Rà soát kỹ nguồn gốc đất đai giúp đảm bảo quyền lợi cho người dân trong diện thu hồi đất
Sáng 9/8, tại hội nghị tiếp xúc, đối thoại giữa Bí thư Thành ủy với MTTQ các cấp TP Hà Nội, nội dung liên quan đến tình hình triển khai công tác đền bù, hỗ trợ tái định cư và việc đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân trong diện thu hồi đất để thực hiện dự án Đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô đã được đại biểu gửi tới lãnh đạo TP.
Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng trao đổi tại buổi đối thoại với MTTQ các cấp thành phố |
Sự ủng hộ, đồng thuận của Nhân dân là điều kiện quan trọng
Trực tiếp trao đổi về nội dung này, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng cho biết: Dự án đầu tư đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội là dự án đầu tư quan trọng quốc gia.
Quốc hội, Chính phủ tin tưởng giao cho TP Hà Nội là cơ quan triển khai dự án thành phần thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; Dự án thành phần thực hiện đầu tư xây dựng đường song hành trên địa bàn TP Hà Nội và dự án thành phần 3 (dự án PPP); Đồng thời là cơ quan đầu mối phối hợp với các tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh tổ chức thực hiện dự án.
Với quy mô chiều dài 112,8km đi qua địa bàn của 3 tỉnh, TP Hà Nội, Hưng Yên và Bắc Ninh, tổng mức đầu tư 85.813 tỷ đồng. Dự án sau khi hoàn thành sẽ tạo ra tuyến vành đai liên vùng kinh tế trọng điểm vùng Thủ đô Hà Nội thúc đẩy phát triển mạnh mẽ liên kết ngành, liên kết vùng và lợi thế kết nối đa chiều của các đô thị;
Đồng thời, tổ chức lại cơ cấu dân cư và phát triển kinh tế trong quá trình tái thiết và phát triển đô thị kết nối Thủ đô Hà Nội với tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh và các địa phương khác trong vùng Thủ đô, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Ngày 25/6/2023, dự án đầu tư đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội đã được khởi công tại 4 vị trí ở các huyện: Hoài Đức, Thanh Oai, Thường Tín, Sóc Sơn, nơi có đường Vành đai 4 đi qua.
Đến nay, việc triển khai dự án đang rất khẩn trương với sự vào cuộc của các cấp, các ngành TP. Với trách nhiệm và vinh dự, trong thời gian tới TP Hà Nội sẽ tiếp tục đẩy nhanh tiến độ, triển khai đáp ứng yêu cầu đặt ra theo Nghị quyết số 56/2022/QH15 ngày 16/6/2022 của Quốc hội; Nghị quyết số 106/NQ-CP ngày 18/8/2022 của Chính phủ.
Về công tác đền bù, hỗ trợ tái định cư, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng cho biết: Tính đến ngày 28/7/2023, UBND các quận, huyện đã giải phóng mặt bằng xong 686,54/793,80 ha, đạt 86,49%, diện tích đất thu hồi. Để thực hiện dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô, cần phải di chuyển 10.034 ngôi mộ. Tính đến ngày 28/7/2023, UBND các quận, huyện đã di chuyển 6.258 ngôi mộ, đạt tỷ lệ 62,37%. Dự kiến, TP Hà Nội sẽ hoàn thành công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng trước ngày 31/12/2023.
Lãnh đạo TP Hà Nội dự buổi đối thoại |
Theo Bí thư Thành ủy, có 14 khu tái định cư được đầu tư xây dựng để phục vụ thu hồi đất thực hiện dự án tại các huyện: Sóc Sơn (1 khu), Mê Linh (3 khu), Đan Phượng (2 khu), Hoài Đức (2 khu), Thanh Oai (2 khu), Thường Tín (4 khu).
Hiện có 2 khu (1 khu tại huyện Sóc Sơn và 1 khu tại huyện Thường Tín) đã hoàn thành đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật và 12 khu đang triển khai các thủ tục liên quan.
Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội, công tác giải phóng mặt bằng là việc quan trọng trong quá trình triển khai dự án đường Vành đai 4. Theo đó, công tác tuyên truyền, vận động, thuyết phục là một khâu quan trọng để tạo sự đồng thuận trong Nhân dân, giúp dân hiểu và thực hiện theo đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước.
