Tây Hồ “vượt khó” cùng huyện ngoại thành
Ngắm hoàng hôn Hồ Tây đẹp nao lòng Từ ao sen mang tinh hoa đến tách trà Chủ tịch UBND quận Tây Hồ đối thoại với thanh niên về khởi nghiệp sáng tạo và chuyển đổi số |
Đồng lòng, đồng hành
Ngày 1/8/2023, đánh dấu 15 năm kể từ ngày Thủ đô Hà Nội mở rộng địa giới hành chính theo Nghị quyết số 15/2008/NQ-QH12. Qua 15 năm thực hiện, đã có bước thay đổi lớn về diện mạo đô thị, nông thôn tại các huyện được sáp nhập vào Hà Nội…
Để đạt được những kết quả trên, ngoài sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Chính phủ, sự nỗ lực của lãnh đạo TP qua các thời kỳ thì không thể không kể đến những đóng góp, chung tay giúp sức của các quận đối với các huyện khó khăn.
Nói như vậy là bởi, theo thống kê của Văn phòng Điều phối nông thôn mới Hà Nội, từ năm 2021 đến nay, các quận của Hà Nội đã hỗ trợ các huyện hơn 444,5 tỷ đồng nâng cấp cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội. Trong đó, riêng quận Tây Hồ đã đóng góp hỗ trợ tới 210,8 tỷ đồng (gần 50% số lượng đóng góp của các quận khác - PV) cho 6 huyện gồm: Mỹ Đức, Sóc Sơn, Ứng Hòa, Mê Linh, Phú Xuyên và Phúc Thọ thực hiện mục tiêu xây dựng Nông thôn mới.
Tây Hồ bàn giao nhà Đại đoàn kết cho gia đình bà Đặng Thị Quầy (thôn An Mỹ, xã Thượng Vực, huyện Chương Mỹ) |
Mê Linh là một trong những địa phương nhận được sự hỗ trợ rất lớn của quận Tây Hồ trong việc đầu tư phát triển hạ tầng. Ông Nguyễn Văn Đường - Chủ tịch UBND xã Tiến Thắng, huyện Mê Linh chia sẻ, năm 2021, quận Tây Hồ hỗ trợ 50 tỷ đồng để huyện xây dựng trường Mầm non xã Tiến Thắng. Sau một thời gian thi công, công trình đã hoàn thành và đưa vào sử dụng trong sự vui mừng, phấn khởi của chính quyền và Nhân dân địa phương.
Đến nay, Mê Linh đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới và tiếp tục đầu tư xây dựng Nông thôn mới nâng cao, Nông thôn mới kiểu mẫu. Diện mạo nông thôn Mê Linh ngày càng khởi sắc với hệ thống hạ tầng khang trang, sạch đẹp; An sinh xã hội được bảo đảm; Văn hóa, giáo dục, y tế phát triển; An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; Đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng cao; Thu nhập bình quân ngày càng tăng. Huyện không còn hộ nghèo… Thành quả trên có sự đóng một phần nhỏ bé của Tây Hồ với mong muốn Mê Linh phát triển thành đô thị và hướng tới trở thành thành phố trong tương lai...
Gần đây nhất, ngày 25/7, huyện Ứng Hòa đã tổ chức cắt băng khánh thành và đưa vào sử dụng trường Tiểu học Tảo Dương Văn - công trình có quy mô 16 phòng học và đầy đủ các phòng chức năng với kinh phí 44,5 tỷ đồng do quận Tây Hồ hỗ trợ.
