Tạo không gian đô thị hiện đại, mang tầm vóc mới
Hội Sách Hà Nội 2023: Lan tỏa văn hóa, tri thức từ trái tim Thủ đô Bảo đảm an toàn không gian mạng và tăng cường kỹ năng số cho công dân ASEAN Phố cổ Hà Nội rực rỡ sắc màu chuẩn bị đón Trung thu |
Diện mạo Thủ đô ngày càng hiện đại, năng động
Thời gian qua, việc cải tạo, chỉnh trang, tái thiết đô thị gắn với bảo tồn, phát huy giá trị không gian lịch sử văn hóa, truyền thống tại khu vực nội đô lịch sử là vấn đề được đặt ra trong nhiều chính sách, giải pháp của chính quyền các cấp tại Hà Nội.
Đồng chí Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình số 03-CTr/TU của Thành ủy phát biểu tại hội nghị giao ban quý II/2023 |
Điển hình, Chương trình 03-CTr/TU về “Chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị thành phố Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025” đã cho thấy quyết tâm của thành phố trong phát triển nhanh và bền vững Thủ đô theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh, hiện đại; Đồng thời, giải quyết những vấn đề, thách thức đặt ra trong quá trình phát triển đô thị tại Hà Nội.
Sau hơn 2 năm triển khai, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, quyết liệt của cấp ủy, chính quyền từ thành phố đến cơ sở, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và Nhân dân, Chương trình số 03-CTr/TU đã đạt kết quả tích cực.
Đến nay, 4/19 chỉ tiêu của Chương trình đã hoàn thành, cơ bản hoàn thành gồm: Hoàn thành xây dựng 2 - 3 siêu thị, trung tâm thương mại lớn; Phát triển, mở rộng 3 - 5 khu vực thành không gian, tuyến phố đi bộ; Đầu tư xây dựng 20 tuyến đường giao thông hạ tầng khung tại các huyện thuộc đề án lên quận; Triển khai đầu tư xây dựng tháp trung tâm tài chính.
Trong đó, 2 trung tâm thương mại đã hoàn thành, đưa vào sử dụng gồm: Trung tâm thương mại Vin Ocean Park tại huyện Gia Lâm, trung tâm thương mại Vinsmart City tại quận Nam Từ Liêm. 4 không gian, tuyến phố đi bộ hoàn thành, đưa vào sử dụng gồm: Không gian đi bộ Khu đô thị Nam đường vành đai 3 - Bitexco; Không gian đi bộ xung quanh Thành cổ Sơn Tây; Không gian đi bộ - văn hóa khu vực phố Trần Nhân Tông và phụ cận; Khu phố ẩm thực đêm Đảo Ngọc - Ngũ Xá...
Công tác chỉnh trang đô thị được thành phố quan tâm chỉ đạo sát sao, đẩy mạnh thực hiện. UBND thành phố đã ban hành đề án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn thành phố và 6 kế hoạch triển khai thực hiện đề án; Tổ chức rà soát, đôn đốc, hướng dẫn các nhà đầu tư của 11 dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ đang triển khai; Đã có 2 dự án hoàn thành, chuẩn bị đưa vào vận hành, khai thác.
Thành phố cũng tổ chức rà soát, kiểm tra và lựa chọn được 32 biệt thự cũ do thành phố quản lý và 15 công trình kiến trúc có giá trị xây dựng trước năm 1954 để đưa vào danh mục chỉnh trang, bảo tồn. Từ năm 2021 đến nay, các đơn vị đã thực hiện xong việc bảo tồn, chỉnh trang 12 biệt thự cũ và 7 công trình kiến trúc khác...
Phát triển đô thị hướng tới đô thị xanh, thông minh, hiện đại, thành phố tiếp tục đôn đốc tiến độ triển khai thực hiện các dự án Khu đô thị mới Tây Mỗ - Đại Mỗ (quận Nam Từ Liêm); Thành phố thông minh, Khu đô thị mới Đông Anh theo hướng đô thị thông minh. Đồng thời, thành phố triển khai thực hiện các chỉ tiêu, chương trình phát triển nhà ở. Đến hết năm 2022, diện tích nhà ở bình quân toàn thành phố đạt 27,6m2/người; Tổng diện tích sàn nhà ở phát triển theo dự án mới đạt gần 1,8 triệu mét vuông sàn nhà ở...
