Tâm tư của những "người hùng" thầm lặng mỗi khi đêm về
Nhọc nhằn đời người lao công quét rác trên phố đêm
Đường phố nhộn nhịp ban ngày là thế nhưng khi đêm về, trên những con phố bỗng trở nên vắng lặng, nhường lại cho tiếng chổi tre lạo xạo cùng bóng dáng người công nhân quét rác liêu xiêu dưới ánh đèn đường, cách không xa là chiếc xe thùng chở đầy rác.
Theo chân những người công nhân quét rác đêm khuya, nhóm phóng viên chứng kiến những đống rác ngổn ngang, hôi thối, uế tạp được những đôi bàn tay khéo léo dùng chiếc xẻng dài xúc lên và cây chổi tre chắn giữ đổ vào thùng… đó là những hình ảnh đầu tiên về công việc vất vả của người công nhân quét rác hằng đêm vẫn cần mẫn đi dọn từng ngõ nhỏ, phố nhỏ giữa thủ đô Hà Nội.
Chị Nguyễn Thị Nụ (46 tuổi, nhân viên Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội), người đã gắn bó với công việc quét rác suốt 22 năm ròng. Hôm nay chị được phân công làm đoạn đường từ Hoàng Diệu lên đến cầu Long Biên, gần 4 cây số. Tiết trời đầu hè ban ngày đã oi bức, ban đêm cũng không khác là bao. Chiếc áo bắt đầu ướt thẫm những giọt mồ hôi sau 3 tiếng dọn dẹp không nghỉ.
Người công nhân quét rác cần mẫn trong bóng tối |
Bên cạnh những vất vả, cực nhọc, nghề nghiệp này cũng không tránh khỏi những nguy hiểm và tổn thất. Ai làm ca đêm, không sợ mưa gió hay xe cộ đi lại ẩu thì cũng sợ mấy thanh niên “ngáo đá”, say rượu hay “sida”. Nó ra hỏi đểu mấy câu rồi xin vài ba nghìn để mua thuốc là đã bủn rủn cả người rồi. Thôi thì cho nó mươi nghìn cho xong, đi làm chẳng ai dám cầm quá 50 nghìn trong người cả.” Vừa lau vội giọt mồ hôi thấm trên mắt, chị Nụ giọng trầm buồn tiếp lời: “Hôm trước có cô đi làm bị trộm mất cái xe đạp, rõ khổ. Nhà thì xa lại còn con ăn học. Cả nhà dùng chung cái xe, giờ đi lại càng khó khăn".
Công việc quét rác được chia thành nhiều ca, tùy theo từng ca để phân giờ nghỉ ăn. Như ca chị Nụ đang làm là từ 17h đến 2h sáng hôm sau, có 2 tiếng nghỉ ăn tối. Chị kể, cả 1 ngày lăn lộn ngoài đường, tiếp xúc với đủ mùi rác thải nên lắm hôm về nhìn cơm không muốn ăn nữa.
"Đi tắm, đi ngủ mà vẫn như còn ám mùi rác trên người. Thêm nữa, bệnh tật tiềm ẩn từ công việc độc hại khiến lúc nghỉ ngơi không hề dễ chịu. Đau nhức khắp cơ thể là chuyện bình thường, còn những bệnh thường xuyên phải đi viện khám định kì là viêm khớp, viêm mũi, nặng hơn là viêm phế quản. Ai có điều kiện thì đi khám thường xuyên, ai không có thì phải phó mặc thôi em ạ, đến đâu thì đến. Có việc mà làm là tốt rồi", chị Nụ chia sẻ thêm.
Đồng lương và cái nhìn của người đời
Công việc dầm mưa dãi nắng, hằng ngày tiếp xúc với những thứ ô uế, tạp nhất nhưng đồng lương lại chẳng được bao nhiêu.
Một người công nhân khác (xin giấu tên) chia sẻ: “Tháng làm đủ 30 công thì được hơn 4 triệu, mỗi ngày được trợ cấp 20.000 tiền ăn và 10.000 tiền độc hại. Nhưng làm cái nghề này thì cũng phải đi viện khám suốt, còn mấy miệng ăn ở nhà nữa, chẳng thấm vào đâu. Ở nhà, chồng của chị thi bị đủ mọi thứ bệnh: Tiểu đường, viêm phổi... không làm thêm được gì; 2 con đang tuổi ăn học, bệnh viêm phế quản hành hạ chị ngày đêm… Nhẩm tính hơn 4 triệu ấy có lẽ chỉ đủ tiền thuốc thang và học hành 2 đứa nhỏ, còn bữa ăn chắc chỉ rau cháo cho qua ngày em ạ".
