Tăng “sức đề kháng” bảo vệ học sinh trước hiểm họa ma túy

Ma túy đang xâm nhập vào môi trường học đường với nhiều chiêu thức tinh vi, gây ra những hậu quả khó lường. Nhiều học sinh trở thành nạn nhân hoặc tham gia tàng trữ, mua bán, vận chuyển ma túy. Nhà trường cần làm gì để bảo vệ học sinh tránh xa hiểm họa này?
Đại biểu Quốc hội lo ngại vấn nạn ma túy xâm nhập học đường Tổ liên ngành đặc biệt: Ngăn vi phạm ma túy, bóng cười ở phố cổ Giới trẻ cả nước có sân chơi mới để phòng chống ma túy

Những con số đáng báo động

Theo thống kê của Bộ Công an, tính đến tháng 9/2023, toàn quốc có khoảng 213.000 người nghiện và người sử dụng trái phép chất ma túy, trong đó có khoảng trên 81.000 người nghiện và người sử dụng trái phép chất ma túy ở độ tuổi từ 16 - 30 tuổi, chiếm khoảng 38%.

Trong khi đó, ma túy tổng hợp ngày càng đa dạng về chủng loại, giá thành rẻ, dễ cất giấu, dễ sử dụng, dễ mang vào trường học và núp bóng dưới những cái tên rất mĩ miều, gây tò mò như tem giấy, bùa lưỡi, nước vôi, trà sữa…

Tăng “sức đề kháng” bảo vệ học sinh trước hiểm họa ma túy
Trường THCS Nguyễn Du tổ chức tuyên truyền giúp học sinh tránh xa ma túy

Theo Trung tá - ThS Nguyễn Thị Ngọc Thúy, Phó Trưởng khoa Cảnh sát phòng, chống tội phạm về ma túy, trường Cao đẳng Cảnh sát Nhân dân I, những hiểm họa mà ma túy gây ra vô cùng nghiêm trọng. Một bộ phận không nhỏ người trẻ sử dụng các chất liên quan đến ma túy, ban đầu xuất phát từ những lý do rất đơn giản như "thấy hay hay, lạ lạ, thử cho biết", "nghe bạn rủ rê", hút thuốc lá điện tử, shisha, bóng cười... Các bạn trẻ sử dụng lâu thành quen, rồi muốn tăng liều, dần dần có những người vướng vào ma túy từ lúc nào không hay.

Trong khi đó, trao đổi trong phiên chất vấn tại kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XV, đại biểu Hà Hồng Hạnh - đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa bày tỏ nỗi lo lắng về sự xâm nhập của ma túy vào trường học. Theo đại biểu Hồng Hạnh, thời gian gần đây, hàng loạt vụ việc liên quan đến thanh thiếu niên sử dụng ma túy bị phát hiện khiến nhiều cử tri không khỏi lo lắng, nhất là nguy cơ xâm nhập vào môi trường học đường với nhiều chiêu thức tinh vi, gây ra những hậu quả khó lường. Nhiều học sinh trở thành nạn nhân hoặc tham gia tàng trữ, mua bán, vận chuyển ma túy.

Đáng lo hơn, ngày càng xuất hiện nhiều loại ma túy mới pha trộn với thực phẩm được bán gần các cơ sở giáo dục, trường đại học, trung học cơ sở nhằm lôi kéo, dụ dỗ học sinh, sinh viên sử dụng.

Dựng “lá chắn thép” chặn ma túy vào học đường

Nhận thức rõ hiểm họa của ma túy đối với lứa tuổi học sinh, từ nhà trường, nhiều biện pháp, cách thức đã được áp dụng để ngăn chặn, phòng ngừa giúp học sinh tránh xa hiểm họa ma túy. Như tại trường THCS Đống Đa (quận Đống Đa, Hà Nội), bà Đinh Thị Vân Hồng - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Thông qua các hoạt động ngoại khóa, lồng ghép vào các bài học trên lớp, trường thường xuyên trang bị để học sinh có thêm những kiến thức, hiểu biết về tác hại của ma túy đối với bản thân, gia đình và xã hội. Từ đó, các em học sinh có sự chuyển biến về nhận thức khi luôn "Nói không với ma túy" và có hành động tự giác đấu tranh phòng, chống ma túy, tội phạm ma túy”.

Học sinh trường THCS Đống Đa, quận Đống Đa, Hà Nội tham gia chuyên đề Phòng chống ma túy học đường
Học sinh trường THCS Đống Đa, quận Đống Đa, Hà Nội tham gia chuyên đề Phòng chống ma túy học đường

Không chỉ có trường THCS Đống Đa, mới đây, ngày 24/10, trường THCS Đại Yên (huyện Chương Mỹ, Hà Nội) cũng tổ chức chuyên đề về phòng chống ma túy trong học sinh.

