"Sóng ngầm" chưa dứt, Eximbank sẽ phát hành 5.000 tỷ trái phiếu
Ông Cao Xuân Ninh có đơn xin từ chức Chủ tịch Eximbank Kế toán trưởng của Eximbank nghỉ việc Ngân hàng Nhà nước yêu cầu Eximbank báo cáo về quản trị điều hành |
Ngày 22/7, Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Xuất Nhập Khẩu Việt Nam (Eximbank, mã CK: EIB) đã thông qua chủ trương về việc phát hành 5.000 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ năm 2019 (trái phiếu thường).
Sau khi thông qua, Hội đồng quản trị Eximbank giao Tổng giám đốc xin phép Ngân hàng Nhà nước chấp thuận trước khi triển khai thực hiện.
Cùng ngày, Hội đồng quản trị Eximbank cũng quyết định thay đổi Điều lệ của công ty con Eximbank AMC từ “công ty không giảm vốn điều lệ” thành "công ty tăng hoặc giảm vốn điều lệ phù hợp với quy định pháp luật và tình hình hoạt động kinh doanh của Eximbank AMC từng thời kỳ".
Theo đó, Eximbank quyết định giảm mức vốn điều lệ của Eximbank AMC từ 1.700 tỷ xuống 300 tỷ đồng. Được biết, Eximbank AMC thành lập vào năm 2010 với số vốn điều lệ đăng ký lần đầu là 300 tỷ, sau lần thay đổi thứ 9 vào năm 2014, vốn điều lệ của công ty được tăng lên 1.700 tỷ đồng.
Ngân hàng TMCP Xuất Nhập khẩu Việt Nam (Eximbank). |
Được biết, động thái trên của Eximbank diễn ra khi lùm xùm nhân sự cấp cao tại ngân hàng vẫn chưa chấm dứt khi ông Cao Xuân Ninh vừa có đơn xin từ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị sau khi nắm vị trí quyền lực nhất của ngân hàng mới hơn một tháng.
Trong đơn từ chức, ông Cao Xuân Ninh nhấn mạnh Hội đồng quản trị và các nhóm cổ đông có nhiều bất đồng khó dung hoà ảnh hưởng đến hoạt động Ngân hàng, và với trách nhiệm được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận cử tham gia Hội đồng quản trị Eximbank ông đã chấp nhận đảm trách nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng quản trị Eximbank.
Trên cương vị Chủ tịch Hội đồng quản trị Eximbank, ông Cao Xuân Ninh cho rằng mình đã cố gắng kiện toàn tổ chức và quản trị, thực hiện các thủ tục cần thiết nhằm tổ chức Đại hội đồng cổ đông lần 2 vào ngày 21/6 vừa qua sớm nhất theo quy định nhưng đã không thành công do quy chế đại hội không được thông qua.
Theo ông Ninh, do mâu thuẫn, bất đồng giữa các nhóm cổ đông còn tiếp diễn chưa thể dung hoà. Vì vậy, trên cơ sở lợi ích của ngân hàng, ông Ninh đề nghị Hội đồng quản trị chấp thuận cho ông từ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị để tìm kiếm một Chủ tịch mới phù hợp, được các cổ đông, thành viên Hội đồng quản trị nhất trí, giúp đưa Eximbank vượt qua khủng hoảng.
Trước đó, ông Cao Xuân Ninh đã được bầu giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT Eximbank từ ngày 22/5/2019, sau khi ông Lê Minh Quốc từ nhiệm khỏi vị trí này. Vị trí quyền lực nhất tại Eximbank luôn thay đổi liên tục từ tháng 3/2019 đến nay, từ bà Lương Thị Cẩm Tú sau đó đến ông Lê Minh Quốc và đến ông Cao Xuân Ninh.
Về kết quả kinh doanh, trong khi nhiều ngân hàng liên tục báo lãi cao nhưng đến thời điểm hiện tại Eximbank vẫn chưa công bố báo cáo tài chính quý 2/2019.
Theo báo cáo tài chính, trong quý 1/2019, thu nhập lãi thuần của Eximbank đạt 829 tỷ đồng, tăng 24% so cùng kỳ năm 2018. Trong khi đó, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ chỉ nhích nhẹ không đáng kể, ghi nhận hơn 79 tỷ đồng.
Trong quý vừa qua, hoạt động kinh doanh ngoại hối và hoạt động khác của Eximbank đạt lần lượt hơn 23 tỷ đồng và 37,5 tỷ đồng, tương đương giảm 59% và 20% so với cùng kỳ năm 2018. Trong khi đó, hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư lại lãi hơn 46 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ hơn 24 tỷ đồng.
Cũng trong kỳ vừa qua, chi phí hoạt động của Eximbank ghi nhận gần 674 tỷ đồng, tăng 6% khiến lãi thuần giảm 52% so với cùng kỳ, chỉ còn hơn 343 tỷ đồng.
rong kỳ, Eximbank được hoàn nhập gần 7 tỷ đồng chi phí dự phòng rủi ro tín dụng. Tuy nhiên, lãi ròng của nhà băng vẫn giảm 37% so với cùng kỳ, chỉ còn 280 tỷ đồng.
Tính đến thời điểm 31/3/2019, tổng tài sản của Eximbank đạt gần 150.715 tỷ đồng, giảm gần 2.000 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm. Cho vay khách hàng ghi nhận gần 101.016 tỷ đồng, giảm 3% so với đầu năm. Cùng thời điểm, Eximbank ghi nhận 135.479 tỷ đồng nợ phải trả, trong đó tiền gửi khách hàng chiếm hơn 122.019 tỷ đồng, tăng 3%.
Cũng tính đến cuối tháng 3/2019, tổng nợ xấu của Eximbank ở mức 1.869 tỷ đồng, giảm nhẹ 1% so với hồi đầu năm. Trong đó, nợ nhóm 4 (nợ nghi ngờ) tăng 11%, lên mức 131 tỷ đồng; trong khi nợ nhóm 5 (nợ khả năng mất vốn) giảm 5% so với đầu năm xuống mức 903 tỷ đồng; và nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) tăng lên 861 tỷ đồng. Tuy nhiên, tính chung trên dư nợ thì tỷ lệ nợ xấu của Eximbank tăng lên mức 1,88% so với con số 1,85% hồi đầu năm.