Quảng Xương, Thanh Hóa: Người dân “sống mòn” vì dự án treo 20 năm

Hai thập kỷ qua, người dân tại một số xã ở Quảng Xương (Thanh Hóa) sống ngoi ngóp trên chính đất của mình do không được cấp Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất (GCQSDĐ), không được xây dựng vì dự án khu du lịch Tiên Trang nhiều năm không triển khai.
Thanh Hóa: Phối hợp bắt giữ đối tượng truy nã nguy hiểm Thanh Hoá: Bắt đối tượng truy nã sau 12 năm lẩn trốn

20 năm vật vã với dự án treo

Những ngày vừa qua, ông Nguyễn Đức Tại, Chủ tịch UBND xã Quảng Thạch (huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa) liên tục phải tiếp công dân với phản ánh rằng họ không được xây dựng trên diện tích đất của ông cha để lại. Sự việc này khiến ông Tại vô cùng đau đầu, nhưng chính ông cũng không biết trả lời với Nhân dân như thế nào.

Người dân xã Quảng Thạch bức xúc do nhiều năm không được cấp GCNQSDĐ
Người dân xã Quảng Thạch bức xúc do nhiều năm không được cấp GCNQSDĐ

Ông Tại cho biết, một phần diện tích của xã Quảng Thạch nằm trong quy hoạch Dự án Khu đô thị biển Tiên Trang. Dự án này manh nha từ năm 2002 - thời điểm ông Tại còn chưa làm việc trong hệ thống chính quyền. Đến nay, đối với phần diện tích trên địa bàn xã Quảng Thạch, dự án chưa có quyết định thu hồi đất, chưa tiến hành đền bù và giải phóng mặt bằng.

Được biết, dự án Khu đô thị biển Tiên Trang được cấp giấy chứng nhận đầu tư vào năm 2008, dự án này cũng từng dính lùm xùm khi hơn chục năm chỉ mới có một số hạng mục được hoàn thiện và vài điểm kinh doanh, dịch vụ.

Trước thực trạng trên, năm 2016 và đầu năm 2017, UBND huyện Quảng Xương đã làm việc với Công ty SOTO là Chủ đầu tư dự án và có kết luận về việc chủ đầu tư triển khai dự án chậm tiến độ, ảnh hưởng lớn đến phát triển du lịch của địa phương; chưa đầu tư các hạng mục hạ tầng theo quy hoạch; chưa đầu tư hình thành các khu chức năng, nhà nghỉ… để phục vụ du lịch; các công trình để phục vụ khu du lịch hầu như không có gì.

Sở Tài nguyên và Môi trường Thanh Hóa cũng đã kiến nghị với UBND tỉnh yêu cầu Công ty SOTO tích cực trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, rà soát lại dự án, cả về quy mô, tiến độ và cam kết thời gian thực hiện. Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đồng ý điều chỉnh tiến độ thực hiện dự án đô thị du lịch sinh thái biển Tiên Trang.

Cty SoTo rào đường ra biển, khiến hàng trăm ngư dân bức xúc.
Công ty SoTo rào đường ra biển, khiến hàng trăm ngư dân bức xúc

Chính vì thế, hệ lụy là người dân tại xã Quảng Thạch không được cấp GCNQSDĐ, và không được xây dựng dù nhà cửa dột nát và nhân số trong gia đình mỗi lúc lại tăng thêm. Cực chẳng đã, các hộ dân vẫn âm thầm xây dựng trong sự “tạo điều kiện” của chính quyền.

Bà Nguyễn Thị Tâm (ở thôn Thạch Bắc, xã Quảng Thạch, huyện Quảng Xương) cho hay, mảnh đất của gia đình bà do ông cha để lại. Đến nay, chính quyền vẫn chưa cấp “sổ đỏ” cho gia đình bà Tâm. Mới đây, gia đình bà mới xây ngôi nhà 2 tầng. Trong quá trình xây dựng, bà không bị yêu cầu xin phép xây dựng, cũng không bị xử phạt. Ông Đinh Văn Nhạy, cũng ở Thạch Bắc, khẳng định lại một lần nữa, khu vực mà gia đình ông đang sinh sống thuộc đất ở nông thôn, chỉ cần miễn không xây dựng nhà quá 7 tầng hay vi phạm không gian về đất ở nông thôn, vẫn xây thoải mái.

Mỗi cá nhân lại áp dụng luật khác nhau?

Không may mắn như trường hợp của bà Nguyễn Thị Tâm và Đinh Văn Nhạy, một số hộ gia đình tại xã Quảng Thạch lại bị đối xử khá mạnh tay khi xây dựng trên đất của mình.

Ví như trường hợp gia đình ông Lê Văn Thịnh (thôn Thạch Bắc, Quảng Thạch). Vài tháng trước, gia đình ông Thịnh tiến hành xây dựng nhà, UBND huyện Quảng Xương cử cán bộ kiểm tra và xử phạt.

Cụ thể, theo Quyết định số 4098/QĐ-XPHC ngày 26/9/2022do Chủ tịch UBND huyện Quảng Xương Nguyễn Đức Thịnh ký, phạt ông Lê Văn Thịnh số tiền 80 triệu đồng vì các hành vi: Tổ chức thi công xây dựng công trình không có giấy phép xây dựng mà theo quy định phải có giấy phép xây dựng; Xây dựng không đúng quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị được duyệt”.

Công trình nhà ở của hộ ông
Công trình nhà ở của hộ ông Lê Văn Thịnh (thôn Thạch Bắc, Quảng Thạch)

Điều khiến ông Thịnh thắc mắc, mảnh đất gia đình mình đang sinh sống ổn định sinh sống hàng chục năm nay, được xác định là đất ở nông thôn, không có quyết định thu hồi. Không hiểu vì cớ gì huyện Quảng Xương lại ra Quyết định xử phạt, trong khi hàng loạt hộ gia đình liền kề cũng xây dựng tương tự như ông Thịnh lại không hề bị xử phạt gì?

“Chẳng nhẽ, pháp luật lại phân biệt đối xử với từng cá nhân khác nhau? Chẳng nhẽ, tôi lại bị áp dụng luật khác so với phần còn lại của xã hội?” – Ông Thịnh bức xúc cho biết.

Nợ phải trả của SOTO - chủ đầu từ dự án 45 hecta Khu đô thị biển Tiên Trang - tăng rất mạnh thời gian gần đây. Cụ thể, năm 2016, nợ phải trả SOTO ghi nhận ở mức 12,2 tỷ đồng, sau đó tăng lần lượt lên 37,9 tỷ đồng (năm 2017), 108,9 tỷ đồng (năm 2018). Cuối năm 2019, nợ phải trả của doanh nghiệp này đã tăng lên mức 197,2 tỷ đồng. Như vậy, nợ phải trả của SOTO đã tăng lên gấp 16 lần sau 3 năm. Trong khi đó, tính đến cuối năm 2019, vốn chủ sở hữu của SOTO là 84,9 tỷ đồng, chỉ gần bằng 1 nửa nợ phải trả.
PV
Phiên bản di động