Sứ mệnh quan trọng của hệ thống đài truyền thanh cơ sở
Xã miền núi Chiềng Phung tiếp nhận hệ thống truyền thanh cơ sở công nghệ mới Số hóa truyền thanh cơ sở để bắt nhịp với thời đại 4.0 Tuyên truyền phòng chống Covid-19: Truyền thanh cơ sở "xung kích" |
Là một công dân Thủ đô và cũng là người đã trải nghiệm gần 20 năm làm công tác truyền thanh - phát thanh - truyền hình, ông Ngô Thế Tiến, nguyên Giám đốc Đài phát - Thanh truyền hình Hà Tây, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hà Tây đã bày tỏ sự vui mừng, phấn khởi khi thành phố Hà Nội công bố kế hoạch xây dựng, củng cố đài truyền thanh cơ sở từ nay đến năm 2025.
Khắc phục những "nhược điểm" của loa phường
Ông Ngô Thế Tiến đánh giá cao vai trò và tác dụng của loa phường "Thực tế trong những năm qua, nhất là từ năm 2020 đến nay, đại đa số các đài truyền thanh xã, phường, thôn bản trên địa bàn thành phố Hà Nội đã hoạt động tương đối tốt, phát huy tác dụng cao trong việc thông tin tới Nhân dân các chủ trương, chính sách, chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Nhà nước, nhất là trong 2 năm phòng chống dịch bệnh COVID-19. Tác dụng này được các cấp ủy Đảng, chính quyền và Nhân dân đánh giá cao".
Hệ thống đài truyền thanh cơ sở đã phát huy tác dụng truyền thông phòng chống dịch COVID-19 (Ảnh minh họa) |
Tuy nhiên, ông Tiến cũng thẳng thắn chỉ ra những nhược điểm của hệ thống đài truyền thanh cơ sở.
"Một số đài truyền thanh cơ sở chưa hoạt động thường xuyên, nề nếp; Nội dung thông tin không sát với các nhiệm vụ công tác của cấp ủy, chính quyền, hợp tác xã; Thậm chí biến đài thành phương tiện rao vặt của các đoàn thể, các hội, các tổ chức dịch vụ tại địa phương, quảng cáo không công cho những cơ sở, công ty dịch vụ (trong đó quảng cáo các mặt hàng kém phẩm chất), thổi phồng tác dụng của các loại thuốc, sản phẩm hàng hóa dễ lừa gạt niềm tin của người dân. Một số đài truyền thanh phường ở nội đô truyền thanh trong các khung giờ không hợp lý hoặc các chùm loa phóng đại âm thanh làm ảnh hưởng đến giấc ngủ, sinh hoạt của Nhân dân", ông Tiến cho biết.
Nguyên nhân của các tồn tại, hạn chế nói trên là do nhận thức của một số cấp ủy, chính quyền, cán bộ phụ trách công tác văn hóa, thông tin ở cơ sở và bản thân những người trực tiếp làm truyền thanh chưa nắm vững vai trò, vị trí, chức năng, tác dụng và tính đặc thù của đài truyền thanh cơ sở.
Bên cạnh đó, họ chưa coi trọng đài truyền thanh cơ sở là một văn hóa rất quan trọng, không thể thiếu được ở địa phương, cơ sở, chưa dành kinh phí thỏa đáng cho mua sắm micro, loa đài, đường dây truyền thanh.
Các địa phương chưa chú trọng lựa chọn và đào tạo, bồi dưỡng người làm truyền thanh, chưa có thù lao thỏa đáng cho người làm truyền thanh....
"Do đó để thực thi kế hoạch của thành phố về xây dựng củng cố đài truyền thanh cơ sở trên địa bàn từ nay đến năm 2025, chúng ta cần nhận thức đầy đủ, sâu sắc vai trò, vị trí, chức năng, tác dụng và tính đặc thù của hoạt động", ông Tiến cho biết.
Tính đặc thù của đài truyền thanh cơ sở
Đài truyền thanh cơ sở là phương tiện thông tin tới toàn dân, đường lối, chủ trương, chính sách chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính quyền, các đoàn thể quần chúng, các tổ chức kinh tế.
