Thanh Hóa: Nhức nhối tình trạng xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp
“Biệt phủ” trên đất nông nghiệp
Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thanh Hóa về việc kết quả rà soát các tổ chức, cá nhân xây dựng công trình trái phép trên đất nông nghiệp, hiện trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa để xảy ra 11.374 vụ vi phạm xây dựng các công trình (nhà ở, nhà xưởng, nhà kho, trang trại....) trái phép trên diện tích 154,583 ha đất nông nghiệp nhưng chưa được xử lý, giải quyết dứt điểm (9.763 hộ gia đình, cá nhân xây dựng công trình trái phép trên diện tích 124,121 ha đất; 94 tổ chức vi phạm xây dựng công trình trái phép trên 7,529 ha đất và 1.517 các tổ chức, cá nhân, xây dựng công trình trái phép trên diện tích 22,933 ha đất nông nghiệp đã giao cho các Công ty nông, lâm nghiệp, các Ban quản lý rừng phòng hộ).
Nhiều trang trại nông nghiệp tại phường Phú Sơn (Thị xã Bỉm Sơn, tỉnh Thanh Hóa) được "hô biến" thành khu sinh thái, nghỉ dưỡng |
Để xảy ra tình trạng trên, theo UBND tỉnh Thanh Hóa là do công tác quản lý đất đai, xây dựng ở một số địa phương, đơn vị còn yếu, thiếu quyết liệt trong xử lý những vi phạm.
Phường Phú Sơn (Thị xã Bỉm Sơn, tỉnh Thanh Hóa) hiện đang là một trong những điểm nóng về vi phạm xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp. Theo kết quả rà soát của UBND phường Phú Sơn đối với các trường hợp vi phạm trên địa bàn phường (không thuộc phạm vi đất của các công ty nông, lâm nghiệp, các ban quản lý rừng phòng hộ quản lý), trên địa bàn phường có đến 20 trường hợp xây dựng công trình trên đất nông nghiệp. Trong đó, có 12 trường hợp có công trình xây dựng trên đất nông nghiệp trước ngày 1/7/2004 không có hồ sơ lưu trữ trong việc xử lý vi phạm các công trình xây dựng trên đất và 8 trường hợp có công trình xây dựng trên đất nông nghiệp trước ngày 1/7/2014, UBND phường đã chỉ đạo lập biên bản vi phạm và xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền.
Không chỉ tồn tại những công trình vi phạm trước năm 2014, mới đây, theo phản ánh của người dân phường Phú Sơn, tại khu xứ Đầm của phường đang có 3 trang trại rộng hàng nghìn m2 xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp. Các khu trang trại này được xây tường gạch bao. Bên trong xuất hiện các công trình kiên cố như biệt thự nhà mái thái, hồ bơi, nhà chòi, sân, khu tiểu cảnh. Các trang trại này đã tồn tại nhiều năm nay và xây dựng bề thế như những khu “biệt phủ” nhưng chưa bị xử lý. Các trang trại gồm: hộ gia đình bà Hứa Thị Gấm, Phạm Thị Thành và Phạm Thị Hoài Thanh.
Trang trại nông nghiệp nhưng có nhà biệt thự, hồ bơi (?!) |
Đại diện phường Phú Sơn cho biết, khu đất nông nghiệp của các hộ dân ở đây đã được chuyển đổi cơ cấu sản xuất từ trồng cây ngắn ngày sang sản xuất mô hình gia trại, trang trại, kết hợp giữa trồng trọt và chăn nuôi. Ban đầu các hộ xây dựng chuồng trại để chăn nuôi nhưng trong quá trình sản xuất phải trông coi tài sản nên đã chuyển từ 1 đến 2 ô chuồng thành nhà trông coi và kho chứa nông sản phân bón, kho đựng thức ăn gia súc, gia cầm. Các hộ dân chỉ được phép xây công trình tạm.