Trường THCS Đại Yên luôn chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho học sinh. Trong các buổi chào cờ đầu tuần hay các hoạt động giáo dục ngoại khóa, giáo dục ngoài giờ lên lớp, nhà trường tổ chức tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật theo hướng ngắn gọn, dễ hiểu, sinh động và phù hợp với tâm lý, nhận thức của các em học sinh.

Tại đây, học sinh được thông tin về một số quy định trong Luật Phòng chống ma túy như: Các hành vi bị nghiêm cấm, trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cơ quan nhà nước, cơ sở giáo dục, của MTTQ và các tổ chức thành viên trong phòng, chống ma túy; các loại ma túy, nguyên nhân dẫn đến nghiện ma túy; thuốc lá điện tử và các chất gây nghiện trong thuốc lá điện tử; ảnh hưởng của ma túy và các chất gây nghiện đối với sức khỏe con người.

Đại diện Ban Giám hiệu trường THCS Đại Yên cho biết, trường sẽ phối hợp chặt chẽ với hội phụ huynh, các ban, ngành đoàn thể của xã, lực lượng công an quan tâm, kiểm tra kịp thời phát hiện những biểu hiện, hành vi vi phạm pháp luật để kịp thời ngăn chặn và giáo dục các em...

Để học sinh nhận diện và tránh xa ma túy, mỗi năm học, trường THCS Nguyễn Du (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) lại có một sáng kiến để đổi mới công tác tuyên truyền. Dễ hiểu, phù hợp với lứa tuổi học sinh và khéo léo lồng ghép vào các tiểu phẩm, kịch, chương trình tuyên truyền đã đem lại hiệu quả thiết thực.

Cô Nguyễn Thị Lý - Hiệu trưởng trường THCS Nguyễn Du cho biết: Thời gian qua, Ban Giám hiệu nhà trường đã tổ chức nhiều hoạt động khác nhau để nâng cao nhận thức của học sinh, thanh - thiếu niên về tác hại của ma túy. Qua đó, nhà trường vận động học sinh tích cực tham gia phòng, chống ma túy, tố giác tội phạm đồng thời tổ chức cho học sinh, cam kết "nói không với ma túy”.

Tăng “sức đề kháng” bảo vệ học sinh trước hiểm họa ma túy
Học sinh trường THCS Đại Yên, Chương Mỹ nói không với ma túy

Giúp nâng cao hiệu quả tuyên truyền, nhà trường đã luôn chủ động, sáng tạo đổi mới phương pháp tuyên truyền theo hướng thiết thực, dễ hiểu, phù hợp với từng lứa tuổi; lồng ghép với các hoạt động văn hóa, văn nghệ, tập huấn, thi tìm hiểu pháp luật về phòng chống ma túy, tập huấn, tọa đàm, nói chuyện chuyên đề… cảnh báo về tác hại và hậu quả của tệ nạn ma túy. Qua buổi tuyên truyền, học sinh nắm được những kiến thức cơ bản về ma túy, thuốc lá điện tử, bạo lực học đường để từ đó tránh xa các tệ nạn này.

Đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy

Cùng với những giải pháp ngăn chặn ma túy xâm nhập trường học, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, Bộ đã tập trung ngăn chặn nguồn cung từ bên ngoài vào và đặc biệt coi trọng giảm nguồn cầu, vì đối tượng là giới trẻ, thanh niên và học sinh là đối tượng rất quan trọng để thực hiện các biện pháp giảm cầu về ma túy.

Để giảm cầu, Bộ Công an phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện Chỉ thị số 31 ngày 4/12/2019 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên; Thông tư liên tịch số 06 giữa Bộ Công an và Bộ Giáo dục Đào tạo ngày 28/2/2015 về phối hợp để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật khác trong ngành Giáo dục. Bộ thực hiện đồng bộ các giải pháp để ngăn chặn ma túy xâm nhập học đường, phát huy vai trò của chủ thể gia đình, nhà trường, của xã hội, đặc biệt vai trò của gia đình rất quan trọng.

Bộ Công an phối hợp với các Bộ, ngành tăng cường tuyên truyền về Luật Phòng, chống ma túy, các chất ma túy mới để thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên biết, chủ động phát hiện, phòng tránh.

Bên cạnh đó, Bộ thường xuyên kiểm tra, rà soát và triển khai các biện pháp phòng vệ, phát hiện, đấu tranh, xử lý các vi phạm sử dụng trái phép chất ma túy ở các trường học, trong các quán bar, karaoke, vũ trường, triệt phá các tụ điểm tổ chức sử dụng ma túy trái phép của các địa phương.

Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, Bộ cũng kiến nghị với một số các ngành chức năng như y tế, quản lý thị trường, công thương… nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước, tăng cường phối hợp với thanh tra, kiểm tra, giám sát về các vấn đề an toàn thực phẩm, phòng chống các tác hại của thuốc lá, không để các đối tượng lợi dụng hoạt động ma túy núp bóng các loại thực phẩm, kể cả thuốc lá điện tử.

Ngọc Minh
tuoitrethudo.com.vn
Phiên bản di động