Đóng cửa các cơ sở giáo dục đại học kém chất lượng kéo dài

Đó là ý kiến chỉ đạo được đồng chí Nguyễn Xuân Phúc - Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ đặc biệt nhấn mạnh tới ngành giáo dục (GD) trong Hội nghị trực tuyến tổng kết năm học 2018 – 2019, triển khai nhiệm vụ năm học 2019 – 2020 diễn ra sáng 6/8.
Bộ Giáo dục: "58 điểm 0 tăng sau phúc khảo là hiện tượng cá biệt"
dong cua cac co so giao duc dai hoc kem chat luong keo dai
Bộ trưởng Bộ GD - ĐT Phùng Xuân Nhạ phát biểu khai mạc hội nghị

Giáo viên quyết định thành công của đổi mới giáo dục

Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD – ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết: “Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự chỉ đạo thường xuyên, sâu sát của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự phối hợp có hiệu quả của các ban, bộ, ngành Trung ương, các tỉnh, thành phố, đặc biệt là sự sự cố gắng, nỗ lực của toàn thể các cô giáo, thầy giáo, cán bộ quản lý giáo dục và học sinh, sinh viên trong cả nước, năm học vừa qua ngành GD đã đạt được những kết quả tích cực”.

Theo đó, trong năm học mới 2019 - 2020 toàn ngành tiếp tục thực hiện theo lộ trình 9 nhóm nhiệm vụ chủ yếu và 5 nhóm giải pháp cơ bản đã đề ra, quyết tâm khắc phục và tạo sự chuyển biến căn bản các vấn đề về GD - ĐT mà xã hội quan tâm, dư luận bức xúc.

Hội nghị diễn ra trong không khí thảo luận sôi nổi tập trung vào các nội dung: Quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông; rà soát, sắp xếp các trường sư phạm, các cơ sở giáo dục đại học; Giải quyết vấn đề thừa/thiếu giáo viên; chuẩn bị đội ngũ giáo viên thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới; Đổi mới mạnh mẽ cơ chế quản lý các trường mầm non, phổ thông; đẩy mạnh thực hiện tự chủ đại học; Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu tăng năng suất lao động và hội nhập quốc tế; Đẩy mạnh giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên.

Khẳng định đội ngũ giáo viên quyết định sự thành công đổi mới giáo dục, ông Nguyễn Văn Minh – Hiệu trưởng trường Đại học sư phạm Hà Nội cho rằng, việc quan trọng đầu tiên là cần thay đổi nhận thức, phương pháp và cách thức quản lý giáo dục..

Hiệu trưởng Trường ĐHSP Hà Nội kiến nghị Bộ GD - ĐT cần có định chuẩn về chức danh đối với cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên, từ đó có các chương trình bồi dưỡng hiệu quả. Cùng với đó, công bố cụ thể số liệu thừa, thiếu giáo viên để xã hội, người học biết. Khi thấy tương lai có việc làm, học sinh giỏi sẽ vào sư phạm.

Cũng theo ông Nguyễn Văn Minh, Bộ GD - ĐT đã chỉ đạo thực hiện chương trình bồi dưỡng cho các trường sư phạm nhưng cần quyết liệt hơn, tạo sự kết nối giữa các trường đại học sư phạm, trường cao đẳng sư phạm để chuẩn bị cho công tác bồi dưỡng giáo viên.

Với Chính phủ, ông Minh kiến nghị cần sớm cấu trúc lại hệ thống các trường sư phạm, để đầu tư hiệu quả. Sắp xếp cần tạo ra các phân khúc: trường chủ lực, trường địa phương, kết nối để tận dụng hệ thống các trường cao đẳng để thực hiện bồi dưỡng giáo viên trong tương lai.

Ông Hoàng Minh Sơn – Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội nêu ý kiến, từ thực tế nghiên cứu, ông Sơn khẳng định sự cần thiết của vấn đề rà soát, quy hoạch, phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và cho biết, Bộ GD - ĐT đang hoàn thiện Đề án liên quan đến sắp xếp mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học, các cơ sở đào tạo giáo viên.

Học hỏi kinh nghiệm các nước và từ thực tiễn, ông Sơn cho rằng, để triển khai đề án cần quyết tâm chính trị rất cao, sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, sự ủng hộ của các bộ ngành địa phương là các cơ quan chủ quản. Không có sự chỉ đạo quyết liệt từ trên xuống sẽ không thể thành công.

Tạo chuyển biến căn bản về chất lượng

Phát biểu ý kiến tại hội nghị, đại biểu tỉnh Nghệ An chia sẻ kinh nghiệm nâng cao chất lượng giáo dục, tăng cường lối sống cho học sinh: Bản thân các thầy cô giáo phải là người mẫu mực, làm gương cho học sinh; tổ chức các phong trào thi đua, các trung tâm học tập cộng đông, các hội khuyến học, các dòng họ để giáo dục kỹ năng sống của học sinh; xử lý nghiêm những hành vi vi phạm để học sinh nhận thức được hành vi, lỗi sai của mình để các em tiến bộ; kết hợp chặt chẽ và xây dựng quy chế phối hợp với các ngành để giám sát, xây dựng trường học hạnh phúc…

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ biểu dương nỗ lực của ngành giáo dục trong năm học vừa qua. Những kết quả ấy đã mang lại niềm tin cho toàn xã hội.

dong cua cac co so giao duc dai hoc kem chat luong keo dai
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý chia sẻ tại điểm cầu Hà Nội

Thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế ngành GD cần khắc phục trong năm học mới 2019 – 2020, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu ngành giáo dục cần có sự đổi mới một cách căn bản, toàn diện để tạo bước chuyển mình rõ nét hơn nữa.

