Thanh Hóa: Khai mạc kỳ họp thứ 24, Hội đồng nhân dân tỉnh
Sáng 12/12, tại Thanh Hóa đã diễn ra kỳ họp thứ 24, HĐND tỉnh Thanh Hóa khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Đồng chí Lại Thế Nguyên, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa, chủ trì kỳ họp; Đồng chí Nguyễn Doãn Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa, dự và chỉ đạo.
Toàn cảnh kỳ họp. |
Phát biểu khai mạc kỳ họp, đồng chí Lại Thế Nguyên nêu rõ, kỳ họp thứ 24 HĐND tỉnh khóa XVIII là kỳ họp thường lệ cuối năm, sẽ xem xét các báo cáo của UBND tỉnh về kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh; các báo cáo về tài chính, ngân sách, đầu tư năm 2024 và kế hoạch năm 2025.
Để đảm bảo chất lượng nội dung các nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội, kế hoạch đầu tư công, thu chi ngân sách nhà nước của tỉnh năm 2025 được thông qua tại kỳ họp, đồng chí Lại Thế Nguyên đề nghị các đại biểu trên cơ sở nghiên cứu các báo cáo của UBND tỉnh và báo cáo thẩm tra của các Ban HĐND tỉnh tiến hành thảo luận, đánh giá khách quan, toàn diện, sát đúng những kết quả đạt được.
Các đại biểu tham gia kỳ họp. |
Những tồn tại, hạn chế, bất cập và nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan; nhận diện xu hướng, bối cảnh, điều kiện trong thời gian tới; qua đó đề xuất các giải pháp, biện pháp cụ thể, hiệu quả, khả thi để phấn đấu hoàn thành và hoàn thành cao nhất các chỉ tiêu, nhiệm vụ kế hoạch kinh tế - xã hội, tài chính, ngân sách, đầu tư công năm 2025 trên địa bàn tỉnh...
"Với trách nhiệm trước cử tri và nhân dân trong tỉnh, đề nghị các đại biểu HĐND phát huy dân chủ, tích cực tham gia thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, chất lượng, tham gia chất vấn đúng, trúng, sát các vấn đề cử tri và nhân dân quan tâm...", Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa nói.
Chủ tịch HĐND tỉnh Lại Thế Nguyên phát biểu khai mạc. |
Báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh năm 2024 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh năm 2025, đồng chí Nguyễn Văn Thi, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa, cho biết mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, song với tinh thần quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các cấp, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân, tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của tỉnh đã đạt được nhiều kết quả tích cực, hầu hết các lĩnh vực đạt kết quả cao hơn so với cùng kỳ, nhiều chỉ tiêu quan trọng vượt kế hoạch đề ra và nằm trong nhóm dẫn đầu cả nước.
Cụ thể, có 23/25 chỉ tiêu chủ yếu được HĐND tỉnh quyết nghị hoàn thành và vượt kế hoạch; tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2024 ước đạt 12,16%, vượt mục tiêu đề ra và đứng thứ 2 cả nước (chỉ sau tỉnh Bắc Giang tăng trưởng 13,85%).; sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản đạt kết quả khá toàn diện. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) năm 2024 ước tăng 19,25%, là động lực chính cho tăng trưởng của tỉnh; lĩnh vực dịch vụ tiếp tục phát triển, nhiều lĩnh vực tăng mạnh như: Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ, giá trị xuất khẩu, tổng thu du lịch, doanh thu vận tải...
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Văn Thi trình bày báo cáo tại kỳ hop. |
Thu ngân sách nhà nước ước đạt 54.341 tỷ đồng (vượt 52,8% dự toán, tăng 25,9% so với cùng kỳ), cao nhất từ trước đến nay, đứng đầu khu vực Bắc Trung Bộ và trong nhóm 10 địa phương có số thu cao nhất cả nước.
Hoạt động đối ngoại, xúc tiến đầu tư đạt kết quả tích cực; thu hút đầu tư gấp 1,3 lần về số dự án và 15,9% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ. Hoạt động đầu tư công được tập trung chỉ đạo quyết liệt, linh hoạt, hiệu quả; đến ngày 30/11/2024, giá trị giải ngân vốn đầu tư công do tỉnh quản lý đạt 10.300 tỷ đồng, bằng 71,3% kế hoạch, cao hơn 6,2% so với cùng kỳ...
Trong năm, công tác an sinh xã hội được đảm bảo, đời sống nhân dân ổn định. Cuộc vận động hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, hộ gia đình chính sách, hộ còn khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh và Cuộc vận động nhân dân hiến đất để đầu tư cải tạo, nâng cấp, chỉnh trang kết cấu hạ tầng được triển khai sâu rộng và đạt kết quả tích cực.
Ngoài những kết quả đạt được, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa cũng nêu lên những tồn tại, hạn chế như: Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp chưa nhiều. Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu có sản lượng thấp so với kế hoạch và giảm so với cùng kỳ. Số lượt khách du lịch tuy tăng mạnh, song tỉ trọng khách lưu trú thấp.
Chưa thu hút được nhiều dự án công nghệ cao; tiến độ của một số dự án đầu tư lớn, trọng điểm của tỉnh còn chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu. Công tác chỉ đạo tổ chức thực hiện kế hoạch đầu tư công của một số địa phương chưa sâu sát, quyết liệt. Tình trạng thiếu giáo viên, thiếu trang thiết bị vật tư y tế chưa được giải quyết dứt điểm...