Giải pháp chuẩn hóa thu gom rác tại Sài Gòn

Đổi phương tiện, ngầm hóa trạm trung chuyển, tổ chức dân lập chuyển sang doanh nghiệp… là những giải pháp được đưa ra để chuẩn hóa việc thu gom rác. 
Bảo vệ môi trường hiệu quả từ mô hình thu gom rác thải nhựa Rác thải rắn sẽ được phân loại tại tất cả các xã, phường vào năm 2025 Nhóm sinh viên Đà Nẵng sáng chế máy thu gom rác dưới nước

Sở Tài Nguyên và Môi trường đang lấy ý kiến đóng góp cho đề án chuẩn hóa việc thu gom, vận chuyển rác bằng hai nhóm giải pháp, để trình UBND TP HCM trước ngày 15/12.

Đối với việc thu gom, vận chuyển, sẽ có hơn 1.700 phương tiện được chuyển đổi sang các loại thùng nhựa 660 lít, xe điện đẩy 660 lít và 18 loại xe cơ giới. Tổ chức thu gom rác được hỗ trợ vay 70% giá trị phương tiện với lãi suất 4,27% trong 7 năm từ quỹ bảo vệ môi trường. Hiện, đã chuyển đổi 91 phương tiện, chiếm 5,2%.

Trong giai đoạn 2020-2021, tất cả các quận nội thành sẽ phải chuyển đổi phương tiện, năm 2025 đến lượt các khu vực ngoại thành.

Các trạm trung chuyển rác được định hướng quy hoạch sử dụng công nghệ hiện đại, ép rác kín, thân thiện môi trường. Đến năm 2050 giảm dần còn 36 trạm trung chuyển, nghiên cứu xây dựng các trạm trung chuyển ngầm, bán ngầm. Hiện, thành phố đầu tư 3 trạm trung chuyển mới theo công nghệ ép kín (hai trạm tại quận 12, một tại Thủ Đức) và đang xin chủ trương làm thêm 5 trạm. Các điểm tập kết rác không phù hợp sẽ bị xóa bỏ.

Việc tổ chức thu gom rác sẽ sắp xếp lại cho phù hợp tuyến, thời gian, tăng hiệu quả, tránh việc thu gom chồng chéo nhiều đơn vị. Tần suất thu gom cũng được điều chỉnh tăng dần tùy theo tình hình thực tế.

Giải pháp chuẩn hóa thu gom rác tại Sài Gòn
Xe thu gom rác thải tại quận Thủ Đức hiện nay. Ảnh: Hà An.

Với nhóm giải pháp về chính sách, đến hết năm 2020 thành phố sẽ hỗ trợ nhiều nguồn lực để chuyển đổi các tổ chức rác dân lập sang doanh nghiệp hoặc HTX. Hoạt động tại các đơn vị sẽ quy củ hơn khi có tư cách pháp nhân, được hỗ trợ về vốn vay, lãi suất, ưu đãi thuế; miễn giảm học phí cho con em người thu gom rác.

Mỗi ngày, TP HCM thải ra môi trường hơn 9.000 tấn rác thải sinh hoạt, tốc độ tăng 5% mỗi năm. Tổ chức dân lập chiếm 60% khối lượng thu gom rác thải với hơn 2.100 phương tiện và khoảng 4.000 công nhân. Khi chuyển đổi, những người trực tiếp thu gom rác dân lập (có hợp đồng lao động) được trang bị đồng phục bảo hộ, hỗ trợ đào tạo nghề, chuyển đổi bằng lái xe, người lao động có trình độ đại học và cao đẳng được hỗ trợ từ 800.000 đồng đến 1,2 triệu đồng một tháng...

Nguồn: VnExpress
vnexpress.net
Phiên bản di động