Sức sống mới trên chiến trường Điện Biên Phủ

Chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc sau 56 ngày đêm, quân và dân ta chiến đấu anh dũng và giành thắng lợi hoàn toàn vào ngày 7/5/1954. Sau 66 năm ngày giải phóng, bằng sự quan tâm đầu tư của Đảng, nhà nước, tỉnh Điện Biên đã có bước đổi thay rõ rệt và khá toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực đời sống xã hội, khẳng định sức mạnh đoàn kết, đồng lòng vươn lên của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc nơi phên dậu biên giới cực Tây Tổ quốc.    
Vụ phá rừng phòng hộ làm đường ở Điện Biên: Ai đã bật “đèn xanh” cho sai phạm? Điện Biên tiếp nhận và cách ly y tế hơn 900 công dân từ Lào về nước; thực hiện nghiêm "cách ly xã hội" Điện Biên: Làm rõ thủ đoạn của nhóm đối tượng 10X trộm xe máy chuyên nghiệp

Nỗ lực vươn mình đổi mới

Kết thúc chiến tranh chống thực dân Pháp xâm lược, mảnh đất Điện Biên Phủ bị tàn phá nặng nề, khắp nơi hoang tàn, đồng ruộng bị cày xới, đâu đâu cũng ngổn ngang vũ khí, bom đạn còn sót lại. Để bắt tay xây dựng lại Điện Biên, chỉ riêng việc thu dọn chiến trường đã mất tới 2 năm.

suc song moi tren chien truong dien bien phu
Một góc TP Điện Biên Phủ

Khó khăn, thách thức là vậy, song với tinh thần phát huy truyền thống Điện Biên Phủ anh hùng, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên đã tập trung xây dựng, củng cố hệ thống chính trị, chú trọng khai thác các tiềm năng, thế mạnh của tỉnh để nâng cao tốc độ tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế; chăm lo phát triển văn hóa - xã hội, xóa đói giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng và củng cố thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân để hôm nay có một Điện Biên vững vàng nơi biên cương cực Tây của Tổ quốc.

Lên Điện Biên, nhiều du khách đã lựa chọn hành trình theo quốc lộ 6 để có thể cảm nhận một Tây Bắc thơ mộng, một Pha Đin kỳ vĩ giữa núi rừng trùng điệp. Tháng 5, thả bước trên đại lộ Võ Nguyên Giáp (TP Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên), chúng tôi có cảm nhận rất rõ, trên mỗi gương mặt người dân một nét thân quen, dường như trong mắt ai cũng đang cháy lên niềm kiêu hãnh, tự hào về những chiến công mà cha ông ta đã phải hy sinh sương máu để giành lại độc lập, tự do cho thế hệ hôm nay được sống trong hòa bình, hạnh phúc. Đêm, trên đồi D1, Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ lung linh với những ngọn đèn trang trí nhiều mầu.

suc song moi tren chien truong dien bien phu
Đồi A1

Là cựu chiến binh tham gia đánh Him Lam - trận mở màn trong chiến dịch Điện Biên Phủ, vào 17 giờ ngày 13/3/1954, nay thăm lại Him Lam, thăm lại Mường Thanh, Độc Lập trong lòng TP Điện Biên Phủ, ông Nguyễn Hữu Chấp (Đại đội 290, Tiểu đoàn 166, Trung đoàn 209, Đại đoàn 312) nhắc lại cho chúng tôi về những khó khăn của Điện Biên sau ngày giải phóng, ông Chấp không thể nào quên cảnh đói nghèo, bệnh tật hành hạ người dân Điện Biên, Tuần Giáo, Mường Lay. Đồng ruộng thành chiến địa cho nên trong công cuộc cải tạo, bộ đội, nhân dân Điện Biên đã phải đổ mồ hôi, nước mắt và cả máu. Bốn năm sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, ruộng đất nơi đây còn bỏ hoang nhiều. Ngày ấy, trên nền chiến trường xưa, đâu đâu cũng thấy đủ các loại bom, mìn. Vượt qua khó khăn, hiểm nguy, hàng nghìn chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong đã ở lại xây dựng nông trường Điện Biên và đã tiếp tục chiến thắng “giặc” đói, “giặc” nghèo. Nhiều đồng chí trở thành kỹ sư trồng trọt, kỹ sư chăn nuôi, giúp người dân Điện Biên khai hoang, phục hóa phát triển sản xuất, để hôm nay vựa lúa “Nhất Thanh” đã giúp người dân “Mường Trời” no ấm.

