể, câu lạc bộ văn nghệ…
Tuy nhiên bất cập hiện nay là nguồn ngân sách cấp cho việc quản lý nhà văn hóa của TDP hoàn toàn không có. Ban Chủ nhiệm phải duy trì hoạt động một cách tự nguyện. Hơn nữa, trên thực tế, trong quá trình vận hành nhà văn hóa lại phát sinh nhiều loại kinh phí như điện, nước, vệ sinh môi trường, sửa chữa trang thiết bị hỏng hóc. Đây là một trong những khó khăn trong công tác khai thác, quản lý và sử dụng nhà văn hóa của TDP.
“Để khai thác hết công năng của nhà văn hóa, tôi đề nghị phải đầu tư trang thiết bị như trang âm, bàn ghế, dụng cụ; Đồng thời bố trí người làm công tác bảo đảm an ninh trật tự, bảo vệ tài sản, trang thiết bị tại đây", ông Tuấn kiến nghị.
Cần có hướng dẫn quy chế, mô hình hoạt động
Theo lãnh đạo quận Nam Từ Liêm, việc tổ chức hoạt động của Trung tâm Văn hóa - Thể thao phường thực hiện theo quy định tại Thông tư số 12/2010/TT- BVHTTDL ngày 22/12/2010 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) quy định mẫu về tổ chức, hoạt động và tiêu chí của Trung tâm Văn hóa - Thể thao xã.
Tuy nhiên, đây chỉ là quy định mẫu, trong khi TP Hà Nội vẫn chưa xác định mô hình hoạt động cụ thể phù hợp với thành phố Hà Nội. Việc tổ chức hoạt động và quản lý Trung tâm Văn hóa - Thể thao phường gặp nhiều khó khăn, hiệu quả hoạt động thấp.
Các cử tri đề xuất các giải pháp để nâng cao hiệu quả hoạt động của nhà văn hóa tổ dân phố |
Bên cạnh đó, đối với mô hình nhà văn hóa tổ dân phố, Bộ VHTT&DL còn chưa ban hành quy chế quản lý tổ chức và hoạt động. Ngày 29/7/2019, Sở VH&TT Hà Nội đã có hướng dẫn thực hiện công tác quản lý và tổ chức hoạt động đối với nhà văn hóa TDP nhưng đó chỉ là văn bản hành chính thông thường, không phải văn bản quy phạm pháp luật. Do đó, tính pháp lý không cao, hướng dẫn còn chung chung, không cụ thể, không sát với thực tế.
Thời gian tới, quận Nam Từ Liêm sẽ tăng cường hướng dẫn nghiệp vụ, kiểm tra, giám sát việc sử dụng các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở; Kịp thời phát hiện và nhân rộng mô hình mới, cách làm hay, hiệu quả, đồng thời chấn chỉnh, khắc phục hạn chế, nhằm nâng chất lượng hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hóa cơ sở.
“Quan trọng hơn là cần đưa mục tiêu xây dựng nâng cao hiệu quả hoạt động của thiết chế văn hóa, thể thao ở cơ sở vào nghị quyết của các cấp ủy Đảng, kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội của chính quyền cơ sở nhằm tập trung nguồn lực, tăng cường công tác chỉ đạo triển khai thực hiện", Phó Chủ tịch HĐND quận Nam Từ Liêm nói.