Mương Thái Hà sau khi được cải tạo, chỉnh trang lại đã trở thành đoạn đường đi bộ xanh, sạch, đẹp |
TS Đỗ Xuân Trọng, trường Đại học Luật Hà Nội đánh giá, trong những năm qua, Hà Nội luôn quan tâm phát triển các khu đô thị, nhà ở, tăng tỷ lệ diện tích nhà ở bình quân đầu người của thành phố, làm thay đổi, hình thành diện mạo Thủ đô ngày càng hiện đại, năng động.
Tháo gỡ những điểm nghẽn
Bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, việc chỉnh trang, tái thiết đô thị còn nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện do chưa xác định được mô hình, tiêu chí như: Mô hình đô thị thông minh, khu outlet; Chỉ tiêu về hạ ngầm hệ thống cáp điện lực, thông tin cũng gặp khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện do vấn đề bố trí nguồn vốn...
TS Đỗ Xuân Trọng nhận định, việc cải tạo, nâng cấp, chỉnh trang các khu chung cư cũ trong nội thành chậm và còn nhiều vướng mắc về cơ chế, chính sách; Năng lực của một số chủ đầu tư, nhà đầu tư, nhà thầu, tư vấn ở một số dự án còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu; Công tác rà soát, đánh giá, lập danh mục khu chung cư cũ, nhà cũ xuống cấp để công bố thu hút đầu tư còn rất chậm. Chẳng hạn như ở quận Đống Đa, Hoàn Kiếm là khu vực còn tồn tại nhiều khu dân cư cũ, cơ sở hạ tầng đang trên đà xuống cấp, quỹ đất hẹp nên rất thiếu các không gian công cộng, nhất là không gian văn hóa đáp ứng nhu cầu vui chơi và thể thao của người dân...
Đối với các công trình nhà cổ, biệt thự cũ và công trình kiến trúc có giá trị tại khu vực nội đô lịch sử thiếu cơ chế quản lý, mới chỉ tập trung vào các biện pháp để bảo tồn mà chưa có các giải pháp hữu hiệu để phát huy giá trị của các công trình thành nguồn lực phát triển.
TS Đỗ Xuân Trọng kiến nghị, trong Luật Thủ đô (sửa đổi) tới đây cần có những cơ chế đặc thù về cải tạo, chỉnh trang, tái thiết đô thị gắn với bảo tồn, phát huy giá trị nội đô và phát triển nhà ở xã hội để đáp ứng nhu cầu nhà ở cho người dân.
Đồng quan điểm, TS Nguyễn Thành Luân, trường Đại học Thủy Lợi cho rằng, theo quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, khu vực nội đô lịch sử có dân số tính toán là 800.000 người, tổng diện tích khoảng trên 3.800ha, với chỉ tiêu đất đô thị 100m2/người. Tuy nhiên, hiện nay chỉ tiêu này mới đạt được khoảng 45m2/người. Dân số nội đô lên tới hơn 1,3 triệu người. Tình trạng gia tăng dân số cũng dẫn đến mất cân bằng về giao thông, hạ tầng kỹ thuật, xã hội.
Thực tế cũng cho thấy, cùng với quá trình thực hiện một số dự án cải tạo, mở rộng hai bên tuyến đường đi qua 4 quận trung tâm như đường Vành đai 1, Vành đai 2... nhiều công trình nhà ở mọc lên mà không có sự thống nhất trong tổ chức không gian, khoảng lùi, kiến trúc, sử dụng vật liệu, trang trí mặt ngoài... làm mất mỹ quan đô thị. Việc cải tạo, chỉnh trang đô thị theo hướng phát triển kiến trúc cảnh quan xanh, văn minh, hiện đại cũng chưa đạt yêu cầu.