suc song moi tren chien truong dien bien phu
Bảo tàng chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ

Đến Điện Biên hôm nay, du khách đều cảm nhận rất rõ về cuộc sống, diện mạo nông thôn ở hầu khắp các huyện, thị xã và các bản, làng vùng cao, biên giới, khoác trên minh một tấm áo mới, sự đổi thay kỳ diệu đó như thắp sáng thêm niềm tự hào về Chiến thắng Điện Biên Phủ. Ông Mùa A Sơn, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên nói về sự đổi thay ở Điện Biên với niềm tự hào. Từ một tỉnh nghèo đói, xuất phát điểm thấp vì chiến tranh, sản xuất manh mún, lạc hậu, Điện Biên đã vươn lên trở thành tỉnh có kinh tế trung bình trong khu vực trung du và miền núi phía bắc.

Đến hết năm 2019, 100% số xã ở Điện Biên đã có đường ô tô đến trung tâm; gần 90% dân số được sử dụng điện lưới quốc gia; thu nhập bình quân đầu người đạt gần 30 triệu đồng/người/năm. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội tiếp tục được đầu tư. Văn hóa, xã hội có nhiều chuyển biến tích cực. Sự nghiệp giáo dục - đào tạo phát triển nhanh. Công tác y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân có nhiều tiến bộ. Giá trị văn hóa tốt đẹp của các dân tộc được bảo tồn, phát triển. Tình hình chính trị ổn định, quốc phòng - an ninh được củng cố, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; quan hệ đối ngoại mở rộng. Xây dựng Ðảng, xây dựng hệ thống chính trị đạt kết quả tích cực…

suc song moi tren chien truong dien bien phu
Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch

Về thăm Sở Chỉ huy chiến dịch ở xã Mường Phăng, các chiến sĩ Điện Biên năm xưa và cả du khách muôn phương không khỏi ngỡ ngàng trước những đổi thay về cuộc sống của người dân căn cứ địa năm xưa. Chính tại nơi này 66 năm trước, khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Bộ Tổng tham mưu chiến dịch ở, nơi đây chỉ toàn lau lách, rừng già; người dân sống thưa thớt, đường đi lối lại chủ yếu luồn rừng. Vậy mà nay, trung tâm xã Mường Phăng mang dáng dấp của một khu đô thị nhỏ miền núi. Từ cuối năm 1997 và đầu năm 1998, Mường Phăng được Nhà nước đầu tư xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng. Ðiện, đường, trường, trạm gần như cùng lúc được xây dựng; trong đó, phải kể đến đoạn đường từ dốc Nà Nhạn vào trong xã được rải nhựa phẳng lỳ.

Trên con đường, vẫn còn đó những địa danh mộc mạc mà bất tử, đó là “Dốc bảy tời”, “Ðồi chuối”... nơi Anh hùng quân đội Tô Vĩnh Diện hy sinh thân mình để cứu một khẩu pháo không bị rơi xuống vực. Phát huy tinh thần Ðiện Biên Phủ, bà con các dân tộc Mường Phăng đã và đang áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, loại bỏ dần các hủ tục, từng bước xóa đói giảm nghèo, xây dựng bản làng ngày càng ấm no.

Trong lĩnh vực kinh tế - xã hội, nhiều năm liền Điện Biên duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Riêng năm 2019, tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP đạt trên 7%, cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng định hướng; thu ngân sách nhà nước trên địa bàn vượt dự toán, nhất là nguồn thu từ đất tiếp tục tăng cao; môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện, thu hút đầu tư đạt khá, cải cách hành chính tiếp tục có chuyển biến rõ nét; công tác xóa đói giảm nghèo đạt được kết quả tích cực, các chính sách an sinh xã hội được đảm bảo, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được không ngừng được nâng lên.

suc song moi tren chien truong dien bien phu
Mùa gặt trên cánh đồng Mường Phăng

Hiện nay, tỉnh Điện Biên đang chú trọng phát triển các vùng sản xuất tập trung, chuyên canh, tạo ra những sản phẩm đặc sản mang thương hiệu của Điện Biên như: lúa gạo Điện Biên, Tuần Giáo; chè Tủa Chùa; cà phê Mường Ảng, cao su Điện Biên, Mường Chà, Mường Nhé...

