Sáng 24/2, Việt Nam có thêm 2 ca mắc Covid-19 ở Hải Dương
Chiều 23/2 ghi nhận 6 ca mắc COVID-19 tại Hải Dương và Quảng Ninh Hải Dương: Công nhân mắc Covid-19, thị xã Kinh Môn phong tỏa 3 khu dân để truy vết |
Theo bản tin 6h ngày 24/2 của Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch Covid-19 cho biết có thêm 2 ca mắc mới ghi nhận tại Hải Dương là các trường hợp F1 liên quan đến ổ dịch tại Công ty TNHH điện tử Poyun.
Lực lượng y tế lấy mẫu xét nghiệm Covid 19 |
Các ca mắc mới là CA BỆNH 2402-2403 (BN2402-2403): Là các trường hợp F1 liên quan đến ổ dịch tại Công ty TNHH điện tử Poyun (TP Chí Linh), đều đã được cách ly tập trung trước đó.
Hiện các bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Dã chiến số 1 - Trung tâm Y tế Thành phố Chí Linh.
Như vậy, tính đến 6h ngày 24/2, Việt Nam có tổng cộng 1504 ca mắc Covid-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27/1 đến nay là 811 ca.
Trong đó, Hải Dương có 627 ca, Quảng Ninh (61 ca), Gia Lai (27 ca), Hà Nội (35 ca), Bắc Ninh (5 ca), Bắc Giang (2 ca), TP. Hồ Chí Minh (36 ca ), Hoà Bình (2 ca), Hà Giang (1 ca), Điện Biên (3 ca), Bình Dương (6 ca), Hải Phòng (4 ca ), Hưng Yên (2 ca).
Trong cuộc họp ngày 23/2, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã biểu dương những nỗ lực của tỉnh Hải Dương cũng như các lực lượng chi viện của Bộ Y tế trong thời gian qua cùng với cả nước đã làm tốt công tác phòng chống dịch.
Đến giờ phút này có thể nói về cơ bản dịch bệnh được kiểm soát tốt trên cả nước. Ngay cả Hải Dương, khi phân tích kỹ dữ liệu đến nay chỉ phát hiện 3 ca mắc Covid-19 tại cộng đồng không nằm trong các khu vực phong tỏa hay khu cách ly tập trung và cả 3 ca này đều đã truy vết được.
Phó Thủ tướng chỉ ra một số bài học kinh nghiệm được rút ra trong quá trình phòng chống dịch tại Hải Dương.
Cụ thể, sau khi điểm đúng ổ dịch ở TP Chí Linh, phát hiện ra biến thể lây lan nhanh của virus SARS-CoV-2, Hải Dương đã đề ra chiến lược phong tỏa trong phong tỏa và dần hoàn thiện. Quá trình xử lý tình huống dịch xuất hiện trong khu công nghiệp, các nhà máy lớn có hàng nghìn công nhân phải cách ly ngay lập tức.
“Để chuẩn bị đón 1 chuyến bay giải cứu vài trăm người phải mất thời gian mấy tuần trong khi ở Hải Dương trong vòng 24 giờ phải xử lý cách ly cho hàng nghìn người”, Phó Thủ tướng ví dụ.
Cùng với đó, các quy trình phân loại, sàng lọc đối tượng để tầm soát diện rộng cũng được xây dựng, hoàn thiện. Số liệu cho thấy ổ dịch TP Chí Linh được cơ bản kiểm soát sau 8 ngày phát hiện. Sau đó đến ổ dịch ở huyện Cẩm Giàng và bây giờ là huyện Kim Thành, Hải Dương đã có những giải pháp rất quyết liệt, linh hoạt và ngày một hoàn thiện.
Thực tiễn của Hải Dương cũng là bài học quý cho các địa phương khác trên cả nước.
Thời gian tới, Phó Thủ tướng đề nghị tỉnh Hải Dương phải tiếp tục mũi xét nghiệm chính là truy vết, theo dấu ca bệnh. Đối với xét nghiệm tầm soát diện rộng trong cộng đồng, Bộ Y tế phải có hướng dẫn, Hải Dương phải chỉ đạo rất cụ thể nhà máy, xí nghiệp nào, ở khu vực nào bắt buộc xét nghiệm cho công nhân mới được hoạt động để tránh lãng phí.
“Hiện nay chi phí xét nghiệm Covid-19 bằng phương pháp PCR tương đương với tiêm vaccine cho 2 người. Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) các địa phương phải có trách nhiệm điều phối hoạt động xét nghiệm. Tuyệt đối không để tình trạng yêu cầu tất cả các DN phải xét nghiệm Covid-19 cho công nhân mới được hoạt động không chỉ gây tốn kém chi phí mà còn tạo tâm lý đã xét nghiệm rồi lại muốn xét nghiệm tiếp, đặc biệt rất nguy hiểm là tâm lý có kết quả âm tính rồi thì chủ quan, mất cảnh giác. Vì vậy Ban Chỉ đạo quốc gia kiên trì phương châm huy động xét nghiệm có cả xã hội hóa nhưng dưới sự điều phối thống nhất của CDC các địa phương, Bộ Y tế tránh tình trạng xét nghiệm ồ ạt”, Phó Thủ tướng nói và đề nghị Bộ Y tế phối hợp, hỗ trợ Hải Dương làm mẫu để nhân ra cả nước.
Tại những điểm nguy cơ cao, có nhiều người qua lại như quán nước gần các khu công nghiệp, bệnh viện, bến xe, chợ… việc xét nghiệm tầm soát phải hết sức linh hoạt. “Việc dệt tấm lưới tầm soát phải làm sao hiệu quả, tiết kiệm nhất, đòi hỏi sự tài trí, nhạy cảm của người chỉ huy trên chiến trường”.
Phó Thủ tướng lưu ý, kể cả sau khi tỉnh Hải Dương đã hết dịch thì vẫn phải sẵn sàng cũng như các địa phương khác trong cả nước. Bởi vì với 100 triệu dân, đường biên giới rất dài, nền kinh tế mở, chúng ta vẫn phải đón chuyên gia nước ngoài vào phục vụ phát triển kinh tế - xã hội thì “không ai có thể nói Việt Nam tuyệt đối không có mầm bệnh trong cộng đồng. Lúc nào chúng ta cũng phải sẵn sàng".
"Chống dịch bao giờ cũng phải khẩn trương nhất, quyết liệt nhất, đồng bộ nhất. Luôn luôn như vậy. Chúng ta thường nghe ví von 'thời gian vàng' là 3 ngày, 5 ngày hay 7 ngày... Nhưng phải hiểu mỗi giờ, mỗi phút đều là vàng", Phó Thủ tướng lưu ý.
Phó Thủ tướng cũng đề nghị tỉnh Hải Dương khuyến khích người dân không trong vùng dịch đeo khẩu trang vải; xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật những trường hợp khai báo không trung thực về dịch bệnh, thậm chí những gia đình có thành viên là cán bộ, Đảng viên, công chức, viên chức thì cũng phải có trách nhiệm.