Ra mắt cuốn sách về mối quan hệ hợp tác Việt Nam và Liên bang Nga
Kỷ niệm 65 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2019) và thắng lợi của Hội nghị Giơ-ne-vơ (21/7/1954-21/7/2019), đồng thời, tiếp tục chương trình hợp tác trong công tác lưu trữ giữa hai nước Việt Nam và Liên bang Nga, Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước Việt Nam tổ chức xuất bản cuốn sách “Liên Xô và Việt Nam trong những năm chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất. Hội nghị Giơ-ne-vơ. Năm 1954”.
Cuốn sách giới thiệu gần 200 tài liệu, hình ảnh được lựa chọn, biên dịch từ một số tài liệu tiếng Nga trong cuốn sách cùng tên do Cục Lưu trữ Liên bang Nga xuất bản năm 2017 cùng với những tài liệu của phía Việt Nam được biên tập, sắp xếp lô-gic trong ấn phẩm này. Sách có độ dày 900 trang được Nhà Xuất bản Thông tin và Truyền thông xuất bản năm 2019.
Từ tài liệu lưu trữ được hình thành ngay trong quá trình diễn biến trước, trong và sau Hội nghị Giơ-ne-vơ về vấn đề Đông Dương, cuốn sách đã cung cấp những thông tin khách quan, chân thực về Hội nghị, phản ánh quan điểm, lập trường, thái độ chính trị của các bên tham gia đàm phán. Đồng thời, với thành quả của Hội nghị Giơ-ne-vơ là một hiệp định nhiều bên, bốn văn kiện song phương và 7 văn kiện đơn phương về Đông Dương, với những cuộc gặp chung, riêng giữa các bên đàm phán trong gần 3 tháng tại Giơ-ne-vơ (Thụy Sĩ) đã khẳng định ý nghĩa, vai trò của Hội nghị đối với hòa bình ở bán đảo Đông Dương nói chung và Việt Nam nói riêng.
Qua tài liệu lưu trữ được cung cấp của các bên, có thể nhận thấy, Việt Nam - một đất nước dù nhỏ bé, dù mới dành được độc lập, mới được một số quốc gia trên thế giới chính thức công nhận và đặt quan hệ ngoại giao, nhưng trong cuộc chiến trên bàn đàm phán bên cạnh các “nước lớn”, Việt Nam luôn có những chính sách đối ngoại linh hoạt, khéo léo, có những bước đi “lùi để tiến” xa hơn.
Nội dung của cuốn sách cũng giới thiệu tài liệu mà ở đó các bên tham gia đàm phán thẳng thắn đưa ra những con số cụ thể để chứng minh những mưu tính lợi ích từ cuộc chiến của phía gây chiến và bên hậu thuẫn, đây cũng là một phần lý do cuộc chiến tranh bị kéo dài.
Trong cuốn sách, có nhiều tài liệu, hình ảnh của cơ quan lưu trữ Liên bang Nga về Hội nghị Giơ-ne-vơ lần đầu tiên được công bố tại Việt Nam như: “Tuyên bố của Bộ trưởng Ngoại giao Liên Xô V.M. Mô-lô-tốp về tình hình Đông Dương và các điều kiện để giải quyết hòa bình, ngày 14/5/1954”, “Tuyên bố của Bộ trưởng Ngoại giao nước CHND Trung Hoa Chu Ân Lai về các giải pháp cho vấn đề hòa bình ở Đông Dương, ngày 09/6/1954”, “Tuyên bố của Ngoại trưởng Anh quốc E. I-đen v/v thành lập Ủy ban Quốc tế kiểm soát việc thi hành Hiệp định đình chỉ chiến sự trên lãnh thổ Đông Dương, ngày 10/6/1954”, “Bản ghi chép buổi tiếp Đại sứ Việt Nam DCCH Nguyễn Lương Bằng của Thứ trưởng Ngoại giao Liên Xô V.A. Đô-rin, ngày 10/6/1954”, “Biên bản cuộc gặp của các cố vấn quân sự Việt Nam DCCH và Liên Xô tại Hội nghị Giơ-ne-vơ để chuẩn bị cho cuộc hội đàm của các chuyên viên quân sự Việt Nam và đại diện Pháp về vấn đề điều chỉnh lãnh thổ, ngày 8/7/1954”,…
Nộ dung cuốn sách ảnh |
Bố cục của Cuốn sách “Liên Xô và Việt Nam trong những năm chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất. Hội nghị Giơ-ne-vơ. Năm 1954” bao gồm 6 phần:
Phần 1: Cuộc chiến tranh và hòa bình của Việt Nam chiến đấu qua phản chiếu tấm gương chính trị và ngoại giao. Tháng 01/1950-10/1953.
Phần 2: Con đường gian nan đến Giơ-ne-vơ. Tháng 6/1953-4/1954.
Phần 3: Hội nghị các Ngoại trưởng ở Giơ-ne-vơ bắt đầu làm việc. Ngày 26/4 - 20/5/1954.
Phần 4: Những con đường ngoại giao bí mật. Lô-giccủa các cuộc chiến tranh thực dân và hòa bình. Ngày 21/5-10/6/1954.
Phần 5: Thắng lợi của ý chí chính trị. Kết quả Hội nghị Giơ-ne-vơ. Ngày 11/6 - 23/7/1954.
Phần 6: Triển vọng một Giơ-ne-vơ mới. Ngày 24/7/1954-12/1956.
Ấn phẩm này một lần nữa thể hiện mối quan hệ hợp tác giữa hai nước Việt Nam và Liên bang Nga trong lĩnh vực lưu trữ, đồng thời mang lại những giá trị đặc biệt đối với nhiều đối tượng độc giả trong nhiều ngành nghề, độ tuổi và đối với những người nghiên cứu lịch sử và nghiên cứu chuyên sâu về sự kiện Hội nghị Giơ-ne-vơ năm 1954.