Tân Yên - Bắc Giang: Khi nào xử lý trách nhiệm của người đứng đầu?
Trong năm 2018, tình trạng khai thác đất tại huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang diễn ra vô cùng phức tạp, đặc biệt là tại các xã như An Dương, Lam Cốt, Cao Xá... Nhiều cá nhân, tổ chức đã lợi dụng vào việc xin gia hạn thời gian thăm dò tại các mỏ đất hoặc "núp bóng" giấy phép hạ cốt nền để "đánh cắp" tài nguyên thiên nhiên. Thậm chí, có những điểm đã múc “bay” vài quả đồi rồi sau đó mới làm thủ tục xin cấp phép.
Đất tặc hoạt động công khai giữa ban ngày tại huyện Tân Yên
Để tối đa được lợi ích, các cá nhân, tổ chức bất chấp các quy định của pháp luật như khai thác vượt số lượng, vượt ranh giới được cấp phép. Xe ô tô chở đất luôn quá tải dẫn đến đường liên xã, đường tỉnh lộ bị băm nát, gây ô nhiễm môi trường.
Nghiêm trọng hơn, quy định về hoàn nguyên, thông báo đóng cửa mỏ không được thực hiện đúng quy định dẫn đến hậu quả là những thùng vũng, ao nước sâu năm sát chân đồi tiềm ẩn nguy hiểm cho trẻ nhỏ nếu vô tình rơi xuống.
Điển hình cho sự "cẩu thả" coi thường tính mạng con người là mỏ Barit Lang Cao của Công ty CP Khoáng sản Bắc Giang tại xã Cao Xá.
Hệ sinh thái tự nhiên, cảnh quan môi trường bị phá vỡ, trọc trơ bởi vấn nạn khai thác đất trái phép
Theo tìm hiều của PV, tháng 12/2016 Công ty CP Khoáng sản Bắc Giang được Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang chấp thuận cho phép vận chuyển đất dư thừa trong quá trình san gạt, hạ cốt nền xây dựng các công trình phục vụ khai thác (công trình phụ trợ) trong diện tích 19.687 m2 đất tại khu vực Núi Am, mỏ Barit Lang Cao, xã Cao Xá.
Theo đó, toàn bộ khối lượng đất dư thừa nêu trên (khoảng 72.980 m3) chỉ dùng để san lấp cho dự án mở rộng mặt bằng nhà xưởng sản xuất thuộc Nhà máy gạch Đại Thắng của Cty CP Đại Thắng, ở xã Quế Nham, huyện Tân Yên và mở rộng mặt bằng nhà xưởng và sản xuất thuộc dự án Nhà máy gạch tuynel của Cty CP Đầu tư và xây dựng Ngọc Thiện TJC, xã Ngọc Thiện, huyện Tân Yên. Thời hạn vận chuyển đất đến tháng 11-2018.
Hệ thống giao thông, môi trường bị xuống cấp trầm trọng bởi xe ô tô tải chở đất chạy ngày đêm
Tuy nhiên, sau khi giấy phép trên đã hết hạn nhưng Cty TNHH Khoáng sản Linh Trung (là đơn vị nhận hợp đồng vận chuyển đất) vẫn tiếp tục khai thác đất tại khu vực Núi Am. Nghiêm trọng hơn, toàn bộ số đất được coi là dư thừa này không được vận chuyển về Nhà máy gạch Đại Thắng hay Nhà máy gạch tuynel Ngọc Thiện như giấy phép quy định mà chở đi san lấp mặt bằng tại các dự án ở huyện Việt Yên và đổ vào đường vành đai IV đoạn qua huyện Việt Yên và huyện Hiệp Hòa.