Vườn hoa Con Cóc, quận Hoàn Kiếm sau khi được cải tạo, chỉnh trang |
Theo TS Nguyễn Thành Luân, để tạo sự chủ động, linh hoạt cho thành phố Hà Nội trong việc quản lý không gian, kiến trúc, cảnh quan và xây dựng đô thị, trên cơ sở kế thừa quy định tại Điều 10 Luật Thủ đô năm 2012, khoản 3 Điều 22 Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) phân quyền mạnh hơn cho thành phố Hà Nội so với Luật Kiến trúc. Theo đó, UBND thành phố được chủ động trong việc xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn, biện pháp quản lý không gian đô thị, không gian ngầm, kiến trúc, cảnh quan, vùng di sản đối với khu vực nội đô lịch sử, khai thác cảnh quan sông Hồng và các trục cảnh quan: Hồ Tây - Ba Vì, Nhật Tân - Nội Bài, Ba Sao - Tam Chúc, Bắc - Nam; Các nguyên tắc và điều kiện xây dựng riêng trong khu vực nội đô lịch sử và các đô thị của Hà Nội về giảm phát thải, bảo vệ môi trường. Đồng thời với việc phân cấp, phân quyền, dự thảo Luật bổ sung các quy định nhằm tăng cường trách nhiệm của các cơ quan và tăng cường kiểm tra, giám sát trong quá trình thực thi các quy định...
Để nâng cao hơn nữa hoạt động cải tạo, chỉnh trang, tái thiết đô thị thông qua xu hướng xây dựng lại chung cư cũ, nhà ở cũ, chỉnh trang phố cổ, phố cũ, TS Đỗ Xuân Trọng kiến nghị, trong thời gian tới, cần tiến hành khảo sát, lấy ý kiến người dân ở các khu chung cư cũ, nhà ở cũ, xuống cấp về phương án thiết kế, chính sách di dân và các vấn đề liên quan đến bồi thường, hỗ trợ; Qua đó, vừa tạo tâm lý sẵn sàng cho người dân vừa có thể tham khảo ý kiến người dân ở khu vực này.
“Thành phố nên tạo cơ chế để người dân sở hữu chung cư cũ, nhà ở cũ được góp vốn cùng nhà đầu tư để cải tạo chung cư cũ, nhà ở cũ. Sau đó, người dân sẽ có những ưu đãi nhất định trong việc chọn căn, chọn tầng tuỳ theo tỷ lệ vốn góp. Người dân có thể tham gia giám sát cộng đồng đối với dự án, đảm bảo thực hiện theo đúng tiến độ, thiết kế đã được thông qua. Đối với nhà đầu tư cần được Nhà nước hỗ trợ nguồn vốn ưu đãi, hỗ trợ giải phóng mặt bằng. Đối với các hộ nhất định không chịu di dời, chính quyền sẽ có biện pháp cưỡng chế để đảm bảo tiến độ dự án”, TS Đỗ Xuân Trọng nhấn mạnh.
Cải tạo, chỉnh trang, tái thiết đô thị là một nội dung rất cần thiết, cấp bách nhưng cũng là một trong những nội dung khó. Vì vậy, thành phố cần có các giải pháp để khuyến khích người dân cùng các cấp, ngành tham gia vào công tác bảo tồn, chỉnh trang và tái thiết đô thị, góp phần xây dựng Thủ đô ngày càng khang trang, hiện đại.
Tại Hội nghị giao ban sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ trọng tâm đến cuối năm 2023, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình số 03-CTr/TU của Thành ủy Nguyễn Ngọc Tuấn đề nghị ban quản lý các dự án thành phố và các quận, huyện, thị xã rà soát các công trình, dự án để nỗ lực hoàn thành theo kế hoạch.
Về một số chỉ tiêu như xử lý nước thải, vận tải hành khách công cộng, hạ ngầm dây cáp điện, cải tạo các chợ… đồng chí Nguyễn Ngọc Tuấn đề nghị các Sở, ngành đề xuất giải pháp về vốn, cơ chế, chính sách để triển khai sớm, trong đó cần vận dụng các sáng kiến, cách làm hay của các đơn vị như Tây Hồ, Hoàn Kiếm…
Đối với việc cải tạo chung cư cũ còn có vướng mắc, đồng chí Nguyễn Ngọc Tuấn đề nghị các đơn vị liên quan đề xuất các giải pháp, cả về cơ chế hỗ trợ, nhằm thúc đẩy nhanh hoàn thành các hạng mục.
Quyết tâm hoàn thành các chỉ tiêu ở mức cao nhất, đồng chí Nguyễn Ngọc Tuấn đề nghị thành viên Ban Chỉ đạo, các quận, huyện, thị xã, sở, ngành tập trung rà soát nhiệm vụ, lan tỏa đến cơ sở với mục tiêu cuối cùng “tạo được sản phẩm, mang giá trị đặc trưng của từng địa bàn”.