Tuy vất vả là thế nhưng đồng lương không phải điều mà chị Nụ và một số đồng nghiệp trăn trở. Cái làm họ thấy buồn là thái độ và hành xử của người đời với nghề quét rác.
Chị Nụ tâm sự thêm, thời buổi này, nhiều người vẫn còn xem thường công việc này lắm, có lần chị đang hót rác ở gần trường cấp 1, có đứa trẻ con đi qua hỏi mẹ nó sao cô kia lại động vào rác thế, người mẹ trả lời làm chị buồn quá.
Những con phố sạch rác sau khi người lao công đi qua |
Giữa đêm, những con đường xa tít với đống nhỏ đống to, nơi thì cái lá, nơi thì mẩu giấy hay đầu mẩu thuốc sạch dần sạch dần theo cái bóng lầm lũi của chị lao công, theo những tiếng chổi tre xao xác, tiếng xẻng sắt đập vào nền đất. Để sáng mai ra, đường phố sạch bong ríu rít tiếng ca, tô điểm bởi gánh hàng hoa và nắng sớm mai trong trẻo. Giữa ồn ào của một ngày mới, người ta dường như quên mất có những con người phải chịu đựng ‘hương rác’ để triệu người được hưởng hương hoa.
Những đống rác nhỏ, rác to mà chị lao công đêm đêm dọn sạch còn để lại cho chị di chứng chẳng lấy làm vui vẻ khi người ta gọi đó là “bệnh nghề nghiệp”. “Hương rác” sau nhiều năm thấm vào phổi khiến có người bị phổi nặng, có người suy kiệt sức khỏe sau nhiều năm tiếp xúc với môi trường độc hại là rác. Nghỉ việc lúc bệnh nặng, thân tàn, những người lao công chỉ có thể trông chờ vào đồng lương bảo hiểm ít ỏi và người thân chăm sóc.
Bóng dáng lầm lũi của chị lao công nhỏ dần nhỏ dần trên con đường đêm hun hút hằn in như một ám ảnh. Chị chẳng “như sắt như đồng” như trong thơ ca nhạc họa mà là một con người bằng xương bằng thịt, cũng phải mưu sinh và dễ tổn thương hơn ai hết. Chị làm sạch phố phường, cũng chẳng mong ai thương mà chỉ mong con cái hiểu nỗi vất vả của nghề, chịu khó học hành giỏi giang để thoát kiếp khổ như của mẹ, để khỏi chịu cảnh cũng làm công ăn lương như ai mà vẫn phải chịu tiếng dè bỉu, bỉ bôi của người đời.
Thế nên, triệu người được đi trên những con phố sạch sẽ tinh tươm, trong lành trong sớm mai ơi, hãy bớt khẩu nghiệp lại để nước mắt lặng thầm đừng rơi nữa trên gương mặt của những người lao công - những người mà chúng ta nhiều khi lỡ quên họ đã hi sinh, đã nhận thiệt thòi về mình cho chúng ta chiếm phần hơn. Và trên hết, hãy gửi một lời cảm ơn tới họ - Cảm ơn những người hùng thầm lặng!
Theo các chuyên gia môi trường, công nhân vệ sinh môi trường, nhất là những người làm nghề thu gom rác, làm việc trong môi trường có nguy cơ nhiễm bệnh rất cao. Người quét rác sẽ phải đối mặt với nhiều loại bệnh nguy hiểm liên quan đến hô hấp và tiêu hóa; thậm chí phải đối mặt với các bệnh nguy hiểm như HIV/AIDS và các bệnh truyền nhiễm khác nếu tiếp xúc với những vật dụng lây bệnh như: kim tiêm, ống chích... Hơn lúc nào hết, hàng ngàn công nhân vệ sinh quét rác trên địa bàn TP Hà Nội mong rằng, quyền lợi hợp pháp, chính đáng của họ phải được chính quyền, cơ quan chức năng quan tâm. Đặc biệt, không chỉ lương, thưởng, các khoản thu nhập được cải thiện, mà các chế độ BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp… cần được bảo đảm. Chỉ như vậy, đời sống của hàng ngàn công nhân vệ sinh môi trường mới được nâng cao, giúp họ gắn bó với nghề lâu dài và đồng nghĩa, TP Hà Nội sẽ ngày càng sạch sẽ, văn minh và hiện đại hơn. |