Kiểm định chất lượng giáo dục đại học ‘bao đậu’?
Sẽ cưỡng chế công trình của 'đại gia' tại dự án Làng đại học Đà Nẵng Diễn đàn Sinh viên châu Á tại Hà Nội thu hút nhiều trường ĐH quốc tế Trường ĐH Đông Đô kiện toàn nhân sự, số phận học viên chưa rõ |
Các chuyên gia trao đổi bên lề hội nghị sáng nay - Hà Ánh
Sáng 3/9, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng (Quốc hội) tổ chức hội nghị về thực hiện chính sách, pháp luật đảm bảo và kiểm định chất lượng giáo dục ĐH.
"Làm rất hình thức"
PGS-TS Nguyễn Hội Nghĩa, nguyên Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, chia sẻ tại hội nghị: “Chúng tôi đi kiểm định các trường, cấp chương trình thì thấy rất đau lòng về công tác đảm bảo chất lượng bên trong. Các trường thì nhiều thầy cô không rành, không hiểu, không làm được về chuẩn đầu ra. Điều này là gay go vì dù chi tiết nhỏ nhưng công tác đảm bảo chất lượng bên trong rất quan trọng lại chưa biết mà cứ chạy theo các mục tiêu khác".
PGS-TS Hội Nghĩa nhìn nhận: “Nếu chúng ta giao quyền tự chủ mà không giám sát thì rất nguy hiểm. Tôi rất lo vì giáo dục cũng không thoát được cái gọi là văn hóa phong bì. Đi kiểm định mà có văn hóa này thì chết rồi...”.
PGS-TS Hội Nghĩa tâm tư: “Các trung tâm kiểm định hiện trong tình trạng 'vàng thau lẫn lộn', làm rất hình thức. Thậm chí có nhiều trường cho biết có trung tâm đến kiểm định thấy trường thiếu minh chứng còn bày cho cách đạt, như vậy là 'bao đậu' mất rồi”. Nghe vậy chúng tôi rất buồn vì trung tâm kiểm định là sứ giả của chất lượng, giúp cho các trường đạt chất lượng chứ không phải là mách cho trường”.
PGS-TS Hội Nghĩa nói: “Nhiều kiểm định viên chê các trường không biết chuẩn đầu ra, không có kỹ năng thái độ nhưng thực tế chính kiểm định viên cũng không có. Kiểm định viên chương trình của bộ chỉ dạy kiến thức, kỹ năng mà không dạy gì về đạo đức. Trong khi đó, ở Thái Lan họ dạy rất kỹ về đạo đức và quy định rất ngặt, đề nghị Bộ GD-ĐT phải có chương trình thật tốt”.
Đồng quan điểm này, tiến sĩ Ngô Văn Thuyên, Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, cũng đề xuất cần phải có sự độc lập tuyệt đối của các trung tâm kiểm định.
“Làm sao để không có chuyện các trường rỉ tai nhau nên chọn trung tâm này mà không phải trung tâm khác. Tại sao một trường chấp nhận mời trung tâm ở xa tới đánh giá dù tốn chi phí nhiều hơn, chắc hẳn phải có lý do nào đó. Ví dụ Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM mời ĐH Quốc gia TP.HCM đánh giá cũng không yên tâm lắm vì sự cạnh tranh nhau. Nếu trung tâm đó không độc lập mà đi nhận xét thì sẽ rất khó”, ông Thuyên nói.
"Bộ GD-ĐT kiểm soát tuyệt đối"
Tiến sĩ Vũ Thị Phương Anh, Giám đốc đảm bảo chất lượng giáo dục Tập đoàn Nguyễn Hoàng, đề cập đến tính độc lập của hệ thống kiểm định.
Tiến sĩ Phương Anh nói: “Đã có nhiều ý kiến bày tỏ nghi ngờ về sự độc lập thực sự của các trung tâm kiểm định VN. Mặc dù trên danh nghĩa hệ thống kiểm định của VN được cho là theo mô hình kiểm định của Mỹ nhưng thực sự hệ thống kiểm định của VN hiện nay gần như do Bộ GD-ĐT kiểm soát tuyệt đối. Tất cả đều nằm trong tay của Bộ GD-ĐT, được thực hiện thông qua cơ quan chuyên trách của bộ là Cục Quản lý chất lượng giáo dục”.
Bên cạnh đó, theo tiến sĩ Phương Anh, đa số các trung tâm kiểm định hiện nay đều là một bộ phận của các trường ĐH. Sự thiếu độc lập của hệ thống kiểm định đã tác động tiêu cực đến tiến độ và hiệu quả của việc triển khai kiểm định trong hệ thống giáo dục ĐH.
Tiến sĩ Phương Anh còn cho rằng, chính sách khen thưởng và xử phạt không rõ ràng, các quy định trong văn bản không được áp dụng trong thực tế. Theo luật định, việc kiểm định định kỳ là bắt buộc đối với tất cả các cơ sở giáo dục ĐH. Các trường ĐH phải công khai kết quả kiểm định để đảm bảo trách nhiệm giải trình và tính minh bạch. Tuy nhiên sau khi được kiểm định, câu trả lời cho câu hỏi liệu một trường ĐH có được tự chủ hơn, tự do hơn và nhiều ngân sách hơn để duy trì chất lượng hay không vẫn tiếp tục là sự im lặng.
“Do chính sách khen thưởng và xử phạt không được áp dụng, nên sự tuân thủ cũng như mối quan tâm của các trường đối vớ việc kiểm định đã bị giảm sút”, tiến sĩ Phương Anh nói.
Choáng với kết quả đã công bố
Có mặt tại hội thảo, một chuyên gia về kiểm định chất lượng của ĐH Quốc gia TP.HCM, nêu ra thực tế đến nay đã có khoảng 50% các trường ĐH đã kiểm định, 96% đạt chuẩn kiểm định... Cái khó nhất ở đây, chính là sự nóng vội của chính chúng ta. Chúng ta thật sự choáng với kết quả đã công bố. Nếu làm không tốt coi chừng chúng ta đang hướng học sinh, phụ huynh vào những trường có chất lượng không thật.
“Không nên mở thêm các trung tâm kiểm định và không nên đào tạo thêm kiểm định viên. Nên thành lập thêm một trung tâm kiểm định để kiểm tra các trung tâm kiểm định”, vị chuyên gia đề nghị.
Tiến sĩ Dương Như Hùng, Trưởng khoa Quản lý công nghiệp Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, cũng có ý kiến rằng có nhiều thông tin quan trọng lại không được các trường công bố. “Có một số khó khăn khi đi làm kiểm định viên, ví dụ tỷ lệ sinh viên có việc làm công bố nhiều hơn 99% nhưng không biết chính xác không”.
Về chất lượng kiểm định, tiến sĩ Ngô Văn Thuyên cho rằng các bộ chuẩn hiện nay đều khá phù hợp nếu các trường đang có một hệ thống đánh giá đảo bảo chất lượng. Nhưng với bộ chuẩn này mà các trường chạy theo các hoạt động, đánh giá lấy chứng nhận xong rồi thôi sẽ vô tình "ngủ quên" trên đó...
“Tôi thấy dường như khi một nhiệm kỳ qua đi thì nhiệm kỳ mới lo lại từ đầu việc kiểm định, đây là chuyện có thật”, ông Thuyên nói.
Do đó, theo tiến sĩ Hội Nghĩa, mạng lưới các trung tâm kiểm định phải xây dựng lại, đánh giá lại chất lượng sao cho tốt và không nên mở rộng quy mô.