Thái Nguyên - Bài 2: Dự kiến 25 khu đất “vàng” để đối ứng cho nhà đầu tư làm Đề án sông Cầu
Theo tìm hiểu của PV, Đề án xây dựng cấp bách hệ thống chống lũ, lụt sông Cầu kết hợp hoàn thiện hạ tầng đô thị hai bên bờ sông Cầu, tỉnh Thái Nguyên (Đề án sông Cầu) với 9 dự án thành phần có tổng mức đầu tư hơn 9.811 tỷ đồng được đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) – Hợp đồng BT.
Đề án sông Cầu hiện nay chỉ là những cột sắt, thép hoen gỉ |
Trong đó, vốn xây lắp của nhà đầu tư khoảng 7.000 tỷ đồng, vốn nhà nước tham gia thực hiện dự án (bồi thường giải phóng mặt bằng) là 5.611 tỷ đồng.
Trong đó 2.811 tỷ đồng để giải phóng mặt bằng dự án BT, còn lại là vốn để giải phóng mặt bằng dự án đối ứng cho dự án BT.
Đề án sông Cầu do Liên danh Công ty CP Tập đoàn Phúc Lộc - Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 8 (Cienco8) thực hiện dưới hình thức một mình diễn "3 vai”: Đơn vị đề xuất lập dự án - nhà đầu tư - đơn vị thi công.
Liên danh Công ty CP Tập đoàn Phúc Lộc - Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 8 (Cienco8) khi “một mình diễn 3 vai” vừa là đơn vị đề xuất lập dự án - nhà đầu tư - đơn vị thi công. |
Đề án này được khởi công vào ngày 25/12/2016 khi chưa có đánh giá tác động môi trường, chưa ký hợp đồng BT, chưa phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi (điều chỉnh).
Được biết, đến ngày 23/7/2018, UBND thành phố Thái Nguyên mới tổ chức hội nghị ký kết hợp đồng BT với liên danh nhà đầu tư (Tập đoàn Phúc Lộc - Cienco 8 –T&G và Công ty CP đầu tư phát triển Sông Cầu) đối với 03 dự án thành phần thuộc Đề án Cầu.
Trường Mần non 19/5 phường Hoàng Văn Thụ, diện tích 10.782m2 được khảo sát, khái toán giá trị sử dụng đất để trả cho dự án BT thuộc Đề án sông Cầu |
Theo điều tra của PV, để đối ứng các dự án BT thuộc Đề án sông Cầu, tỉnh Thái Nguyên đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn lập danh sách 25 khu đất dự kiến, khái toán giá trị sử dụng.
Có thể kể tên một số khu đất như: Rạp chiếu bóng tỉnh Thái Nguyên ở phường Trưnng Vương, diện tích 7.251m2; Trường Mần non 19/5 phường Hoàng Văn Thụ, diện tích 10.782m2; Sân vận động tỉnh Thái Nguyên phường Trưng Vương, diện tích 40.000m2; Khách sạn Trung Tín phường Đội Cấn, diện tích 4.800m2...
Sân vận động tỉnh Thái Nguyên phường Trưng Vương với diện tích 40.000m2 nằm ở vị trí đắc địa đối diện UBND TP Thái Nguyên |
Ngoài ra là một loạt các Khu đô thị, Khu dân cư và đất của một số trụ sở cơ quan nằm trên địa bàn TP Thái Nguyên. Duy nhất chỉ có 2 khu đất trong tổng số 25 khu đất nằm trên địa bàn huyện Đồng Hỷ.
Theo một số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản nhận định, các khu đất này đều nằm ở những vị trí cực kỳ đắc địa, giao thông thuận lợi và được ví như “đất vàng” và là niềm mơ ước của nhiều doanh nghiệp.
Rạp chiếu bóng tỉnh Thái Nguyên ở phường Trưnng Vương có diện tích 7.251m2 cũng nằm trong danh sách khảo sát, khái toán giá trị sử dụng |
Một doanh nghiệp BĐS nhận định, nếu mà Liên danh Công ty CP Tập đoàn Phúc Lộc - Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 8 được tỉnh Thái Nguyên đối ứng những khu đất như vậy khi làm Đề án sông Cầu thì chẳng khác nào “chuột sa chĩnh gạo”.
Như đã phản ánh, mặc dù được xác định mang tính “cấp bách” nhưng Đề án sông Cầu với tổng mức đầu tư hơn 9.800 tỷ đồng nhưng nhiều năm nay không triển khai xây dựng.
Những hạng mục đã được xây dựng hiện để cỏ dại mọc um tùm |
Hiện nay, nhiều hạng mục đã xây dựng hiện đang nằm phơi sương, tắm nắng, trụ sắt thép hoen gỉ khiến người dân rất xót xa, bức xúc.
Đáng nói hơn, với mức đầu tư “khủng” như vậy thì dự án này thuộc nhóm A và thẩm quyền phê duyệt là Thủ Tướng Chính Phủ.
Thế nhưng, UBND tỉnh Thái Nguyên cho biết sau nhiều lần tham vấn, xin ý kiến các Bộ, ngành Trung ương và xác định việc trình Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư đối với dự án này sử dụng nguồn ngân sách Trung ương là không khả thi(?)
Giới kinh doanh lĩnh vực BĐS nhận định Nhà đầu tư được trả những khu đất khi làm Đề án sông Cầu chẳng khác nào chuột sa chĩnh gạo |
Chính vì vậy, để chủ động sử dụng nguồn vốn của địa phương và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác thì UBND tỉnh Thái Nguyên đã trình HĐND tỉnh thông qua chủ trương đề xuất chuyển từ “Dự án sông Cầu” thành “Đề án sông Cầu”gồm 9 dự án nhóm B và đã được thông qua
Sau 4 năm thi công, cái mà người dân nhìn thấy chỉ là những bức tường bê tông nham nhở, dở dang, sắt, thép hoen gỉ theo thời gian.
Sau 4 năm thì Đề án sông Cầu chỉ mang lại nỗi sợ hãi cho người dân khi mùa mưa bão đang đến |
Nhiều người dân sống dọc bờ sông Cầu tỏ ra lo lắng nếu xảy ra lũ lụt thì sẽ vô cùng nguy hiểm vì bờ kè cũ đã bị phá dỡ, nhà đầu tư đã dừng không thi công nhiều năm nay.
Không những vậy, một số ý kiến còn nghi ngờ khi cho rằng có “lợi ích nhóm” nhằm trục lợi từ đề án này.
Tuổi trẻ và pháp luật sẽ tiếp tục thông tin.