Sửa đổi, bổ sung các quy định để thúc đẩy kinh tế Thủ đô phát triển
Quốc hội thảo luận về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) - giải pháp giúp Hà Nội thực hiện TOD Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã thống nhất về tư duy và tầm nhìn |
Chiều 28/5 tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội họp phiên toàn thể ở hội trường, thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).
Đại biểu Thạch Quốc Bình phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh QH. |
Góp ý dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) tại hội trường, đại biểu Thạch Phước Bình - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh nhấn mạnh, Hà Nội không chỉ là trung tâm của các hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, và giáo dục mà còn là biểu tượng của sự phát triển, đoàn kết và thịnh vượng của đất nước và được ví như “trái tim của cả nước”. Do đó, đại biểu cơ bản đồng tình với sự cần thiết và nhiều nội dung của dự thảo luật. Để hoàn thiện dự thảo luật, đại biểu góp ý một số nội dung:
Về vị trí vai trò của Thủ đô (Điều 2), đại biểu đề nghị bổ sung Khoản 2 Điều 2: “Thủ đô cũng là trung tâm y tế và chăm sóc sức khỏe lớn nhất của cả nước”. Điều này nhằm nhấn mạnh vai trò quan trọng của Hà Nội trong lĩnh vực y tế, đặc biệt là khi nhu cầu chăm sóc sức khỏe và y tế ngày càng tăng. Đồng thời bổ sung vào Khoản 3 Điều 2 nội dung các cơ quan quan trọng khác để đảm bảo tính bao quát và rõ ràng hơn về các cơ quan Trung ương đặt tại Thủ đô.
Về giải thích từ ngữ, đại biểu Thạch Phước Bình đề nghị bổ sung thêm Khoản 7 Điều 3 quy định: “Khu vực đặc quyền kinh tế là khu vực xác định trong quy hoạch chung Thủ đô, có chính sách ưu đãi đặc biệt về thuế, đất đai và đầu tư để thúc đẩy phát triển kinh tế” nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển kinh tế, thu hút đầu tư vào những khu vực được quy hoạch, thúc đẩy kinh tế Thủ đô.
Về trách nhiệm xây dựng phát triển quản lý và bảo vệ Thủ đô (Điều 5), đề nghị sửa đổi khoản 1 Điều 5 theo hướng “Xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô là nhiệm vụ thường xuyên, trực tiếp và liên tục của các cấp chính quyền, người dân TP Hà Nội; đồng thời là trách nhiệm chung của các cơ quan tổ chức, lực lượng vũ trang và toàn thể nhân dân cả nước”.
Về tổ chức chính quyền ở TP Hà Nội (Điều 8, Điều 9 và Điều 10), đại biểu đề nghị sửa đổi Khoản 1 Điều 8 theo hướng “Chính quyền địa phương ở thành phố Hà Nội, huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc TP, xã, thị trấn là cấp chính quyền địa phương gồm HĐND và UBND với cơ cấu tổ chức và nhiệm vụ quyền hạn rõ ràng, phù hợp với Luật Tổ chức chính quyền địa phương”. Sửa đổi Khoản 3 Điều 9 theo hướng: “Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội được thành lập không quá 5 Ban để tham mưu về các lĩnh vực cụ thể, nhằm đảm bảo hiệu quả và tránh sự phân tán quyền lực”. Bổ sung Khoản 5 Điều 10 theo hướng: “UBND TP Hà Nội có quyền đề xuất và thực hiện các biện pháp khuyến khích đầu tư và phát triển bền vững, nhằm tăng cường sự phát triển kinh tế xã hội của Thủ đô”.
Về chính sách đặc thù (Điều 34), đại biểu Thạch Phước Bình đề nghị nghiên cứu bổ sung 1 khoản hoặc sửa đổi, bổ sung tại Điều 34 khái quát theo hướng: “Thủ đô Hà Nội được áp dụng các chính sách đặc thù về tài chính, đất đai và đầu tư nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án đầu tư công và tư nhân”.