Tạo chuyển biến trong giáo dục đại học và nghề nghiệp

Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng cần có sự chuyển biến trong giáo dục đại học và nghề nghiệp.
Sẽ ban hành chuẩn chương trình các ngành thuộc giáo dục đại học vào năm 2023 0,33% GDP đầu tư cho giáo dục đại học: Thấp nhất thế giới Kiểm định chất lượng giáo dục đại học ‘bao đậu’? Đóng cửa các cơ sở giáo dục đại học kém chất lượng kéo dài Gỡ nhiều nút thắt cho đại học Việt Nam mạnh lên

Phát triển con người đổi mới, sáng tạo

Đại biểu Phạm Tất Thắng (đoàn Vĩnh Long) nêu quan điểm: Nguồn lực con người - nguồn lực quý nhất, là một trong 3 đột phá chiến lược song chưa được chăm chút đúng mức và phát huy hết vai trò. Vì vậy, trong các giải pháp phát triển kinh tế, xã hội năm 2021 và giai đoạn tới, cần triển khai đồng bộ trong toàn hệ thống việc chuyển giáo dục sang tiếp cận năng lực nhằm xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện về phẩm chất và năng lực.

Theo đại biểu Thắng, giai đoạn này cần xác định mục tiêu của giáo dục đào tạo là: Khắc phục cơ bản những hạn chế trong giáo dục; Phấn đấu đến năm 2025, chất lượng giáo dục trong toàn hệ thống, đặc biệt ở giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học có chuyển biến tích cực theo hướng phát triển con người đổi mới, sáng tạo; Đóng góp có hiệu quả vào việc phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao ở mọi lĩnh vực; Tạo tiền đề để Việt Nam cơ bản trở thành quốc gia có nền giáo dục tiên tiến, sáng tạo và dân chủ vào năm 2030.

Đại biểu Đoàn Văn Cường
Đại biểu Đoàn Văn Cường

Đại biểu Phạm Tất Thắng cũng đề xuất tổ chức thực hiện có hiệu lực, hiệu quả Luật Giáo dục sửa đổi, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học và Luật Giáo dục nghề nghiệp; Đẩy mạnh dân chủ trong các trường phổ thông và phát huy tự chủ đại học; Nâng cao chất lượng nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, đáp ứng các yêu cầu đổi mới chương trình giáo dục, phương pháp giảng dạy và ứng dụng công nghệ giáo dục ở các cấp học và trình độ đào tạo; Phát triển thị trường giáo dục trên nguyên tắc đảm bảo định hướng Xã hội chủ nghĩa, đối xử bình đẳng giữa trường công lập và ngoài công lập trong cung ứng dịch vụ giáo dục; Chú trọng phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng, trọng dụng nhân tài; Tiếp tục đổi mới công tác đánh giá và thi, bảo đảm khách quan, trung thực, công bằng và không gây ra áp lực với xã hội…

Đầu tư cho các trường đại học hàng đầu để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao

Đưa ra quan điểm về nâng cao chất lượng giáo dục đại học, đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) cho rằng cần phải ưu tiên vào nguồn nhân lực chất lượng cao để thúc đẩy đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp. “Chỉ có đổi mới sáng tạo mới có khả năng đặt chân vào các khâu có giá trị cao trong chuỗi giá trị để tăng năng suất lao động để tạo ra được mức tăng trưởng đột phá. Các trường đại học chính là nôi của nguồn nhân lực chất lượng cao để đổi mới và sáng tạo”, ông Cường nói.

Tuy nhiên, theo đại biểu Hoàng Văn Cường, hiện mức đầu tư cho giáo dục đại học của Việt Nam còn đang rất thấp, chỉ chiếm 0,33% GDP. Trong khi đó, các nước OECD có số lượng sinh viên ít hơn và quy mô GDP thì lớn hơn, mức đầu tư giáo dục đại học cũng đã chiếm đến 1,1% GDP.

Chính vì vậy, mức chi cho giáo dục của một sinh viên ở trường đại học top đầu Việt Nam hiện nay cũng chỉ chiếm bằng 1/10 đến 1/15 của sinh viên các nước phát triển. Trong khi sản phẩm đào tạo trong nước của trường đại học top đầu vẫn được các nhà tuyển dụng đánh giá không có sự khác biệt rõ ràng về năng lực chuyên môn so với người tốt nghiệp ở nước ngoài ngoại trừ trình độ ngoại ngữ.

Vì vậy cần phải tập trung đầu tư cho cơ sở giáo dục đại học để các trường top đầu trở thành các trường đẳng cấp quốc tế thì sẽ nhanh và hiệu quả hơn nhiều lần so việc chúng ta đang dành tiền để đầu tư cho các trường mới để những trường này trở thành trường đẳng cấp quốc tế.

Đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ
Đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ

Đóng góp ý kiến vào sự chuyển biến trong giáo dục đại học và nghề nghiệp, đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ (đoàn Hà Tĩnh), cho rằng cần quy hoạch nguồn nhân lực phù hợp, đáp ứng nhu cầu xã hội.

Từ ví dụ điển hình về sự thiếu hụt nhân lực giáo viên từ mầm non đến trung học phổ thông, bà Thơ đưa ra thực trạng, các cấp chính quyền lại chưa chủ động cân đối xây dựng kế hoạch chuẩn bị nguồn nhân lực đào tạo đáp ứng nhu cầu thiếu hụt cho địa phương mà chỉ chờ vào số lượng sinh viên rất ít ỏi của ngành sư phạm tốt nghiệp ra trường gửi đơn đến tham gia dự tuyển.

“Nhân lực là yếu tố nền tảng cho sự phát triển của một quốc gia trong công tác quy hoạch cơ cấu lại vùng kinh tế giai đoạn 2021-2026. Để quy hoạch cơ cấu lại vùng kinh tế đạt được mục tiêu đề ra, cần thiết phải quan tâm đến vấn đề quy hoạch nguồn nhân lực”, đại biểu Thơ nhấn mạnh; Đồng thời cho rằng, các địa phương cần chủ động tổ chức thực hiện các giải pháp phát triển nguồn nhân lực, có chính sách, lộ trình đào tạo, bố trí, sắp xếp, thu hút nguồn nhân lực trong các cơ quan quản lý nhà nước đơn vị sự nghiệp một cách có hiệu quả và đúng hướng.

Đồng thời, cần có sự tính toán, dự báo nhu cầu nguồn nhân lực đến các ngành, lĩnh vực để qua đó người học đăng ký vào các ngành, thị trường cần đáp ứng nhu cầu xã hội nhằm đạt được các mục tiêu đề ra.

Nguồn: TTTĐ
tuoitrethudo.com.vn
Phiên bản di động