Sau “nghiêm khắc phê bình, rút kinh nghiệm” của Bộ trưởng Giao thông Vận tải, các dự án có đảm bảo tiến độ?

Sau hàng loạt bê bối liên quan đến các dự án BOT, đường sắt Cát Linh - Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể lại tiếp tục nghiêm khắc phê bình, rút kinh nghiệm vì chậm triển khai hệ thống thu phí dịch vụ tự động không dừng.

Hàng loạt cây xăng báo hết hàng: Bộ trưởng Bộ Công thương chỉ đạo nóng! Bộ trưởng Công an đề xuất 'bỏ quy định về sổ hộ khẩu' Chất vấn Bộ trưởng Bộ GTVT: Nóng vấn đề đường sắt đô thị, BOT Bộ trưởng Bộ GTVT: Các dự án đội vốn, sai phạm sẽ xử lý nghiêm
Sau “nghiêm khắc phê bình, rút kinh nghiệm” của Bộ trưởng Giao thông Vận tải, các dự án có đảm bảo tiến độ?
Chậm triển khai hệ thống thu phí dịch vụ tự động không dừng nhiều lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải bị kiểm điểm, rút kinh nghiệm

Không hoàn thành yêu cầu Quốc hội đặt ra

Thừa ủy quyền Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể vừa ký báo cáo gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc triển khai hệ thống thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử tự động không dừng (ETC). Bộ này tiếp tục nhận trách nhiệm và hứa sẽ "nghiêm khắc phê bình, rút kinh nghiệm".

Trước đó, từ tháng 10/2017, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 437, trong đó có yêu cầu “Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các cơ quan liên quan ban hành khung tiêu chuẩn chung làm cơ sở, thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ thu phí tự động không dừng, tránh tình trạng độc quyền trong thu giá dịch vụ, giám sát doanh thu của các trạm và bảo đảm tính cạnh tranh, công khai, minh bạch trong hoạt động thu phí. Năm 2019, triển khai đồng bộ thu phí dịch vụ không dừng đối với tất cả các tuyến quốc lộ được đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT trên cả nước”.

Theo báo cáo của Bộ GTVT, dự án thu phí tự động không dừng (ETC) được đầu tư theo hình thức BOO (xây dựng - sở hữu - kinh doanh). Hiện nay cả nước có 93 trạm thu phí trên các tuyến quốc lộ và cao tốc, trong đó Bộ GTVT quản lý 74 trạm, các tỉnh quản lý 19 trạm.

Bộ GTVT chia hệ thống trạm thu phí BOT thành 2 giai đoạn để triển khai: Giai đoạn 1 áp dụng đối với quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên, một số tuyến cao tốc và quốc lộ khác; Giai đoạn 2 áp dụng các trạm còn lại trên toàn quốc.

Tổng số phạm vi dự án của giai đoạn 1 là 44 trạm, bao gồm 26 trạm trên quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên và 18 trạm trên các tuyến cao tốc và quốc lộ khác.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, hiện đã lắp đặt, vận hành từ 2 - 6 làn ETC tại 39 trạm. Riêng 5 tuyến cao tốc do VEC quản lý chỉ có tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình đã lắp đặt thiết bị; 4 tuyến còn lại chưa thể triển khai thực hiện do vướng mắc về về nguồn vốn (hiệp định vay vốn các dự án của VEC đã hết hạn) và chỉ đạo thực hiện (do VEC chuyển về Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp từ tháng 11/2018). Do vậy, VEC không thể hoàn thành trong năm 2019 theo chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ.

Giai đoạn 2 gồm 33 trạm do vướng mắc thành lập doanh nghiệp dự án nên chưa thể triển khai thực hiện.

Với các trạm do địa phương quản lý thì có 6/19 trạm địa phương đã đầu tư kết nối vào dự án giai đoạn 1; 6 trạm đồng thuận kết nối với dự án giai đoạn 2 nên có thể vận hành ngay khi dự án giai đoạn 2 hoàn thành. 7/19 trạm còn lại, địa phương tự tổ chức thực hiện vẫn chưa hoàn thành.

Khẳng định các trạm ETC chậm tiến độ so với yêu cầu Quốc hội đề ra, Bộ trưởng GTVT cũng cho biết số lượng xe dán thẻ chưa đạt được như yêu cầu (mới có khoảng 800 - 900 nghìn xe) dẫn đến chưa phát huy được hiệu quả của hệ thống thu phí tự động không dừng đã lắp đặt.

Bên cạnh các nguyên nhân khách quan, báo cáo nêu một số nguyên nhân chủ quan, trong đó có quy định về trình tự, thủ tục triển khai lựa chọn nhà đầu tư dự án PPP rất phức tạp dẫn đến thời gian tổ chức lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án giai đoạn 2 mất rất nhiều thời gian (10 tháng).

