Tết dâng hương nhớ cụ Huỳnh Thúc Kháng
8 tuổi đi học, 13 tuổi đã văn hay chữ tốt, 16 tuổi đi thi Hương, nổi tiếng ở Kinh đô Huế, sánh cùng Trần Quý Cáp, Phạm Liệu, được xếp vào hạng Tam hùng.
Năm 28 tuổi cụ đỗ Tiến sỹ nhưng không ham chức quyền, minh chứng là cụ Huỳnh đã bốn lần từ chối làm quan.
Cụ Huỳnh Thúc Kháng (Ảnh tư liệu) |
Nhà lãnh đạo của phong trào Duy Tân bị giặc Pháp bắt và đầy ra Côn Đảo. Vừa được trả về đất liền, cụ Huỳnh ứng cử vào Viện Dân biểu Trung kỳ năm ông 51 tuổi, sau hai năm ông từ chức.
Ngày 10/8/1927, Cụ Huỳnh sáng lập ra nhà in và báo Tiếng Dân cho đến năm 1943. Suốt thời gian này, cụ vừa làm chủ nhiệm nhà in, đồng thời là chủ bút tờ báo Tiếng Dân đặt tại Huế.
(Ảnh: Halo Việt Nam) |
Cụ Huỳnh được Chủ tịch Hồ Chí Minh mời ra tham gia nội các Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, giữ chức Bộ trưởng Bộ Nội vụ sau cách mạng tháng Tám 1945 thành công.
Năm 1946, khi Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa sang Pháp đàm phán, Huỳnh Thúc Kháng được Chủ tịch Hồ Chí Minh cử làm Quyền Chủ tịch nước. Thời gian này cụ còn là chủ tịch Hội Liên hiệp Quốc dân.
Nhà lưu niệm Cụ Huỳnh Thúc Kháng tại Quảng Nam (Ảnh: Halo Việt Nam) |
Đến cuối năm 1946, cụ là đặc phái viên của Chính phủ vào cơ quan Uỷ ban Kháng chiến hành chính Nam Trung Bộ tại Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi.
Tháng 3/1947, cụ Huỳnh Thúc Kháng lâm bịnh nặng và qua đời đúng vào ngày 21/4/1947 tại gia đình chị Võ Thị Tuyết (thôn Phú Bình, xã Hành Phong, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi).
Làm theo tâm nguyện của cụ, nhân dân đã đưa cụ lên an táng trên đỉnh núi Thiên Ấn. Nơi đây là đệ nhất thắng cảnh của Quảng Ngãi – “Thiên Ấn niên hà” (Ấn trời đóng xuống sông).
Hiện ngôi nhà của cụ Huỳnh Thúc Kháng vẫn còn như nguyên vẹn tại xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam được xếp vào di tích cấp Quốc gia. Nơi đây đã trở thành điểm tham quan của các tần lớp nhân dân, học sinh, sinh viên...