Tuy nhiên trên thực tế. xuất hiện rất nhiều công trình kiên cố, có đổ bê tông trên khu đất nông nghiệp này. Việc các hộ dân tại đây xây dựng cả sân vườn, nhà biệt thự, hồ câu, bể bơi… giống như một khu sinh thái, nghỉ dưỡng chứ không phải trang trại nông nghiệp.
Ông Dương Văn Đông, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường Thị xã Bỉm Sơn, cho biết: “Khu vực trang trại này nằm trong danh sách công trình phải tháo dỡ, UBND thị xã cũng đã có chỉ đạo xã, phường tháo dỡ những công trình vi phạm sau năm 2014. Hiện nay, các công trình nêu trên chưa tháo dỡ thì trách nhiệm thuộc về xã, phường. UBND thị xã Bỉm Sơn sẽ tiếp tục chỉ đạo xử lý vi phạm”.
Xem xét trách nhiệm cá nhân, tập thể không xử lý vi phạm
Để chấn chỉnh, khắc phục và giải quyết đồng bộ, toàn diện, dứt điểm những vi phạm xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh thời gian qua, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã có văn bản chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Thanh tra tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục quán triệt, tổ chức thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các chỉ thị của Chủ tịch UBND tỉnh về tăng cường công tác quản lý quy hoạch xây dựng, quản lý trật tự xây dựng; chấn chỉnh, tăng cường công tác quản lý Nhà nước về đất đai trên địa bàn tỉnh và các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh.
Đối với 3.080 trường hợp đã xây dựng công trình trái phép trên đất nông nghiệp sau ngày 1/7/2014 thuộc đối tượng vi phạm theo quy định tại Điều 64, Luật đất đai năm 2013; giao Chủ tịch UBND cấp huyện chỉ đạo, rà soát thời hiệu của từng trường hợp vi phạm, làm cơ sở lập hồ sơ xử lý nghiêm.
Trường hợp, hành vi, đối tượng vi phạm đã hết thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính; yêu cầu Chủ tịch UBND cấp huyện chỉ đạo Chủ tịch UBND cấp xã thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả, tháo dỡ công trình vi phạm theo đúng quy định của pháp luật.
Vi phạm trên đất nông nghiệp tại các khu trang trại phường Phú Sơn vẫn chưa được xử lý |
Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cũng yêu cầu Giám đốc các Sở: Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và PTNT, Xây dựng; Chủ tịch UBND cấp huyện; Giám đốc các Công ty nông, lâm nghiệp; Giám đốc các Ban quản lý rừng phòng hộ có các vi phạm nêu trên tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân có liên quan thực hiện chưa nghiêm túc, đầy đủ trách nhiệm quản lý Nhà nước về đất đai, xây dựng, quản lý, sử dụng đất thiếu chặt chẽ, để các công trình xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp nhưng chậm phát hiện hoặc phát hiện nhưng biện pháp xử lý không nghiêm, chưa dứt điểm.
Chỉ đạo là thế nhưng những công trình vi phạm tại 3 khu trang trại ở Phường Phú Sơn vẫn tồn tại suốt nhiều năm nay nhưng không hề bị xử lý.
UBND Thị xã Bỉm Sơn mới đây cũng đã có “tối hậu thư” yêu cầu tập trung xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm xây dựng các công trình trái phép trên đất nông nghiệp. Theo đó, đối với trường hợp đã xây dựng công trình trái phép trên đất nông nghiệp sau ngày 1/7/2014, Chủ tịch UBND các xã, phường thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả, tháo dỡ công trình vi phạm theo đúng quy định pháp luật; Báo cáo kết quả xử lý từng trường hợp cụ thể và hổ sơ xử lý vi phạm về UBND thị xã trước ngày 15/10/2022.
Phòng Tài nguyên và Môi trường thị xã được giao chủ trì, phối hợp với Đội kiểm tra quy tắc và trật tự đô thị hướng dẫn, đôn đốc UBND phường tổ chức thực hiện; Tham mưu UBND thị xã xem xét kiểm điểm trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân liên quan nếu chậm xử lý vi phạm, hoặc không xử lý dứt điểm.