Ngoài ra, kinh nghiệm các cá nhân tham gia thực hiện, quản lý, giám sát dự án gần như chưa có nên trong quá trình triển khai thực hiện còn phát sinh các tồn tại, hạn chế làm ảnh hưởng đến tiến độ triển khai dự án.

Rút kinh nghiệm đến bao giờ?

Nhận thức được trách nhiệm trong việc chậm tiến độ hệ thống thu phí tự động không dừng, Chính phủ, các Bộ, ngành liên quan đã nghiêm túc tổ chức kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân.

Cụ thể, Thường trực Chính phủ đã tổ chức 2 buổi họp để đôn đốc triển khai và kiểm điểm trách nhiệm các cơ quan đơn vị liên quan đến việc chậm tiến độ dự án. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ GTVT nghiêm túc kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của các tập thể, cá nhân để chậm tiến độ triển khai hệ thống thu phí tự động trong thời gian qua.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đã chủ trì 3 buổi họp rà soát, kiểm điểm đánh giá trách nhiệm tập thể, cá nhân trong việc chậm tiến độ triển khai hệ thống thu phí tự động không dừng. Kết quả 8 tập thể có liên quan đều nghiêm túc kiểm điểm trong đó 4 đơn vị trực tiếp liên quan đến quá trình triển khai thực hiện dự án nhận hình thức phê bình nghiêm khắc và rút kinh nghiệm.

Về cá nhân, với vai trò lãnh đạo, chỉ đạo việc tổ chức thực hiện hệ thống thu phí tự động không dừng, Bộ trưởng và Thứ trưởng phụ trách dự án kiểm điểm tự nhận hình thức nghiêm khắc phê bình, rút kinh nghiệm. 30 cá nhân thuộc các cơ quan đơn vị có liên quan có bản kiểm điểm trách nhiệm liên quan đến việc chậm tiến độ. Trong đó có 9 cá nhân nhận hình thức rút kinh nghiệm. 6 cá nhân thuộc 4 đơn vị liên quan trực tiếp tới việc triển khai thực hiện dự án nhận hình thức phê bình nghiêm khắc, rút kinh nghiệm.

Người đứng đầu ngành giao thông cho biết sẽ cơ bản hoàn thành hệ thống thu phí tự động không dừng trong năm 2020.

Cùng nằm trong nhóm dự án trễ hẹn có tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông. Sau nhiều lần Bộ GTVT và Ban Quản lý dự án khẳng định dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông đã hoàn thành 99% nhưng đến giờ vẫn chưa thể vận hành thương mại.

Tháng 4/2018, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể khẳng định: “Thời điểm này, vốn của dự án đã đầy đủ, mặt bằng cơ bản không vướng mắc, việc lắp đặt thiết bị đang hoàn tất… Vì vậy, đến tháng 10 phải vận hành kỹ thuật tuyến đường sắt, tháng 12 phải vận hành thương mại”.

Ngày 12/5/2018, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đi thử và khen: “Đường sắt Cát Linh - Hà Đông êm hơn đường sắt quốc gia”, rồi cho biết: “Người dân Hà Nội sẽ có tuyến đường sắt "rất tốt và hiện đại"".

"Từ nay đến thời điểm vận hành kỹ thuật và thương mại chỉ còn 4, 5 tháng, trong khi khối lượng công việc còn lại tương đối lớn. Để có thể đáp ứng được yêu cầu tiến độ, Bộ yêu cầu tăng thêm xe máy, nhân lực thi công ở các hạng mục có nguy cơ chậm, thậm chí phải thi công cả 3 ca để đáp ứng yêu cầu", Bộ trưởng Giao thông chỉ đạo.

Đến ngày 15/3/2019, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể lại đi kiểm tra tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông và yêu cầu nhà thầu, các đơn vị liên quan nỗ lực hơn nữa để dự án vận hành thương mại vào cuối tháng 4, nhân dịp cả nước kỷ niệm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.

Tuy nhiên, báo cáo mới đây của Bộ GTVT cho biết, Tổng thầu Trung Quốc đề nghị cần 50 triệu USD (hơn 1.000 tỷ đồng) để thực hiện công tác vận hành hệ thống và thanh toán toàn bộ dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông trước khi bàn giao. Như vậy, khi nào tuyến đường sắt này đi vào sử dụng vẫn còn là một ẩn số.

Sau rút kinh nghiệm của Bộ trưởng Bộ GTVT, người dân hy vọng, các dự án phải sớm đưa vào hoạt động theo đúng tiến độ và chất lượng đã đặt ra, đồng thời xử lý nghiêm các cán bộ có vi phạm.

Nguồn: Tuổi trẻ Thủ đô
tuoitrethudo.com.vn
Phiên bản di động