Một số giải pháp lớn được Thủ tướng nêu ra, trong đó có việc địa phương phải rà soát lại quy hoạch mạng lưới trường lớp, nhất là hệ thống các trường mầm non, phổ thông, tạo điều kiện cho con em và người dân. Địa phương phải bố trí đủ quỹ đất để xây dựng hệ thống trường học. Cùng với đó, đẩy mạnh sắp xếp các trường sư phạm, tập trung vào các trường sư phạm trọng điểm; các trường khác có lộ trình làm vệ tinh trong bồi dưỡng giáo viên cho địa phương. Trường sư phạm phải đào tạo ra nhà giáo dục, không phải là thợ dạy.

Các cơ sở giáo dục đại học phải rà soát, sắp xếp lại mạnh mẽ hơn để đảm bảo chất lượng và các điều kiện cho phát triển. Phải có lộ trình kiên quyết với các trường chất lượng thấp. Thủ tướng yêu cầu Bộ GD - ĐT trình Thủ tướng Chính phủ đóng cửa một số cơ sở giáo dục đại học kém chất lượng kéo dài; kiểm tra và dừng đào tạo các ngành đào tạo kém chất lượng, báo cáo Thủ tướng Chính phủ để chấn chỉnh…

dong cua cac co so giao duc dai hoc kem chat luong keo dai

Về giáo viên, Thủ tướng yêu cầu địa phương phải rà soát, sắp xếp lại đội ngũ giáo viên theo hướng khắc phục tình trạng thừa thiếu cục bộ hiện nay. Có kế hoạch bồi dưỡng giáo viên đảm bảo tiêu chuẩn để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới. Tiếp tục rà soát tinh gọn hiệu quả đội ngũ phục vụ tại các trường học…

Đặc biệt, vấn đề giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh sinh viên, Thủ tướng nhấn mạnh vai trò của gia đình – nhà trường và xã hội; trong đó nhà trường đóng vai trò trung tâm. Thủ tướng yêu cầu ngay trong năm học mới, ngành GD phải tạo ra sự chuyển biến căn bản trong đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên.

Ngoài ra, Thủ tướng Chính phủ cũng nhấn mạnh giải pháp tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; thực hiện tự chủ đại học…

Để ghi nhận sự cố gắng, nỗ lực của các sở GD - ĐT trong việc triển khai nhiệm vụ trọng tâm của ngành trong năm học 2018 – 2019, Bộ GD - ĐT tặng Cờ thi đua cho 7 sở GD – ĐT. Bộ trưởng Bộ GD – ĐT tặng Bằng khen cho 23 Sở GD - ĐT đã có thành tích tiêu biểu xuất sắc,dẫn đầu phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học”, trong đó có Sở GD – ĐT Hà Nội.

Dấu ấn của ngành giáo dục Thủ đô

Tham gia Hội nghị trực tuyến, tại đầu cầu Hà Nội, ông Ngô Văn Quý - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết: Năm học vừa qua, ngành GD-ĐT TP thực hiện 9 nhiệm vụ 7 giải pháp của Bộ GD - ĐT đề ra và đã đạt được kết quả tốt, toàn diện trong các hoạt động GD. Hà Nội đã rà soát mạng lưới các trường học theo chỉ đạo của Bộ GD – ĐT đến 2025 và định hướng 2030; Xây dựng 70 trường, sửa mới 387 trường với tổng kinh phí 5000 tỷ đồng, hiện tại đang tiếp tục triển khai sửa chữa nhà vệ sinh các trường học.

Cũng trong năm học qua, TP đã tập trung xây trường chuẩn quốc gia, coi đây là yếu tố quan trọng để nâng cao chất lượng giáo dục. Năm học vừa qua, Hà Nội đã công nhận 121 trường chuẩn quốc gia, nâng tỉ lệ trường chuẩn quốc gia của TP đạt 66,7%. Đặc biệt, học sinh Hà Nội đã đạt được nhiều thành tích ấn tượng với 197 giải trong nước và quốc tế. Đặc biệt trong kì thi Olympic quốc tế vừa qua, học sinh thủ đô đã đạt thành tích xuất sắc với 2 chiếc HCV Olympic Hoá học và Olympic Vật lí. Lần đầu tiên học sinh Hà Nội đại diện cho Việt Nam đã đạt điểm tuyệt đối trong phần thi thực hành tại Olympic Hoá học quốc tế...

Tuổi trẻ Thủ đô
Phiên bản di động