Sunhouse có đang 'lập lờ' giữa thương hiệu Việt và hàng Trung Quốc?
Nồi cơm điện Sunhouse hàng Việt Nam ghi xuất xứ Trung Quốc là do... nhầm lẫn? |
Như Tuổi trẻ và Pháp luật đã thông tin, vừa qua, trên mạng xã hội đang lan truyền các thông tin hình ảnh về sản phẩm nồi cơm điện SHD8602 của Công ty CP Tập đoàn Sunhouse có tem hàng Việt Nam chất lượng cao nhưng ở dưới kệ bán hàng lại ghi xuất xứ Trung Quốc khiến dư luận xôn xao.
Liên quan đến thông tin này, Công ty CP Tập đoàn Sunhouse đã chính thức lên tiếng phủ nhận.
Theo đó, Tập đoàn Sunhouse cho biết, hình ảnh sản phẩm được đặt tại bảng giá của siêu thị Co.op Mart ghi xuất xứ Trung Quốc dẫn đến hiểu lầm sản phẩm SHD8602 nhập khẩu Trung quốc. Trong khi đó sản phẩm này được sản xuất tại nhà máy Sunhouse Việt Nam.
Sản phẩm nồi cơm điện của Sunhouse được bày bán tại siêu thị Co.op Mart. |
Bên cạnh đó, hình ảnh sản phẩm được đặt tại mã tem phụ của sản phẩm khác dẫn đến người tiêu dùng hiểu lầm về xuất xứ của sản phẩm nồi cơm điện SHD8602 là Trung Quốc.
Theo lý giải của Tập đoàn Sunhouse, nồi cơm điện SHD8602 là một sản phẩm được sản xuất trên dây chuyền của Công ty TNHH Sản xuất Đồ gia dụng Sunhouse - sở hữu 100% vốn bởi Tập đoàn Sunhouse. Sản phẩm này cũng được Quatest 1 - Trung tâm kỹ thuật tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng 1 trực thuộc Bộ khoa học công nghệ đánh giá chứng nhận theo Phương thức 5, quy định tại Phụ lục 2 thông tư 28/2012/TT-BKHCN.
Trên cơ sở đó, Tập đoàn Sunhouse khẳng định, sản phẩm nồi cơm điện Sunhouse SHD8602 được sản xuất tại Việt Nam và được kiểm soát theo quy chuẩn kỹ thuật số 4:2009/BKHCN. ''Về việc siêu thị ghi nhầm xuất xứ trên bảng giá, Sunhouse đã có công văn chính thức gửi sang đối tác kinh doanh yêu cầu đính chính thông tin về xuất xứ sản phẩm'', đơn vị này cho biết.
Sản phẩm Quạt tích điện Sunhouse SHD7112 có xuất xứ từ Trung Quốc nhưng mang thương hiệu Sunhouse. |
Mặc dù đã lên tiếng giải thích, và những lời giải thích rất có cơ sở. Tuy nhiên, người tiêu dùng lại cho rằng, Sunhouse và các thương hiệu khác cần phải phân định rõ ràng về hàng Việt Nam và hàng nước ngoài, đặc biệt là trong bối cảnh đang lùm xùm hàng Trung Quốc 'núp bóng' hàng Việt Nam trôi nổi trên thị trường.
Bởi thực tế, theo khảo sát của phóng viên tại một số siêu thị trên địa bàn TP Hà Nội, nhiều sản phẩm được gắn nhãn hiệu của Sunhouse nhưng lại ghi xuất xứ từ Trung Quốc. Trong đó, điển hình là sản phẩm: Quạt tích điện Sunhouse; nồi cơm điện; máy làm mát không khí có xuất xứ từ Trung Quốc, Thái Lan... nhưng mang thương hiệu Sunhouse và được kiểm soát bởi chuyên gia Sunhouse Hàn Quốc khiến người tiêu dùng không khỏi thắc mắc.
Rõ ràng, với cách ghi nhãn rắc rối như vậy dễ khiến khiến người tiêu dùng bị hoang mang không hiểu thực chất đây là sản phẩm của nước nào, có đảm bảo chất lượng hay không?. Hơn nữa, hàng Việt Nam sẽ gồm có những tiêu chí nào thì nhà sản xuất cũng phải công bố chi tiết để tránh nhầm lẫn.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng - Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ Đạo 389 Quốc gia vừa có văn bản giao Tổng cục Hải quan chủ trì phối hợp với Tổng cục Thuế và các đơn vị liên quan rà soát việc thực hiện quản lý nhà nước đối với việc nhập khẩu các sản phẩm sản xuất tại nước khác nhưng gắn nhãn xuất xứ Việt Nam để bán ra thị trường Việt Nam. Bên cạnh đó, Tổng cục Hải quan và Tổng cục Thuế cũng được giao phối hợp với các đơn vị liên quan chỉ đạo các Cục Hải quan, Cục Thuế các tỉnh, thành phố rà soát nhằm phát hiện các trường hợp tương tự và đề xuất các biện pháp thanh tra, kiểm tra, chống thất thu, nợ đọng thuế, chống chuyển giá, trốn thuế; đồng thời xem xét trách nhiệm của đơn vị để xảy ra tình trạng trốn thuế, gây thất thu ngân sách nhà nước. Tổng cục Hải quan chủ trì tổng hợp chung, trình Bộ báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 20/7/2019. |