Công trình trường Tiểu học Tảo Dương Văn được khởi công xây dựng từ tháng 10/2021 với quy mô 16 phòng học cùng đầy đủ các phòng chức năng, kinh phí 44,5 tỷ đồng do quận Tây Hồ hỗ trợ |
Hiện tình hình kinh tế của Ứng Hoà tiếp tục tăng trưởng khá; Thu ngân sách hằng năm đều đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch; Thu nhập bình quân đầu người năm 2022 đạt 61,5 triệu đồng/người/năm; Văn hóa xã hội tiếp tục phát triển tiến bộ; An sinh xã hội được đảm bảo; Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được cải thiện; Công tác quốc phòng, quân sự địa phương được củng cố, tăng cường; An ninh trật tự, an toàn xã hội được giữ vững; 28/28 xã trên địa bàn đã được UBND TP Hà Nội công nhận xã đạt chuẩn Nông thôn mới; 6/28 xã được đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao. Thị trấn Vân Đình đạt chuẩn văn minh đô thị. Trên địa bàn huyện Ứng Hoà không có tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản trong xây dựng nông thôn mới.
Theo thống kê của quận Tây Hồ, trong giai đoạn từ năm 2011 - 2020, quận đã trích ngân sách gần 100 tỷ đồng để hỗ trợ các huyện như Quốc Oai, Ứng Hòa… phát triển hạ tầng xây dựng Nông thôn mới; Trong đó, huyện Quốc Oai là hơn 34 tỷ đồng, huyện Ứng Hòa là 35 tỷ đồng… |
Cánh tay nối dài...
Ông Nguyễn Đình Khuyến - Chủ tịch UBND quận Tây Hồ chia sẻ, thực hiện chỉ đạo của Thành ủy, UBND TP Hà Nội, trong những năm qua, dù nền kinh tế còn gặp không ít khó khăn, song với tinh thần tương thân tương ái, ở bất cứ hoàn cảnh nào, giai đoạn nào, quận Tây Hồ cũng luôn dành một nguồn ngân sách để hỗ trợ các địa phương gặp khó khăn trong việc đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội.
Được biết, không chỉ tập trung hỗ trợ các quận, huyện ngoại thành trong việc đầu tư phát triển hạ tầng, kinh tế - xã hội… quận Tây Hồ còn thể hiện vai trò tiên phong, đi đầu trong việc hỗ trợ các địa phương ngoài địa bàn Hà Nội. Đơn cử, trong các năm 2011, 2012, 2013 và năm 2019, quận Tây Hồ đã hỗ trợ 14,5 tỷ đồng cho huyện Lâm Hà (tỉnh Lâm Đồng) xây dựng đường giao thông liên thôn liên khu Thăng Long - Bạch Đằng và Công trình Di tích Thanh niên xung phong tiền trạm Hà Nội (hồ Ba Đình, thị trấn Nam Ban).
Gần đây nhất, UBND quận Tây Hồ và UBND thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk đã tổ chức ký kết trao đổi, hướng dẫn kỹ thuật, chia sẻ kinh nghiệm trồng, chăm sóc và liên kết phát triển ngành hàng hoa đào địa phương có lợi thế.
UBND quận Tây Hồ và UBND thị xã Buôn Hồ ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác |
Theo đó, UBND quận Tây Hồ chỉ đạo các đơn vị liên quan giới thiệu cung cấp giống cây hoa đào có chất lượng, kháng bệnh, thích ứng với khí hậu thời tiết cho nông dân, tổ hợp tác, hợp tác xã trồng hoa đào thị xã Buôn Hồ; Đồng thời, giới thiệu đơn vị cung cấp cây hoa đào phù hợp để trồng một số địa điểm công cộng nhằm xây dựng hình ảnh hoa đào Buôn Hồ - Tây Hồ…
“So với các quận, huyện, địa phương khác, đặc biệt là các huyện ngoại thành, Tây Hồ có những lợi thế nhất định trong việc phát triển kinh tế - xã hội… Do đó, thực hiện Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021 - 2025, quận Tây Hồ sẵng sàng đồng hành với các huyện, với Thủ đô và Đất nước trong việc phát triển kinh tế, đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới”, ông Nguyễn Đình Khuyến nhấn mạnh.