Trong quá trình triển khai, TP đã rà soát kỹ lưỡng nguồn gốc đất đai, kiểm đếm tài sản trên đất, nhất là đối với các thửa đất còn chưa chặt chẽ về hồ sơ, thủ tục, pháp lý, pháp nhân; Các thửa đất có nhiều hộ gia đình sinh sống; Các khu mộ tổ, mộ vô chủ, mộ chưa cải táng... để từ đó, đưa ra những chính sách bảo đảm quyền lợi tốt nhất cho người dân.
Bí thư Thành ủy cho biết, Thành ủy Hà Nội đã giao Ủy ban Kiểm tra Thành ủy làm tốt công tác kiểm tra, giám sát trong việc lập, phê duyệt phương án bồi thường giải phóng mặt bằng, không để xảy ra tình trạng thiếu kinh phí, thất thoát kinh phí, lãng phí, tiêu cực làm ảnh hưởng đến tiến độ chung của dự án.
Ban Tuyên giáo Thành ủy làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, định hướng dư luận xã hội. Ban Dân vận Thành ủy phối hợp với MTTQ TP làm tốt công tác vận động, thuyết người dân cùng chung tay góp phần triển khai xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội.
“Với quyết tâm cao, cùng với sự đồng lòng, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trong đó cấp ủy, chính quyền các cấp quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành, cộng với sự ủng hộ, đồng thuận của Nhân dân nơi có dự án đi qua là một điều kiện quan trọng để dự án đầu tư đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội đạt được những kết quả khả quan...”- Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng cho biết.
Cũng theo Bí thư Thành ủy, trong quá trình triển khai, Hà Nội đã chủ động tiến hành công tác quy hoạch hai bên đường Vành đai 4 đồng bộ ngay từ đầu để quản lý đất dễ hơn, tạo thuận lợi cho các bước triển khai tiếp theo.
Quang cảnh buổi đối thoại |
Quyết tâm khép kín các vành đai
Về ý kiến liên quan đường Vành đai 1, 2 và 3 để tạo sự đồng bộ trong kết nối hạ tầng giao thông của TP, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng cho biết: Hà Nội hiện quy hoạch 7 tuyến đường vành đai, trong đó 5 tuyến vành đai chính (1, 2, 3, 4, 5) và 2 tuyến vành đai hỗ trợ (2,5 và 3,5).
Các quy hoạch này nhằm từng bước khép kín các tuyến đường vành đai, tạo tiền đề quan trọng cho sự phát triển đồng đều, toàn diện và bền vững của Thủ đô cũng như tăng cường kết nối, lan tỏa giữa các địa phương trong Vùng Thủ đô Hà Nội.
Theo đó, tuyến Vành đai 1 dài hơn 7 km qua các phố Trần Khát Chân - Đại Cồ Việt - Xã Đàn - Hoàng Cầu - Voi Phục. Hiện còn đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục (khoảng 2,3 km) với tổng đầu tư dự án gần 7.800 tỉ đồng, được phê duyệt từ tháng 12/2017, dự kiến hoàn thành năm 2020, nhưng đến nay chưa hoàn thành.
“Tại buổi kiểm tra ngày 4/4 vừa qua, tôi đã yêu cầu điều chỉnh dự án để tập trung triển khai thực hiện trong phạm vi chỉ giới tuyến đường vành đai 1 trước. Đối với diện tích dự kiến làm bãi đỗ xe, cây xanh thì sẽ nghiên cứu quy hoạch và triển khai sau; Đồng thời, yêu cầu có chính sách tốt nhất để người dân đồng thuận, đảm bảo hoàn thành giải phóng mặt bằng vành đai 1 năm 2023, thông tuyến đường năm 2024”- Bí thư Thành ủy cho biết.
Đối với đường Vành đai 2, Bí thư Thành ủy cho biết, hiện đã đầu tư hoàn thiện được 32 km, trong đó có ba cầu lớn là Nhật Tân, Vĩnh Tuy, Đông Trù.
Vừa qua, TP đã đồng ý chủ trương đầu tư khép kín đường Vành đai 3 đoạn trên địa bàn huyện Đông Anh với chiều dài 14,9km, bề ngang 68m, dự kiến tổng mức đầu tư 7.690 tỷ đồng, phấn đấu trong nhiệm kỳ hoàn thành.
“TP Hà Nội khẳng định sẽ quyết tâm hoàn thành các đoạn đường còn lại để khép kín các đường Vành đai 1, 2, 3, từ đó đồng bộ với đường Vành đai 4, tạo ra sự phát triển bền vững trong hệ thống hạ tầng giao thông của Thủ đô; Đồng thời thúc đẩy hoạt động kinh doanh, sản xuất giữa các tỉnh thành và nâng cao đời sống người dân trong khu vực”- Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng cho biết.