Đặc biệt, một trong những thành tựu không thể không nhắc tới đó là việc khai thác và phát huy tiềm năng sản xuất lúa gạo của cánh đồng Mường Thanh. Với diện tích hơn 7 ngàn hécta được tập trung sản xuất các loại gạo đặc sản có giá trị kinh tế cao. Gạo từ cánh đồng Mường Thanh không chỉ cung cấp tại địa bàn mà còn xuất đi các tỉnh, thành trong cả nước, đã và đang từng bước tạo dựng thương hiệu gạo Điện Biên trên thị trường cả nước.

Gìn giữ giá trị lịch sử, văn hóa

Là mảnh đất mang ý nghĩa giá trị lịch sử, văn hóa đặc biệt, 66 năm qua, Điện Biên vinh dự và tự hào được thay mặt nhân dân cả nước gìn giữ và phát huy giá trị quần thể di tích chiến trường Điện Biên Phủ - một trong 10 di tích quốc gia đặc biệt của cả nước được công nhận lần đầu. Trong đó bao gồm các di tích nổi bật của chiến trường Ðiện Biên năm xưa như: Đồi A1, C1, C2, D1, cứ điểm Hồng Cúm, Him Lam, đồi Ðộc Lập, cầu Mường Thanh, Sân bay Mường Thanh và hầm chỉ huy tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Những dấu tích chiến tranh còn lại của quần thể di tích lịch sử Điện Biên Phủ đang được gìn giữ, bảo tồn và phát huy, là điểm du lịch hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước.

suc song moi tren chien truong dien bien phu
Đồi A1 - di tích nổi tiếng chiến trường Điện Biên Phủ năm xưa, giờ là điểm đến hấp dẫn du khách.

Tiềm năng du lịch lịch sử và du lịch văn hóa đã và đang được Điện Biên khai thác, phát huy, thu hút hàng trăm ngàn lượt khách trong nước, quốc tế đến với Điện Biên mỗi năm. Từ tiềm năng, thế mạnh này, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã xác định đẩy mạnh phát triển du lịch, dịch vụ là một trọng tâm trong phát triển kinh tế, phấn đấu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.

Song song với đó, tỉnh Điện Biên cũng chú trọng phát triển cơ sở hạ tầng, xóa đói giảm nghèo. Với đặc thù của một tỉnh miền núi cao địa hình phức tạp, dân cư phân tán, những năm qua, các chương trình, dự án trọng điểm đã được quan tâm chỉ đạo triển khai thực hiện; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội tiếp tục được tăng cường, bộ mặt đô thị và nhiều vùng nông thôn tiếp tục đổi thay, tiến bộ. An sinh xã hội được đảm bảo; tỷ lệ hộ nghèo và hộ cận nghèo giảm, đời sống của nhân dân các dân tộc từng bước được cải thiện.

suc song moi tren chien truong dien bien phu
Cuộc sống người dân no ấm nhờ phát triển du lịch cộng đồng

Những chuyển biến, đổi thay và thành tích nổi bật của tỉnh Điện Biên sau 66 năm kể từ ngày được giải phóng đã tạo dấu mốc quan trọng trong bước đường phát triển và trưởng thành; đồng thời khẳng định sức mạnh đoàn kết của nhân dân các dân tộc, niềm tin của người dân đối với đường lối và sự lãnh đạo của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ, chính quyền tỉnh, cùng với sự đoàn kết, chung tay, góp sức của nhân dân các dân tộc toàn tỉnh chung tay xây dựng một Điện Biên phát triển, ấm no, hạnh phúc.

suc song moi tren chien truong dien bien phu
Cuộc sống người dân Mường Phăng nơi đóng chân Sở Chỉ huy Chiến dịch

Trong xu thế phát triển và hội nhập hiện nay, Đảng bộ, chính quyền tỉnh Điện Biên xác định sẽ kế thừa, phát huy truyền thống Điện Biên Phủ anh hùng và những thành quả đạt được trong thời gian qua để tiếp tục xây dựng củng cố hệ thống chính trị; nâng cao năng lực chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp, đẩy mạnh việc khai thác tiềm năng, thế mạnh, phát huy nội lực, đi đôi với mở rộng quan hệ hợp tác thu hút đầu tư, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để phát triển nhanh, bền vững, xây dựng Điện Biên thành một trong những tỉnh phát triển trong vùng trung du và miền núi phía Bắc.

Mai Khôi
Phiên bản di động