Tuyên truyền phòng chống Covid-19: Truyền thanh cơ sở "xung kích"
Ông Nguyễn Văn Tạo cho biết: cả nước hiện có hơn 9.700 đài truyền thanh của xã, phường, thị trấn cùng với 673 cơ sở truyền thanh - truyền hình cấp huyện. Đây là lực lượng chủ lực trong công tác thông tin, tuyên truyền hiện nay ở cơ sở.
Thường ngày, các đài truyền thanh cơ sở phát 02 lần vào khung giờ cố định sáng và chiều, với thời lượng từ 01 đến 1,5 h/lần, nhưng trong thời điểm tập trung phòng, chống đại dịch Covid-19 hiện nay thì tất cả các đài đều tăng tần suất hoạt động lên 3 - 4 lần/ngày. Việc tăng thời lượng phát sóng giúp cập nhật diễn biến tình hình dịch bệnh, những nội dung chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền địa phương, các khuyến cáo, hướng dẫn các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh của cơ quan y tế đến người dân ở từng thôn, xóm, tổ dân phố, khu dân cư.
Loa phát thanh di động ở Yên Lạc, Vĩnh Phúc. Ảnh: Theo Báo Vĩnh Phúc |
Theo thống kê của một số địa phương trong thời điểm chống dịch hiện nay: Tần suất phát sóng của các đài truyền thanh cơ sở ở tỉnh Hà Nam là 3 lần/ngày, thời lượng phát sóng về dịch bệnh trung bình khoảng 30 phút/ngày; ở tỉnh Gia Lai tần suất phát sóng là 4 lần/ngày, thời lượng phát sóng về dịch bệnh trung bình là 65 phút/ngày; ở tỉnh Cà Mau tần suất phát sóng là 4 lần/ngày, số lượng tin, bài về phòng, chống dịch bệnh phát sóng trung bình là 150 tin, bài/tuần...
Trong công tác tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh Covid-19 hiện nay, các địa phương trong cả nước đều sử dụng và phát huy vai trò, hiệu quả của hệ thống truyền thanh cơ sở.
Ví dụ như ngay từ đầu năm khi xuất hiện dịch bệnh, UBND huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh đã chỉ đạo 14 đài truyền thanh xã, thị trấn trong huyện tăng cường công tác tuyên truyền, hàng ngày phổ biến thông tin tới người dân, giúp nâng cao nhận thức, trách nhiệm mỗi người dân trong phòng, chống dịch bệnh để bảo vệ sức khỏe của bản thân và cộng đồng. Thay vì phải sàng lọc thông tin từ nhiều nguồn, người dân dễ dàng tiếp cận thông tin chính xác về dịch bệnh và các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh trên hệ thống loa truyền thanh ngay cả khi đang lao động, sản xuất.
Ở huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh, tất cả 16 xã, thị trấn trong huyện đều có đài truyền thanh cơ sở, với gần 700 cụm loa, bố trí đều tại các khu dân cư. Ngoài tiếp âm các chương trình thời sự của Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Trung tâm Văn hóa và Truyền thông huyện và các đài truyền thanh cơ sở đều sản xuất nhiều tin, bài về phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Lãnh đạo UBND huyện Đức Thọ đánh giá: Dù bận công việc gia đình hay chuyện đồng áng, bà con nhân dân cũng dễ dàng nghe được tin tức qua hệ thống loa truyền thanh. Hệ thống truyền thanh cơ sở ở Đức Thọ đã thực sự phát huy tối đa vai trò tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trong cộng đồng dân cư.
Ở thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, từ khi có thông tin về dịch bệnh Covid-19 xuất hiện, rồi khi tỉnh Khánh Hòa ghi nhận trường hợp đầu tiên mắc bệnh Covid-19, nhiều người dân không khỏi hoang mang, lo lắng. Trước thực tế đó, hệ thống truyền thanh cơ sở trên địa bàn thành phố đã tăng cường cập nhật thông tin về tình hình dịch bệnh để phổ biến kịp thời đến người dân.
Toàn thành phố có gần 500 cụm loa truyền thanh không dây ở 27 xã, phường. Qua hệ thống loa truyền thanh, người dân nghe được những thông điệp rõ ràng, ngắn gọn, dễ hiểu, sáng nghe, trưa nghe, chiều tối nghe, khi thông tin được nhắc đi nhắc lại, mọi người dễ hiểu, nhận thức đúng và thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.
Huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang có 111 ấp, khu phố của 24 xã, thị trấn đều có hệ thống loa truyền thanh, đảm bảo nhu cầu phổ biến thông tin thiết yếu đến người dân. Đều đặn hằng ngày từ đầu năm đến nay, các bản tin của đài truyền thanh huyện Cái Bè và các đài truyền thanh xã, thị trấn vào khung giờ phát thanh sáng và chiều, các phát thanh viên liên tục đọc tin tức cập nhật tình hình mới nhất cũng như các văn bản chỉ đạo của các cấp về công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 đến người dân v.v…
"Mặc dù, cơ sở vật chất, thiết bị kỹ thuật của nhiều đài truyền thanh còn lạc hậu, cán bộ truyền thanh cơ sở đều là những người làm việc kiêm nhiệm hoặc người hoạt động không chuyên trách, nhưng bằng trách nhiệm, tấm lòng nhiệt huyết đối với công việc, tất cả họ đều tham gia tích cực vào “cuộc chiến” phòng, chống đại dịch Covid-19", Cục trưởng Cục thông tin cơ sở chia sẻ.