Số hóa truyền thanh cơ sở để bắt nhịp với thời đại 4.0
Thanh niên Thủ đô chung tay đẩy lùi dịch bệnh Covid-19. |
Ông Nguyễn Văn Tạo đã có cuộc trò chuyện với phóng viên báo Tuổi trẻ Thủ đô.
- Trong thời đại công nghệ thông tin mà cộng đồng có rất nhiều kênh tiếp cận thông tin về dịch bệnh Covid-19, dù vậy, nhiều ý kiến cho rằng, loa truyền thanh đã đóng vai trò “xung kích” trong truyền thông đẩy lùi dịch bệnh Covid-19. Ông nghĩ gì về điều này?
Trong môi trường xã hội với sự lên ngôi của công nghệ thông tin, truyền hình, phát thanh internet, báo điện tử, mạng xã hội… nhưng hệ thống truyền thanh cơ sở vẫn cần thiết, có vai trò riêng và hiệu quả nhất định, thậm chí rất hiệu quả, vì giúp người dân nắm bắt được những thông tin chính xác liên quan trực tiếp đến đời sống dân sinh ở ngay địa bàn mình sinh sống, không phải hoang mang, lo lắng trước những thông tin thất thiệt lan truyền bên ngoài xã hội.
Người lao động, buôn bán vẫn nghe được thông tin từ loa truyền thanh. Ảnh: Phạm Mạnh |
Với đặc trưng thông tin có tính “cưỡng bức”, người dân đôi khi bận công việc không xem được ti vi, nghe radio, đọc báo hoặc khi đang lao động, sản xuất, buôn bán thì vẫn nghe được thông tin từ loa truyền thanh, nên đây là kênh thông tin đông người nghe nhất. Đặc biệt, trong bối cảnh phòng, chống đại dịch Covid-19 hiện nay, vai trò của truyền thanh cơ sở lại càng hết sức quan trọng và hiệu quả.
Chính thông qua kênh truyền thông này, hàng ngày người dân được nghe thông tin cụ thể, chính xác về tình hình dịch bệnh do phát thanh viên là người địa phương thực hiện, giúp người dân dễ nghe, dễ hiểu và nhận thức sâu sắc hơn về những nguy hiểm do dịch bệnh gây ra để từ đó chủ động trong khâu phòng ngừa dịch bệnh cho bản thân, gia đình và cộng đồng.
- Hiện tại, Việt Nam đang bước vào giai đoạn mới của cuộc chiến chống dịch bệnh Covid-19 cam go hơn rất nhiều, hệ thống truyền thanh cơ sở sẽ làm gì để phát huy vai trò của mình?
Người dân và cả cộng đồng xã hội đang hưởng ứng tích cực lời kêu gọi của Tổng Bí thư “mỗi người dân là một chiến sĩ trên mặt trận phòng, chống dịch bệnh” và của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện cách ly xã hội để bước vào giai đoạn mới của cuộc chiến chống đại dịch Covid-19, dành lại sự yên bình cho đất nước.
Trong bối cảnh đó, hệ thống truyền thanh cơ sở cần tiếp tục bám sát định hướng, chủ trương của Đảng và Nhà nước trong công tác tuyên truyền, coi việc tuyên truyền không còn chỉ là việc cung cấp, cập nhật thông tin chính xác về tình hình dịch bệnh, mà còn có ý nghĩa giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân về việc phòng, chống dịch bệnh để người dân không chủ quan, không lơ là, thiếu trách nhiệm trong phòng, chống dịch bệnh; biểu dương, khen ngợi những tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm này; đồng thời, dành thời lượng tuyên truyền các hoạt động khác về thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, góp phần thực hiện “thắng lợi kép” theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
- Theo ghi nhận của phóng viên báo Tuổi trẻ Thủ đô, có sự khác biệt rất lớn trong việc tiếp nhận thông tin trên loa giữa vùng nội thành/ngoại thành Hà Nội, giữa vùng đô thị và nông thôn. Trong khi người dân nông thôn và ngoại thành vẫn bày tỏ sự yêu thích với các bản tin từ hệ thống truyền thanh cơ sở thì người dân khu vực trung tâm lại chú ý hơn tới các phương tiện truyền thông hiện đại khác. Thực trạng này có gây khó khăn cho công tác quản lý và phát triển hệ thống truyền thanh cơ sở hay không?
