Tăng thuế lúc này là tăng gánh nặng cho doanh nghiệp
Thủ tướng: Các doanh nghiệp phát huy tinh thần yêu nước, cùng làm, cùng thắng |
Chia sẻ tại hội thảo về thuế tiêu thụ đặc biệt với nước giải khát có đường, diễn ra ngày 20/9, GS. TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cho biết, trong bối cảnh hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp đang rất khó khăn do hậu quả của đại dịch COVID-19 và tác động bất lợi từ bên ngoài, Chính phủ đã ban hành nhiều giải pháp, chính sách để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp như miễn, giảm một số loại thuế, phí; giãn hoãn các khoản nợ đến hạn; khơi thông nguồn vốn trái phiếu doanh nghiệp và giảm lãi suất ngân hàng, chưa nên điều chỉnh tăng thuế, kể cả tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với doanh nghiệp ít nhất trong 2-3 năm tới.
“Việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt thời điểm hiện tại sẽ tăng thêm gánh nặng cho doanh nghiệp, buộc doanh nghiệp phải thu hẹp hoạt động sản xuất kinh doanh, gián tiếp ảnh hưởng đến thu ngân sách nhà nước cũng như cân đối ngân sách của các địa phương”, GS. TSKH Nguyễn Mại nêu quan điểm.
GS. TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài. Ảnh: Phạm Thắng. |
Tương tự, bà Phan Minh Thủy, Trưởng Ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)cho rằng, với tất cả các chính sách cần có quan điểm tiếp cận, tức là phải đánh giá cẩn trọng, kỹ lưỡng đảm bảo hài hòa lợi ích của doanh nghiệp, đảm bảo tính minh bạch, công bằng, có chọn lọc thực tiễn thực tế, quốc tế.
Về việc bổ sung mặt hàng nước giải khát có đường vào tính thuế tiêu thụ đặc biệt cần phải có đánh giá cẩn trọng. Bộ Tài chính đã có tiếp thu ý kiến tuy nhiên mặt hàng bổ sung đợt này là nước đường với lý do đưa ra là để chống lại thừa cân béo phì, song chưa đủ căn cứ và cần cân nhắc.
Theo bà Phan Minh Thủy, việc đánh thuế này chưa chắc giảm tỷ lệ thừa cân béo phì tại Việt Nam, cũng chưa có đánh giá cụ thể như kinh nghệm quốc tế, hiệu quả áp dụng ở các nước, việc đánh thuế chưa có căn cứ rõ ràng, chưa công bằng do mới chỉ tập trung vào đồ uống đóng chai có sẵn còn những sản phẩm như trà sữa, cafe thì không.
Quang cảnh Hội thảo “Góp ý dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi). Ảnh Phạm Thắng. |
Việc đánh thuế này cũng ảnh hưởng đến tính hài hòa trong cộng đồng doanh nghiệp. Cụ thể, chính sách này tác động tiêu cực đến toàn ngành đồ uống, bởi doanh nghiệp lớn đã có kinh nghiệm chuyển đổi nhưng doanh nghiệp nhỏ hơn sẽ gặp khó khăn.
"Chúng tôi chưa thấy rõ các mô hình, kịch bản đánh thuế sẽ thay đổi hành vi người tiêu dùng, thay đổi tình trạng buôn lậu, hàng giả như nào. Vì vậy, đề nghị phải có đánh giá kỹ hơn về lộ trình cụ thể", bà Thủy nói.
Ông Lương Xuân Dũng, Chánh văn phòng Hiệp hội Rượu - Bia - Nước giải khát Việt Namkiến nghị cần xem xét lại cơ chế chính sách về tiêu thụ đặc biệt, có nên bổ sung nước giải khát có đường hay không?.
Bên cạnh đó, mỗi lần thay đổi luật, cần tính về tính khả thi, lâu dài, công bằng. Ví dụ, Việt Nam chưa có số liệu khảo sát thực tế về tiêu thụ đường. Giả sử 1 triệu tấn đường thì cần tính % cho ngành nước giải khát, trong khi phần còn lại không tính thuế tiêu thụ đặc biệt, thì cần xem xét tính công bằng, khả thi.
Theo ông Dũng, việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt với nước giải khát có đường cần thỏa mãn việc liệu có giảm tỷ lệ béo phì, tính công bằng. Thực tế, có nhiều hàng quán không kiểm soát được và giới trẻ có xu hướng thích trà sữa, đây là mặt hàng không quản lý được. Vậy tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với nước giải khát thì có đánh được thuế xu hướng này không để đảm bảo mục tiêu y tế.
Ông Dũng cho rằng, chính sách này ảnh hưởng lớn tới khả năng phục hồi của doanh nghiệp, khi người tiêu dùng giảm chi tiêu còn doanh nghiệp tăng chi phí. Chưa kể cơn bão Yagi gây ảnh hưởng với nhiều doanh nghiệp, ngập lụt khiến cho đình trệ sản xuất, cạn kiệt nguồn lực của doanh nghiệp. Khi khó khăn, tăng thuế sẽ tăng giá, mà khiến cho người tiêu dùng không sử dụng sản phẩm quản lý được và chuyến sang tiêu thụ đồ đường phố không kiểm soát, gây ra nguy cơ. Khảo sát cho thấy 49% sẽ chuyển sang các sản phẩm đường phố.
"Thời điểm này chưa nên đưa nước giải khát có đường vào chịu thuế tiêu thụ đặc biệt", ông Lương Xuân Dũng nói.