Thái Nguyên: Hàng loạt khó khăn “bủa vây” nhà máy nghìn tỷ xử lý nước thải Gia Sàng
Dự án Hệ thống thoát nước và xử lý nước thải TP Thái Nguyên là một trong những công trình trọng điểm của tỉnh Thái Nguyên được thực hiện theo Nghị định thư Việt - Pháp 1998, sử dụng nguồn vốn ODA Cộng hòa Pháp và vốn đối ứng Việt Nam.
Nhà máy xử lý nước thải Gia Sàng, TP Thái Nguyên hiện vẫn chưa phát huy được hiệu quả đầu tư |
Dự án đã kết thúc vào tháng 12/2017 với 3 gói hạng mục chính là: Xây dựng nhà máy xử lý nước thải; xây dựng và hoàn chỉnh một phần hệ thống thoát nước mưa tại khu vực trung tâm phía Bắc TP. Thái Nguyên; xây dựng mới hệ thống thu gom nước thải từ các hộ dân.
Tuy nhiên, đến nay dự án này đang còn một số khó khăn, vướng mắc như: Hết thời hạn bố trí vốn để hoàn thành theo quy định của Luật Đầu tư công; dự án đã hết thời hạn giải ngân, nên không đảm bảo các quy định về bố trí và giải ngân vốn nước ngoài; dự án chưa được Thủ tướng Chính phủ và cơ quan có thẩm quyền của Chính phủ Pháp gia hạn thời hạn giải ngân để kết thúc Nghị định thư tài chính Việt - Pháp.
Lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên làm việc với Cơ quan Kinh tế Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam (ảnh: thainguyen.gov.vn) |
Tại buổi làm việc với Cơ quan Kinh tế Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam, ông Lê Quang Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên đề nghị Cơ quan Kinh tế Đại sứ quán Pháp cùng với các nhà thầu Pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện hồ sơ rút vốn theo đúng các quy định về giải ngân, rút vốn của Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Pháp để đảm bảo tiến độ giải ngân kế hoạch vốn nước ngoài được giao cho dự án năm 2020.
Đồng thời, hoàn thành đóng Nghị định thư Việt - Pháp theo đúng thời gian xin gia hạn thời hạn giải ngân của dự án; chính thức có công hàm gửi Chính phủ Việt Nam và Bộ Tài chính đẩy nhanh các thủ tục để gia hạn trong thời gian nhanh nhất.
Sau sự cố cháy 3 tủ điện đã khiến Nhà máy xử lý nước thải Gia Sàng bị "chết lâm sàng" |
Ông Hervé Ochsenbein, Tham tán Kinh tế, Trưởng đại diện Cơ quan Kinh tế Đại sứ quán Pháp đã nhất trí với các đề nghị của tỉnh Thái Nguyên và cho biết sẽ cùng với các nhà thầu Pháp triển khai hoàn thành các hồ sơ theo đúng các quy định của pháp luật Việt Nam.
Như đã thông tin, Dự án hệ thống thoát nước và xử lý nước thải TP Thái Nguyên được thực hiện theo Nghị định thư Việt Pháp năm 1998 và tỉnh Thái Nguyên phê duyệt thực hiện từ năm 2000, với tổng mức đầu tư là 231,62 tỷ đồng.
Người dân và dư luận đặt ra dấu hỏi về hiệu quả của Nhà máy xử lý nước thải Gia Sàng? |
Đến năm 2007, dự án này tiếp tục được phê duyệt điều chỉnh bổ sung với tổng mức đầu tư lên 579,90 tỷ đồng; và rồi, 5 năm sau, năm 2012, UBND tỉnh Thái Nguyên lại phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư tiếp tục tăng gấp đôi, lên đến gần 1.000 tỷ đồng (950,489 tỷ đồng).
Trong đó, vốn vay ODA của Cộng hòa Pháp trên 412 tỷ đồng, vốn đối ứng từ nguồn ngân sách Trung ương và địa phương là trên 530 tỷ đồng, được giao cho Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Thoát nước và Phát triển hạ tầng Thái Nguyên làm chủ đầu tư.
Dự án được thực hiện trong phạm vi khoảng 1.200 ha, trong địa phận 9 phường của khu trung tâm phía Bắc thành phố Thái Nguyên, với mục tiêu cải thiện vệ sinh môi trường, chống ngập úng cục bộ và thu gom, xử lý nước thải phục vụ cho khoảng 100.000 dân thuộc vùng dự án.
Công ty thoát nước và phát triển hạ tầng đô thị Thái Nguyên được giao làm chủ đầu tư dự án |
Từ đầu năm 2018, dự án thoát nước và xử lý nước thải thành phố Thái Nguyên chính thức hoạt động. Thế nhưng, từ cuối tháng 8/2019 Nhà máy xử lý nước thải Gia Sàng gặp sự cố do 3 tủ điện bị cháy khiến toàn bộ hệ thống khiến nhà máy phải tạm dựng hoạt động.
Mặc dù được xác định là dự án trọng điểm của tỉnh, song đến thời điểm hiện tại thì hiệu quả của dự án này vẫn là một dấu hỏi chưa có lời giải đáp.
Tuổi trẻ và Pháp luật sẽ tiếp tục thông tin.