Với sự ra đời và phát triển của nhiều loại hình thông tin như hiện nay, người dân có quyền lựa chọn những loại hình thông tin phù hợp với điều kiện sinh hoạt, khả năng và nhu cầu của mình để tiếp nhận thông tin, trao đổi, chia sẻ thông tin. Tuy nhiên, mỗi loại hình thông tin, trong đó có truyền thanh cơ sở có vai trò, tác động nhất định đến từng nhóm đối tượng cụ thể trong xã hội và phát huy được hiệu quả ở từng vùng miền, khu vực thành thị và nông thôn.
Loa phát thanh cùng thanh niên tình nguyện đi vào từng ngõ xóm mang thông tin chính xác nhất về dịch Covid-19 đến với người dân. Ảnh: Huyện đoàn Thanh Oai |
Trong bối cảnh đó, để phát huy được hiệu quả trong công tác tuyên truyền đến người dân, thì cách thức tổ chức quản lý, vận hành và nội dung thông tin trên hệ thống truyền thanh cơ sở hiện nay cần phải thay đổi để phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội và nhu cầu tiếp cận thông tin của người dân ở từng vùng miền, khu vực.
Đó cũng chính là yêu cầu đặt ra đối với công tác quản lý nhà nước hiện nay cần có định hướng ứng dụng công nghệ, hiện đại hóa hệ thống loa truyền thanh của xã, phường, thị trấn, khẳng định vai trò và tầm quan trọng không thể thay thế của hệ thống này trong công tác truyền thông ở cơ sở, đáp ứng được nhu cầu thông tin thiết yếu liên quan trực tiếp đến đời sống dân sinh, và làm sao để người dân tiếp cận được thông tin nhanh nhất, thông tin thiết thực và hiệu quả.
- Sau đại dịch Covid-19, Cục Thông tin cơ sở tham mưu hướng phát triển của hệ thống truyền thanh cơ sở như thế nào để trở thành kênh thông tin hữu ích cho người dân?
Cục Thông tin cơ sở đã tham mưu Lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 135/QĐ-TTg ngày 20/01/2020 phê duyệt Đề án “Nâng cao hiệu quả hoạt động thông tin cơ sở dựa trên ứng dung công nghệ thông tin”. Triển khai thực hiện Đề án, trong những năm tới, Bộ Thông tin và Truyền thông cùng với các địa phương từng bước chuyển đổi hệ thống truyền thanh cơ sở theo công nghệ cũ (truyền thanh có dây/truyền thanh FM) sang truyền thanh công nghệ mới sử dụng hạ tầng viễn thông, Internet.
Loa phát thanh đem thông tin đến người dân ở chung cư. Ảnh: Văn Huy |
Tuy nhiên, việc chuyển đổi sẽ thực hiện theo lộ trình đối với những nơi chưa có đài truyền thanh cơ sở thì đầu tư thiết lập đài công nghệ mới, những nơi có đài công nghệ cũ đang hoạt động thì duy trì đến khi máy móc, thiết bị xuống cấp, hư hỏng thì chuyển sang đầu tư thiết lập đài công nghệ mới để tránh lãng phí.
Hệ thống truyền thanh công nghệ mới sẽ khắc phục được những hạn chế về mặt kỹ thuật, quản lý, vận hành hệ thống truyền thanh có dây/truyền thanh FM, như: quản lý tập trung, giám sát được hoạt động, sử dụng cơ sở dữ liệu dùng chung, đồng bộ từ Trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện đến cơ sở; đồng thời giải quyết được bài toán thiếu nhân lực làm truyền thanh cơ sở hiện nay, thay thế phần lớn sức lao động trực tiếp trong quản lý, vận hành thiết bị kỹ thuật và sản xuất nội dung chương trình như sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong việc chuyển đổi bản tin giấy sang giọng đọc, có thể dịch tự động bản tin tiếng Việt sang tiếng các dân tộc thiểu số…
- Xin cảm ơn ông!