Hậu quả là cả một khu vực rộng lớn bị đào, bới tan hoang, phá vỡ cảnh quan, hệ sinh thái tự nhiên còn nhà nước thì bị thất thu thuế, phí. Hoạt động này còn gây ô nhiễm môi trường, sạt lở đất, hư hỏng đường giao thông, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân. Bên cạnh đó, những thùng vũng được hình thành từ những điểm khai thác múc âm xuống 7 - 10m tiềm ẩn nhiều nguy hiểm nếu ai đó vô tình rơi xuống.
Quy định về đóng cửa mỏ, hoàn nguyên không được doanh nghiệp này thực hiện theo đúng quy định của pháp luật
Điều đáng nói, mặc dù doanh nghiệp khai thác công khai giữa ban ngày vài tháng, thậm chí cả năm nhưng không hiểu vì sao Chủ tịch UBND huyện Tân Yên lại không có biện pháp ngăn chặn, xử lý.
Sau khi Tuổi trẻ và Pháp luật phản ánh, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang đã giao Sở TN&MT kiểm tra hoạt động khai thác, vận chuyển đất sai phép, trái phép tại địa bàn các xã Lam Cốt, An Dương, Việt Ngọc, Cao Xá huyện Tân Yên khi lợi dụng giấy phép để "trục lợi" tài nguyên đất và làm rõ sự thiếu quyết liệt của cơ quan có thẩm quyền, đặc biệt là chính quyền địa phương khiến cảnh quan môi trường bị phá vỡ.
Trên cơ sở kết quả kiểm tra, Sở TN&MT Bắc Giang nêu rõ: Qua kiểm tra thực tế hoạt động khai thác, san gạt, hạ cốt nền và vận chuyển đất trên địa bàn xã Lam Cốt, An Dương, Cao Xá, Việt Ngọc, huyện Tân Yên, cho thấy kết quả công tác chỉ đạo, điều hành của chính quyền huyện, xã chưa thực sự hiệu quả, chuyển biến về nhận thức của cấp ủy, chính quyền cơ sở, nhất là các đối tượng khai thác khoáng sản còn yếu; công tác chỉ đạo, phát hiện, ngăn chặn tình trạng khai thác khoáng sản sai phạm chưa kịp thời, chưa quyết liệt nên hiệu quả chưa cao.
Bao giờ thì Chủ tịch huyện Tân Yên phải chịu trách nhiệm khi hàng vạn khối đất bị khai thác đem bán trái phép gây thất thu thuế, phí
Tại mỏ Barit Lang Cao, xã Cao Xá thuộc sự quản lý của Công ty CP Khoáng sản Bắc Giang, Công ty TNHH Khoáng sản Linh Trung (đơn vị được Công ty CP Khoáng sản Bắc Giang thuê thực hiện san gạt, vận chuyển đất dư thừa) đã thi công vượt ra ngoài ranh giới khu vực cho phép với diện tích 1.020m2, độ sâu bình quân 3,5m. Bên cạnh đó, đơn vị còn vận chuyển đất đi san lấp không đúng địa điểm cho phép hàng chục vạn khối.
Quay trở lại huyện Tân Yên vào tháng 1/2019, theo ghi nhận của PV thì toàn bộ các điểm khai thác đất trái phép đã dừng hoạt động. Tuy nhiên, "vết thương" của đất vẫn còn đó, nhiều quả đồi bị đào bới nham nhở, trơ trọc, có nơi thành hố trũng sâu 5 - 7m ngập nước rất nguy hiểm cho trẻ nhỏ. Còn đâu màu xanh của những ngọn đồi, hệ sinh thái, cảnh quan bao giờ mới khôi phục lại. Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND huyện Tân Yên liệu có dễ dàng "vô can" khi để hàng vạn khối đất bốc hơi như vậy.
Để đảm bảo tính thượng tôn pháp luật, đề nghị lãnh đạo UBND tỉnh Bắc Giang chỉ đạo làm rõ vai trò, trách nhiệm của Bí thư, Chủ tịch huyện Tân Yên và các cá nhân, tổ chức liên quan khi để xảy ra những hậu quả nghiêm trọng như vậy.