Tai nạn lao động tăng cao, chủ yếu xảy ra trong lĩnh vực xây dựng

Năm 2018, số vụ tai nạn lao động (TNLĐ) xảy ra chủ yếu trong lĩnh vực xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng, cơ khí luyện kim.    
Truy tìm xe khách chạy ngược chiều trên QL1A 22 người tử vong vì tai nạn giao thông trong ngày nghỉ lễ thứ 3

Theo Cục An toàn lao động (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho biết, qua báo cáo của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, năm 2018, trên toàn quốc đã xảy ra 7.997 vụ TNLĐ với 8.229 người bị nạn. Trong đó, khu vực có quan hệ lao động xảy ra 578 vụ TNLĐ chết người, làm 622 người chết; khu vực người lao động làm việc không có hợp đồng lao động xảy ra 394 vụ TNLĐ chết người làm 417 người chết.

So với năm 2017, số vụ TNLĐ chết người và số người chết trong khu vực có quan hệ lao động giảm lần lượt là 10,8% và 6,6%. Còn trong khu vực người lao động làm việc không có hợp đồng lao động lại tăng tương ứng là 57,6% và 59,16%.

tai nan lao dong tang cao chu yeu xay ra trong linh vuc xay dung
Công trình xây dựng cây xăng trên địa bàn xã Hải Châu (huyện Hải Hậu, Nam Định) đang thi công thì bất ngờ đổ sập khiến một người tử vong.

Trả lời báo chí, ông Hà Tất Thắng - Cục trưởng Cục An toàn lao động cho biết: TNLĐ trong khu vực người lao động làm việc không theo hợp đồng tăng cao, bởi vì từ ngày 1/7/2016, việc thống kê, báo cáo TNLĐ trong khu vực không có quan hệ lao động bắt đầu được triển khai theo quy định của Luật ATVSLĐ. Năm 2017, mới có 41 tỉnh thực hiện thống kê, năm 2018 con số này đã lên được 52 tỉnh. Điều này cho thấy ngày càng có nhiều địa phương quan tâm đến công tác thống kê TNLĐ. Chính vì vậy, con số TNLĐ cũng sẽ tăng lên và phản ánh đúng hơn về thực trạng ATVSLĐ và từ đó chúng ta sẽ có những chính sách phù hợp hơn để cải thiện tình hình TNLĐ.

Các vụ TNLĐ xảy ra chủ yếu trong lĩnh vực xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng, cơ khí luyện kim. Đáng lưu ý, năm 2018 đã xảy ra 17 vụ TNLĐ nghiêm trọng (làm chết từ 2 người trở lên và làm bị thương nhiều người) tại các địa phương: Cao Bằng, Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng, Nghệ An, Hà Tĩnh, Đồng Nai, Trà Vinh, Đắk Nông.

TNLĐ xảy ra trong các lĩnh vực xây dựng, khai thác khoáng sản, điện, nổ lò, ngạt khí. Ngoài một số vụ TNLĐ nghiêm trọng đang trong quá trình điều tra, chưa có hình thức xử lý, năm 2018 có 15 vụ đề nghị khởi tố, trong đó 3 vụ đã có quyết định khởi tố của cơ quan cảnh sát điều tra.

Nguyên nhân dẫn đến TNLĐ, theo đánh giá của các cơ quan chức năng, nguyên nhân do người sử dụng lao động chiếm 46,49%. Cụ thể: Người sử dụng lao động không xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn chiếm 24,56% tổng số vụ; Do tổ chức lao động và điều kiện lao động chiếm 9,64% tổng số vụ; Người sử dụng lao động không huấn luyện an toàn lao động hoặc huấn luyện an toàn lao động chưa đầy đủ cho người lao động chiếm 7,02% tổng số vụ; Thiết bị không đảm bảo an toàn lao động chiếm 0,88% tổng số vụ. Nguyên nhân người lao động vi phạm quy trình quy chuẩn an toàn lao động chiếm 18,42% tổng số số vụ. Còn lại 35,06% là những vụ TNLĐ xảy ra do các nguyên nhân khác như: tai nạn giao thông, nguyên nhân TNLĐ do người khác, khách quan khó tránh...

Theo báo cáo sơ bộ của các địa phương cho biết, thiệt hại về vật chất do TNLĐ xảy ra năm 2018 như sau: chi phí tiền thuốc, mai táng, tiền bồi thường cho gia đình người chết và những người bị thương... là 1.494 tỉ đồng; thiệt hại về tài sản là 5,0 tỉ đồng; tổng số ngày nghỉ do tai nạn lao động là 127.034 ngày.

Duy Tân
Phiên bản di động