Tăng cường hợp tác, phát triển giáo dục giữa Việt Nam và Châu Âu
Nhiều cơ hội học bổng tại “Ngày hội Giáo dục New Zealand 2024” |
Tham dự Hội nghị có: Phó Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Margaritis Schinas; Đại sứ Châu Âu tại Việt Nam Julien Guerrier; Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Phúc; cùng đại diện hơn 50 cơ sở giáo dục đại học từ các quốc gia thành viên Liên minh Châu Âu (EU) cùng hơn 100 cơ sở giáo dục đại học tại Việt Nam.
Phó Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Margaritis Schinas phát biểu tại hội nghị. |
Sự kiện cũng thu hút hơn 500 người theo dõi trực tuyến, thể hiện sự quan tâm mạnh mẽ đối với Erasmus+ tại Việt Nam - chương trình hàng đầu của EU về giáo dục, đào tạo, thanh niên và thể thao.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Ủy ban Châu Âu, ông Margaritis Schinas nhấn mạnh, Erasmus+ từ lâu đã là biểu tượng của sự xuất sắc trong giáo dục và giao lưu văn hóa tại Châu Âu.
Tuy nhiên, tầm vóc quốc tế của chương trình đã vượt xa khỏi EU, thúc đẩy quan hệ đối tác toàn cầu và tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau. Việc mở rộng phạm vi của Erasmus+ không chỉ mở ra thêm nhiều cơ hội giáo dục, mà còn củng cố mối quan hệ hợp tác với các quốc gia trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Phúc phát biểu tại chương trình |
Chia sẻ tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Phúc khẳng định, Việt Nam hiểu rõ nhu cầu chủ động hội nhập với thế giới và thúc đẩy đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực giáo dục nhằm nâng cao chất lượng giáo dục trong nước.
Giáo dục và đào tạo là chính sách ưu tiên hàng đầu của Việt Nam, việc phát triển giáo dục được coi là một trong ba đột phá chiến lược để thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.
"Quan hệ đối tác giữa Châu Âu và Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ, trong đó hợp tác giáo dục đại học là một trọng tâm lớn. Đặc biệt, kể từ năm 2015, khi chương trình Erasmus+ chính thức bắt đầu giai đoạn đầu tiên tại Việt Nam nhằm hỗ trợ nâng cao năng lực, mở rộng kết nối và hợp tác nghiên cứu khoa học giữa các cơ sở đào tạo đại học của Châu Âu, nền giáo dục tại Việt Nam đã ngày càng phát triển hơn và đạt được nhiều thành tựu đáng kể", ông Phúc nói.
Hội nghị diễn ra trong hai ngày 22 - 23/10 tại Hà Nội với các phiên thảo luận tập trung vào những hợp phần chính của Erasmus+, bao gồm: Chương trình nâng cao năng lực giáo dục đại học (CBHE); trao đổi tín chỉ quốc tế (ICM) và hợp phần Jean Monnet (JMA).
Bên cạnh đó, đại diện các trường đại học từ cả hai khu vực cũng chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn, minh họa những thành tựu và cơ hội mà Erasmus+ mang lại. Sự kiện cũng tạo cơ hội cho các đại biểu khám phá tiềm năng hợp tác; từ đó góp phần thúc đẩy quốc tế hóa và hiện đại hóa giáo dục đại học tại Việt Nam.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại hội nghị |
Tại sự kiện, các nội dung thảo luận tập trung vào Đề án 89 - chương trình phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của Việt Nam.
Sự kiện cũng bao gồm phiên trao đổi giữa mạng lưới cựu du học sinh EU và các doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam, nhằm cung cấp nhu cầu của doanh nghiệp đối với nhân lực, từ đó mở rộng đào tạo để phù hợp với thực tiễn…
Tuần lễ Giáo dục Châu Âu 2024 được tổ chức thường niên bởi Phái đoàn Liên minh Châu Âu và các Đại sứ quán quốc gia thành viên EU tại Việt Nam. Chương trình năm nay diễn ra từ ngày 19 đến 23/10, bao gồm hai sự kiện chính: Ngày hội Giáo dục Châu Âu và Ngày Erasmus+ Việt Nam. Nằm trong khuôn khổ Tuần lễ Giáo dục Châu Âu, sự kiện Ngày Erasmus+ Việt Nam lần đầu tiên được tổ chức sẽ chia sẻ những thông tin quý báu về chương trình Erasmus+ dành cho các trường đại học, tổ chức và các nhà quản lý giáo dục; đồng thời tạo cơ hội cho các trường đại học Việt Nam và Châu Âu mở rộng kết nối, chia sẻ kinh nghiệm chuyên môn trong các dự án hợp tác, thiết lập quan hệ đối tác mới. |