Bên cạnh đó, đài truyền thanh cơ sở đã cổ vũ các tầng lớp Nhân dân tích cực lao động sản xuất, công tác, giảng dạy, học tập; Xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, xây dựng Nông thôn mới, đô thị văn minh, bảo vệ an ninh trật tự xã hội, đấu tranh phòng chống tiêu cực - chỉ ra những thói hư, tật xấu trong một bộ phận người dân.
Ảnh minh họa |
Đài truyền thanh cơ sở còn là công cụ điều hành rất hiệu quả của cấp ủy, chính quyền, các tổ chức xã hội ở cơ sở nhất là trong các chiến dịch công tác, phòng chống thiên tai bão lụt, dịch bệnh; sinh hoạt, hội họp.
"Thực tế có một số ít người, trong đó có cá nhân một số đồng chí trong cấp ủy, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân xã, phường, một số đồng chí phụ trách thôn bản, tổ dân phố cho rằng trong thời kì bùng nổ thông tin như hiện nay thì không cần có sự tồn tại, hoạt động của đài truyền thanh cơ sở. Nhận thức này hoàn toàn không đúng. Chúng ta cần khẳng định dù phương tiện thông tin có hiện đại tới đâu thì cũng không bỏ được đài truyền thanh cơ sở", ông Ngô Thế Tiến chia sẻ.
Đài truyền thanh xã, phường là thiết chế văn hóa rất quan trọng ở địa phương, cơ sở; Là tổ chức hoạt động sự nghiệp, tương đương với trạm y tế và các hội, đoàn thể quần chúng. Đài truyền thanh xã, phường có đặc thù riêng. Cán bộ làm truyền thanh vừa phải làm biên tập, vừa phải làm kỹ thuật, quản lý hệ thống đường dây, loa.
Điều này khác với Đài Phát thanh - truyền hình huyện, quận và cấp thành phố. Những tổ chức này có người làm biên tập, phóng viên, kĩ thuật viên và có cả phát thanh viên, cán bộ tổ chức hành chính...
Khi chúng ta đã có nhận thức đầy đủ, sâu sắc về vai trò, vị trí, chức năng, tác dụng và tính đặc thù của đài truyền thanh cơ sở, các cấp ủy Đảng, chính quyền xã, phường có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, đầu tư kinh phí cho mua sắm micro, dây, loa, nhà đài (nên có phòng, nhà riêng, không nên để chung với các bộ phận khác).
Ngoài ra, các địa phương cần bố trí cán bộ có bản lĩnh, năng lực, hiểu biết làm ở đài; Tạo điều kiện để cán bộ của đài được dự các cuộc họp, sự kiện quan trọng của địa phương để kịp thời thông tin tới Nhân dân; Có chính sách chế độ thù lao cho người làm truyền thanh; Đồng thời có phân công cán bộ lãnh đạo chủ chốt của xã, phường, phụ trách công tác truyền thanh; Có quy chế hoạt động của Đài; Có sự chỉ đạo, thẩm duyệt cùng lãnh đạo khi có những sự kiện và vấn đề quan trọng...
"Thực hiện tốt những nhiệm vụ, công việc trên thì chúng ta mới có sự chắc chắn về kế hoạch truyền thanh của thành phố (từ nay đến nằm 2025 có 529 đài truyền thanh xã, phường) hoạt động tốt.
Ngoài ra, chúng ta cũng cần chú trọng tổ chức, cải tiến hoạt động của các đài truyền thanh xã, phường sao cho nội dung thông tin tốt. Giờ truyền thanh hợp lý, bố trí các cụm loa không được gần trường học, bệnh viện, công sở; Không phát âm thanh quá to, ảnh hưởng đến sinh hoạt, giấc ngủ của Nhân dân. Từ đó, hệ thống đài truyền thanh cơ sở mới hoạt động tốt và mang lại niềm tin, sự đón nhận của người dân", ông Ngô Thế Tiến đề xuất.