Nhà xưởng xây dựng trái phép tràn lan tại xã Song Phương, huyện Hoài Đức
Huyện Thanh Trì: Cưỡng chế chợ xe ô tô, sân bóng xây dựng trên đất nông nghiệp |
Theo phản ánh của người dân địa phương đến báo Tuổi trẻ Thủ đô, tại khu Cửa Cầu, xã Song Phương trước kia là khu đất được huyện Hoài Đức quy hoạch trồng rau xanh, đất nông nghiệp. Thời gian gần đây, có một số đối tượng tại địa phương, xây dựng nhà xưởng với quy mô lên đến hàng nghìn m2 để cho thuê.
Cụ thể, tại khu Đầm Vực, hàng loạt nhà xưởng cũng được xây dựng trên đất nông nghiệp với tổng diện tích khoảng 6.000m2; khu vực Trại Gần thuộc thôn 1 xã Song Phương cũng có dãy nhà xưởng đang được xây dựng trên diện tích ướ tính rộng hơn 10.000m2...
Nhiều nhà xưởng được xây dựng kiên cố trên đất nông nghiệp tại địa bàn xã Song Phương nhưng không bị xử lý. |
Các trường hợp điển hình như xưởng sản xuất bánh kẹo của ông Nguyễn Hữu Vi ở khu Đầm Vực xây dựng trên đất nông nghiệp với tổng diện tích là 6.000m2. Vi phạm này đã bị cưỡng chế vào hồi tháng 4/2020 nhưng đến cuối tháng 7 tiếp tục hoạt động trở lại, không bị chính quyền sở tại và cơ quan chức năng ngăn chặn, xử lý.
Tiếp đến là dãy nhà xưởng dựng trên diện tích rộng hơn 10.000m2 của ông Nguyễn Văn Hiền tại khu vực Trại Gần thuộc thôn 1 xã Song Phương.
Ngoài ra, cũng trên địa bàn xã còn nhiều trường hợp khác như nhà hàng bún, miến lươn của ông Nguyễn Tiến Hướng ngang nhiên xây dựng tường rồi lợp tôn lạnh để kinh doanh ngay mặt đường 422 (gần trường Hoài Đức C) với nguồn gốc đất là đất ruộng phân cho thương binh.
Nhà ông Nguyễn Hoành Được nằm trên trục đường 422, tổng diện tích vi phạm là 800m2 xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp...
Trụ sở Đảng ủy, HĐND, UBND xã Song Phương. |
Theo khảo sát của phóng viên, hiện nay, hàng chục nhà xưởng tại xã Song Phương, huyện Hoài Đức đã được xây dựng kiên cố bằng khung sắt, thép tiền chế, và đi vào hoạt động chủ yếu để làm nơi tập kết vật liệu xây dựng, máy móc cơ khí, cần cẩu, làm lò ấp và cho các đơn vị có nhu cầu thuê.
Để làm rõ vấn đề trên, phóng viên Báo Tuổi trẻ Thủ đô đã đặt lịch liên hệ với UBND xã Song Phương và được ông Đỗ Văn Toàn - Chủ tịch UBND xã cho biết đang đi học, sẽ xắp xếp lịch để trả lời báo. Thế nhưng trong suốt một khoảng thời gian dài không thấy vị này hồi âm.
Phóng viên tiếp tục đặt lịch làm việc với UBND huyện Hoài Đức nhưng một tháng trôi qua, lãnh đạo huyện Hoài Đức vẫn "im hơi lặng tiếng".
Vừa qua, Thành ủy Hà Nội đã ban hành thông báo, truyền đạt kết luận của Thường trực Thành ủy về báo cáo thực trạng, kết quả và giải pháp xử lý vi phạm lấn chiếm đất nông nghiệp, đất công trên địa bàn các quận, huyện, thị xã của thành phố Hà Nội. Thường trực Thành ủy Hà Nội giao Ban Cán sự đảng UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo UBND thành phố, cùng với việc nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến góp ý của Đảng đoàn HĐND thành phố Hà Nội, tiếp tục chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thực hiện quyết liệt, đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp, biện pháp xử lý, khắc phục các vi phạm đất đai đã được chỉ ra tại Báo cáo số 487/BC-BCS ngày 9/9/2019 của Ban Cán sự đảng UBND thành phố Hà Nội về thực trạng, kết quả và giải pháp xử lý vi phạm lấn chiếm đất nông nghiệp, đất công trên địa bàn các quận, huyện, thị xã. Chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND các quận, huyện, thị xã và các cơ quan, đơn vị liên quan, đặc biệt là các địa phương có tỷ lệ xử lý vi phạm đất đai còn thấp nâng cao hơn nữa hiệu quả tham mưu, năng lực quản lý nhà nước về đất đai, nhất là việc tăng cường công tác kiểm tra, xử lý các vi phạm kịp thời, dứt điểm; cần chủ động xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể của mỗi địa phương, đơn vị nhằm quyết liệt xử lý dứt điểm các vi phạm còn tồn tại, nhất là các vi phạm tồn tại từ trước năm 2014. Giao Ban Cán sự đảng UBND thành phố siết chặt kỷ luật, kỷ cương, xử lý trách nhiệm đội ngũ cán bộ, công chức được giao nhiệm vụ quản lý đất đai, trật tự xây dựng và trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền địa phương, cơ sở đối với việc phát hiện, xử lý các vi phạm trong lĩnh vực đất đai.... |