Sớm chấm dứt xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc

Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên đề nghị các tỉnh biên giới khẩn trương rà soát, tổ chức lại sản xuất, chế biến theo các đề án xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc để đi tới “đoạn tuyệt” với hình thức sản xuất, xuất khẩu qua đường tiểu ngạch.
Việt Nam thu hơn 80 tỷ USD từ xuất khẩu điện thoại, máy vi tính Mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu năm nay hết sức khó khăn

Bộ Công thương vừa tổ chức Hội nghị thúc đẩy hợp tác kinh tế thương mại các tỉnh biên giới phía Bắc với Trung Quốc.

Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên nhận định, việc trao đổi thương mại giữa các tỉnh biên giới phía Bắc với Trung Quốc chưa tương xứng với tiềm năng, chưa khai thác hết năng lực hạ tầng cửa khẩu.

"Hiện chúng ta có hơn 70 cửa khẩu nhưng số cửa khẩu khai thác hiệu quả còn ít. Lượng hàng thông quan sang bên kia biên giới chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường và khả năng cung ứng hàng hóa của Việt Nam, đặc biệt là của các tỉnh khu vực phía Bắc", Bộ trưởng nói.

Đồng thời, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chỉ ra việc xuất khẩu nông, thủy sản hiện nay chủ yếu vẫn là theo đường tiểu ngạch, số lượng, chất lượng, giá cả đều thiếu ổn định dẫn đến hiệu quả không cao, không bền vững.

Sớm chấm dứt xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc
Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu tại Hội nghị thúc đẩy kinh tế thương mại biên giới với Trung Quốc, ngày 9/12.

Cùng với đó, hạ tầng biên giới còn rất nhiều hạn chế, đặc biệt là hạ tầng thương mại biên giới còn rất thiếu và yếu; việc nâng cấp, mở mới các cặp cửa khẩu chưa theo kịp nhu cầu thương mại, thể chế của hai bên còn những điểm khác nhau; hạn chế về việc ứng dụng công nghệ mới trong quản lý hoạt động ở các cửa khẩu.

Trước tình hình này, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị các bộ, ngành, địa phương tiếp tục quán triệt, thực hiện tốt chủ trương của lãnh đạo các cơ quan hai nước về hợp tác toàn diện, hiệu quả, nhất là trong vấn đề kinh tế, thương mại và đầu tư.

Theo đề nghị của Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, các đơn vị liên quan phải khẩn trương đánh giá, tổng kết việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp tăng cường hợp tác kinh tế thương mại với Trung Quốc tìm ra nguyên nhân, giải pháp thiết thực, tích cực và khả thi để thực hiện bằng được mục tiêu thúc đẩy quan hệ kinh tế thương mại với Trung Quốc.

Người đứng đầu ngành Công thương cũng đề nghị các bộ, ngành tăng cường rà soát, sửa đổi, bổ sung và đề xuất sửa đổi, bổ sung những quy định của pháp luật, những cơ chế, chính sách có liên quan đến bộ, ngành mình, có liên quan đến hợp tác kinh tế, thương mại với Trung Quốc và với khu vực biên giới.

Cùng với cái việc quy hoạch, Bộ trưởng Bộ Công thương đề nghị các địa phương phải xây dựng kế hoạch và dành những nguồn lực, ban hành những cơ chế chính sách của địa phương để có thể thu hút đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế xã hội khu vực biên giới, nhất là hạ tầng kinh tế thương mại khu vực biên giới như là các chợ, các trung tâm logistics, các kho bãi…

Đặc biệt, Bộ trưởng Bộ Công thương đề nghị các tỉnh biên giới khẩn trương rà soát, quy hoạch lại vùng trồng, vùng nuôi và tổ chức lại sản xuất, chế biến theo các đề án xuất khẩu chính ngạch; cần hạn chế và đi tới “đoạn tuyệt” với hình thức sản xuất, xuất khẩu qua đường tiểu ngạch.

Việt Nam và Trung Quốc có đường biên giới trên đất liền dài hơn 1.400km, trong đó có 383,914km đường biên giới đi theo sông suối, tiếp giáp giữa 7 tỉnh: Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn và Quảng Ninh của Việt Nam với tỉnh Vân Nam và Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây của Trung Quốc.

Trong lĩnh vực kinh tế, thương mại, Quảng Tây và Vân Nam đều là thị trường truyền thống, đóng vai trò rất quan trọng không chỉ với 7 tỉnh biên giới phía Bắc mà đối với tổng thể quan hệ hợp tác kinh tế thương mại Việt Nam – Trung Quốc.

Theo thống kê của Việt Nam, trong 10 tháng năm 2023, kim ngạch thương mại qua các cửa khẩu biên giới đất liền giữa Việt Nam và Trung Quốc đạt 34,57 tỷ USD, tăng 87,3% so với cùng kỳ 2022.

Hậu Lộc
Phiên bản di động